Nghĩ ở 18 thôn Vườn Trầu…

Nghĩ ở 18 thôn Vườn Trầu…

(ĐTCK) Giới trẻ bây giờ thích đến resort 5 sao hay đi du lịch nước ngoài, những điểm du lịch về nguồn thưa thớt, hầu như toàn ông già bà cả. Chẳng biết vì lũ trẻ thích sống vội, hay là tại những địa điểm hành hương ấy quá lèo tèo dịch vụ và nhạt nhòa trong quảng bá???

Vào TP. HCM đã không ít lần và mặc dù rất muốn, nhưng tôi không đi được nhiều di tích lịch sử cách mạng. Thì bạn bè ai cũng tưởng là mình đã biết cả, cần gì phải xem, cần gì phải ngó. Chưa kịp đi đâu, bạn đã đón trước cổng sân bay, rồi họp hành, tiệc tùng… và mình cũng ngại làm phiền nên bao nhiêu dự định thăm thú đều dở dang.

Có một khu di tích nghe tên là lạ, đã dự định mấy lần mà chưa đi được, đó là Hóc Môn - Bà Điểm, 18 thôn Vườn Trầu. Loáng thoáng biết rằng đó là một di tích cách mạng nổi tiếng, nhưng cũng không tỏ tường. Lần này tôi quyết định tự một mình đi đến tận nơi.

Hỏi con gái đang làm việc cho một DN Canada tại TP. HCM, cháu chẳng biết ở đâu. Hỏi bạn là anh Đặng Sĩ Hảo, nguyên Phó giám đốc Công ty Than Miền Nam, anh bảo đại khái 18 thôn Vườn Trầu xa lắm, đến Hóc Môn - Bà Điểm phải ba bốn chục cây số. Tôi hỏi tổng đài 1080, người ta chỉ dẫn đi xe bus 54 về Chợ Lớn rồi tiếp tuyến xe bus 23 về Hóc Môn.

9h sáng, xe bus Sài Gòn đông nhưng trật tự. Tôi hỏi một cháu quàng khăn đỏ:

- 18 thôn Vườn Trầu ở đâu cháu? Cháu trả lời tôi: - Cháu không biết ạ.

Tôi cụt hứng. Cháu bé đang còn mải xem Ipad.

Không thoái chí, tôi quay sang một cháu sinh viên năm thứ 3 Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP. HCM hỏi về Hóc Môn - Bà Điểm, về 18 thôn Vườn Trầu. Cháu thực thà bảo chỉ biết huyện Hóc Môn cách TP. HCM 30 cây số, nhưng 18 thôn Vườn Trầu thì chịu…

Lòng thắc mắc, tại sao một địa điểm chỉ cách nội đô vài ba chục cây mà không ai tỏ tường, lại sốt ruột vì đầu giờ chiều đã trót có cuộc hẹn quan trọng. Nhìn thấy vẻ mặt bần thần của tôi, anh phụ xe bus bảo không biết 18 thôn Vườn Trầu là gì, nhưng ở Ngã Ba Giồng có một khu di tích rất lớn. “Bác cứ xuống đó rồi có gì thì hỏi thêm”, anh phụ xe tốt bụng nói.

Xuống Ngã Ba Giồng đã 11 giờ trưa. Trước mặt tôi là một khu di tích khá lớn, không hiểu có liên quan gì đến cái địa danh 18 thôn Vườn Trầu đang tìm đến… Chỉ có điều sao ngày Chủ nhật cao điểm đón khách thăm quan mà cổng phụ 1 đóng cửa, cổng phụ 2 đóng cửa, cổng phụ 3 thì… không mở.

Ở cổng chính đề chữ rất to “Di tích Ngã Ba Giồng”. Hóa ra đó là một khu di tích lịch sử về hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Những tượng đài lồng lộng giữa trời xanh, bia đá ghi danh những anh hùng lịch sử từ thời khởi nghĩa Nam Bộ. Uy nghi là thế, nhưng ở cổng chính cũng chỉ có mỗi một anh xe ôm gà gật, nghe chừng đã lâu không có khách.

Nghe tiếng người hỏi, anh giật mình tỉnh dậy, đưa tôi đến khu tiếp đón. Vừa than thở rằng “khu di tích vắng khách lắm bác ạ”, Giám đốc vừa gọi cho một nữ nhân viên, yêu cầu đưa tôi dạo một vòng quanh khu di tích.

Hóa ra nơi đây đã từng tồn tại địa danh 18 thôn Vườn Trầu mà tôi đang tìm. Cô tiếp viên kể, nghe đời trước truyền lại, 18 thôn Vườn Trầu xưa từng có cảnh trí hoang sơn, cỏ cây rậm rạp, "ông ba mươi" đi trên đường làng giữa ban ngày, còn ban đêm thì thả sức tung hoành quấy phá, bởi vậy mới có câu truyền miệng "dữ như hổ 18 thôn Vườn Trầu".

Bà con sinh sống lâu đời ở đây coi trồng trầu là một nghề ăn nên làm ra. Do vậy mà vườn nhà nọ nối với vườn nhà kia bằng một màu xanh bất tận của cây trầu. Nghề nuôi ngựa, nuôi gà chọi cũng là một trong những nghề nổi tiếng ở đây. Buổi đầu Pháp xâm chiếm Nam Bộ, giữa Tết năm Ất Dậu (1885), nhân dân 18 Thôn vườn trầu đã nổi dậy, khởi nghĩa giết đốc phủ Ca, một tên tay sai gian ác, rồi kéo quân vào Sài Gòn....

Năm 1930 khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời thì 18 thôn Vườn Trầu được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo, cất dấu tài liệu bí mật của Ðảng. Trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến 1940, nhiều chiến sĩ cách mạng kiệt xuất như Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn... đã được bảo vệ, nuôi dấu ở đây.

Cũng tại 18 thôn Vườn Trầu, tại Khu di tích Ngã Ba Giồng này là nơi thực dân Pháp đã bắt và xử bắn 903 chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong khuôn viên khu di tích là những hiện vật, hình ảnh lịch sử về những con người, vùng đất của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Vậy mà bây giờ, di tích đồ sộ, giàu truyền thống không mấy người biết đến. Một cảm giác buồn, man mác dâng lên trong tôi, như nhớ nhung, như nuối tiếc…

Cô hướng dẫn viên đưa tôi đến gặp người trồng trầu và là người thiết kế lại sơ đồ 18 thôn Vườn Trầu.

- Bọn cháu vẫn gọi bác ấy là nghệ nhân trồng trầu đấy ạ.

Tôi hỏi tên, bác bảo “cứ gọi tôi là người trồng trầu” rồi thủng thẳng kể bằng giọng đặc sệt Nam Bộ: tôi thiết kế, chọn giống trầu, ươm trồng 18 khu trồng giầu trong khu di tích này, tượng trưng cho 18 thôn ngày xưa. Cũng là cho đỡ nhớ nghề. Dân Hóc Môn - Bà Điểm giờ chẳng mấy ai trồng trầu vì hiệu quả kinh tế thấp. Thời nay có mấy ai ăn trầu đâu anh.

- Nhưng nơi đây là một di tích cách mạng lẫy lừng, sao không quảng bá mà lại để vắng vẻ thế ạ? - Tôi hỏi.

- Chuyện đấy thì phải hỏi mấy ông ở trên chứ. Hồi trước, dân ở đây cũng hy vọng lắm. Họ mơ nơi đây sẽ có một địa điểm du lịch để lại tiếp tục trồng trầu, thế nhưng... 18 thôn Vườn Trầu đã hết trầu mà cái tên địa danh cũng dần mất rồi!

Được biết, hơn chục năm trước, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã đánh tiếng với Sở Du lịch và được đơn vị này hỗ trợ bằng cách mời các công ty, DN ngành du lịch đến khảo sát để tính toán khả năng đầu tư, quy hoạch lại 18 thôn vườn trầu.

Thế nhưng, có hơn 10 DN đến rồi lặng lẽ ra đi. DN thì đổ cho địa phương không chịu đầu tư hạ tầng, đầu tư cho người dân khôi phục vườn trầu, người dân phá trầu đi xây nhà trọ kiếm lời khá hơn. Còn địa phương lại bảo, các công ty du lịch chỉ muốn cái gì cũng “muốn được dọn sẵn ra mâm mà không tự tay vào bếp chế biến”.

Một mình tôi đi dạo giữa công viên khu di tích, mải suy nghĩ mà quên mất cuộc hẹn đầu giờ chiều. Di tích Ngã Ba Giồng, 18 thôn Vườn Trầu! Nổi tiếng thế, hoành tráng thế, cách trung tâm TP. HCM chưa đầy 30 km mà sao nhiều người không biết? Tôi đi xe bus mất 2 tiếng là quá chậm. Bọn trẻ bây giờ chỉ thích đi Khu du lịch Đầm Sen, Khu du lịch Suối tiên, Khu du lịch Đại Nam… ai đến Ngã Ba Giồng?

Mà không chỉ có Ngã Ba Giồng, ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ở nhà tù Côn Đảo, vẫn chỉ thấy đa số là những mái đầu bạc và… khách nước ngoài. Tháp tùng bố đi Côn Đảo về, con gái tôi bảo, “từ lần sau con không muốn xem tiếp những cảnh tra tấn rợn người, máu chảy đầu rơi thế này đâu, sợ lắm”.

Có chút giận con, nhưng rồi lại nghĩ: Phải làm sao để các chuyến du lịch về nguồn không trở nên khô cứng và đơn điệu? Làm sao thu hút khách du lịch trẻ đi tìm hiểu thực sự chứ không vì nghĩa vụ hay phong trào? Những câu hỏi cứ vấn vương trong đầu tôi suốt cả chuyến bay ra Hà Nội và vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan