Việc thực thi Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP được kỳ vọng sẽ giúp môi trường kinh doanh Việt Nam thăng hạng trên các bảng xếp hạng trong thời gian tới.

Việc thực thi Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP được kỳ vọng sẽ giúp môi trường kinh doanh Việt Nam thăng hạng trên các bảng xếp hạng trong thời gian tới.

Nghị quyết 19/2017: Mở rộng danh mục đầu việc của các bộ, ngành

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 vừa được Chính phủ ký ban hành đã mở rộng thêm danh mục đầu việc các bộ, ngành.

Đây là lần thứ tư, Chính phủ ban hành nghị quyết này, với cùng số hiệu 19. Đây cũng là năm thứ tư các bộ, ngành, địa phương trực tiếp nhận các đầu việc trong cắt giảm thủ tục hành chính, sửa đổi các quy định cụ thể theo những hạn định cụ thể, đảm bảo sự thuận lợi trong kinh doanh của doanh nghiệp từ Chính phủ.

Đương nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang tiếp tục nhìn vào đầu việc mà Chính phủ đã liệt kê để chuẩn bị kế hoạch kinh doanh trong môi trường thuận lợi hơn. Không những thế, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), danh mục đầu việc lần này rộng hơn, đang mở đường cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp giám sát việc thực thi của các bộ, ngành, địa phương.

Vẫn theo ông Tuấn, lần đầu tiên, yêu cầu rà soát, kiến nghị sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP được đưa vào Nghị quyết số 19-2017. VCCI đã rất nhiều lần gửi kiến nghị, đề nghị bãi bỏ các quy định hạn chế hợp tác giữa các cơ sở in; cấp phép nhập khẩu các máy móc gia công sau in; quy định về người đứng đầu cơ sở in phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in; cấp phép đối với các hợp đồng in từ nước ngoài… đang làm khó doanh nghiệp.

Lần đầu tiên, Nghị quyết này đề cập các vướng mắc trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt là đặt thẳng các vấn đề như hạn chế can thiệp vào nội dung giải quyết vụ án trong các phán quyết trọng tài; tạo điều kiện công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài; công nhận quyết định hoà giải thành của các bên ngoài toà án…

Không dừng lại ở việc rà soát, sửa đổi các quy định cụ thể, lần này, Nghị quyết 19-2017 đã đặt yêu cầu thay đổi mang tính nền tảng. Rõ nhất là yêu cầu trình Quốc hội Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trước tháng 12/2017. Nguyên tắc được đặt ra cho lần sửa đổi này là bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát có hiệu quả độc quyền, thống lĩnh trong kinh doanh. Giải quyết kịp thời các khiếu nại đối với các vụ việc lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh, tập trung hóa kinh tế, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật cạnh tranh...

Đây là những nội dung sẽ thay đổi căn bản môi trường kinh doanh Việt Nam, sẽ tạo những vị trí vững vàng cho các lần thăng hạng trên các bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cải thiện thứ hạng và điểm số của Chỉ số Khởi sự kinh doanh, Bảo vệ nhà đầu tư; theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và về điều kiện kinh doanh.

- Chủ trì, phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phá sản, đảm bảo thực hiện cải thiện Chỉ số Phá sản doanh nghiệp theo đúng mục tiêu đã định.

2. Bộ Công thương

- Rà soát, đôn đốc các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.

- Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định 35/2015/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo hướng bỏ một số dịch vụ ngân hàng ra khỏi Danh mục, nhằm thống nhất về cơ quan quản lý nhà nước đối với việc cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng.

3. Bộ Xây dựng

- Đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cấp phép xây dựng. Phối hợp với Bộ Công an kết hợp thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy với thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.

- Giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Trích một số nhiệm vụ của các bộ, ngành được quy định trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP

Tin bài liên quan