Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nghi ngờ về kết quả thử nghiệm vắc-xin Covid, giới đầu tư thoát hàng

(ĐTCK) Sau phiên khởi sắc với thông tin về kết quả tích cực của đợt thử nghiệm ban đầu về vắc-xin Covid của Moderna, giới đầu tư đã tỏ ra nghi ngờ về kết quả này và bán mạnh ra trong cuối phiên thứ Ba (19/5).

Kỳ vọng về sự mở cửa trở lại nền kinh tế, cùng với thông tin tích cực về kết quả thử nghiệm ban đầu văc-xin Covid-19 của Moderna giúp phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng khi mở cửa phiên thứ Ba.

Tuy nhiên, đà tăng không mạnh như phiên đầu tuần mà giằng co quanh hoặc sát mốc tham chiếu. Đến cuối phiên, sau khi có báo cáo từ STAT News đặt câu hỏi về tính hợp lệ của kết quả thử nghiệm vắc-xin của Moderna được đưa ra, giới đầu tư đã giật mình ồ ạt bán ra, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lao mạnh. Trong đó, Dow Jones và S&P 500 đã trả lại phân nửa những gì đã có trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Dow Jones giảm 390,51 điểm (-1,59%), xuống 24.206,86 điểm. Chỉ asố S&P 500 giảm 30,97 điểm (-1,05%), xuống 2.922,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 49,72 điểm (-0,54%), xuống 9.185,10 điểm.

Sau phiên khởi sắc đầu tuần, chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh trong phiên thứ Ba do nhóm cổ phiếu ngân hàng, viễn thông bị chốt lời sau chuỗi tăng tốt trước đó. Sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu lớn này khiến thị trường quay đầu giảm bất chấp thông tin lạc quan về kế hoạch tung các gói kích thích kinh tế của Liên minh châu Âu.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,36 điểm (-0,77%), xuống 6.002,23 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 16,42 điểm (+0,15%), lên 11.075,29 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 40,18 điểm (-0,89%), xuống 4.458,16 điểm.

Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên thứ Ba nhờ ảnh hưởng tích cực của phố Wall trong phiên trước đó với thông tin hỗ trợ là thử nghiệm vắc-xin Covid bước đầu có kết quả khả quan.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 299,72 điểm (+1,49%), lên 20.433,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,16 điểm (+0,81%), lên 2.898,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 453,36 điểm (+1,89%), lên 24.388,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 43,50 điểm (+2,25%), lên 1.980,61 điểm.

Sau khi lình xình trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng đã bật tăng trở lại cuối phiên giao dịch Mỹ khi chứng khoán đảo chiều và đồng USD giảm.

Kết thúc phiên 19/5, giá vàng giao tăng 12,7 USD (+0,73%), lên 1.744,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 11,2 USD (+0,65%), lên 1.745,6 USD/ounce.

Giá dầu thô sau phiên tăng mạnh hôm thứ Hai với phản ứng tích cực về thử nghiệp lạc quan của văc-xin Covid-19 đã hạ nhiệt và diễn biến trái chiều trong phiên thứ Ba. Trong đó, giá dầu thô Mỹ giao tháng 6 hết hạn hợp đồng trong ngày này tiếp tục duy trì mạch tăng và lên mức cao nhất 2 tháng, trong khi giá dầu thô tương lai Brent điều chỉnh nhẹ.

Kết thúc phiên 19/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,68 USD (+2,09%), lên 32,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,16 USD (-0,46%), xuống 34,65 USD/thùng.

Tin bài liên quan