Bất thường từ trước khi LMH lên sàn
Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) đã “từ chối đưa ra ý kiến” về Báo cáo tài chính LMH năm 2019 dựa trên cơ sở chưa nhận được thư xác nhận và không thể xác nhận tính đúng đắn của nhiều khoản mục.
Chẳng hạn, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 53,568 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 214,281 tỷ đồng; phải thu về các khoản cho vay ngắn hạn 20,726 tỷ đồng; người mua trả tiền trước 134,817 tỷ đồng…
Vietvalues không thể xác định được ảnh hưởng (nếu có) của các khoản mục đến bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, Vietvalues còn lưu ý, trong năm, LMH cho vay cá nhân và tổ chức với số tiền 136.426.982.885 đồng và số dư tại ngày 31/12/2019 là 31.160.748.805 đồng.
Các khoản mục này chưa có hợp đồng và cho vay dưới hình thức tín chấp, không có các tài sản bảo đảm hoặc cam kết bảo lãnh của bên thứ ba.
Ðáng lưu ý, ngay trước khi LMH niêm yết, trong báo cáo tài chính thời điểm 30/9/2018 cũng đã xuất hiện các khoản mục tương tự với giá trị lớn hơn.
Chẳng hạn, khoản mục phải thu ngắn hạn, danh mục khách hàng vẫn là Công ty TNHH Ðại Dương Xanh (nay đổi tên thành Công ty TNHH TM DV Eastern Tigers) số dư 95 tỷ đồng, nay còn 50,7 tỷ đồng; CTCP Tư vấn Ðầu tư Xây dựng Ba Ðình 19,2 tỷ đồng, nay là 20 tỷ đồng và các khoản mục khác.
Ðối với khoản mục trả trước cho người bán, CTCP Tư vấn Ðầu tư Xây dựng Ba Ðình trước đây 206 tỷ đồng, nay là 210,9 tỷ đồng và các công ty khác.
Ðối với người mua trả tiền trước, trong báo cáo quý III/2018 ghi nhận là dự án Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở Manhattan Towers tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội với giá trị 205,1 tỷ đồng thì trong báo cáo năm 2019 là 138,7 tỷ đồng căn hộ Thành An Towers tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Như vậy, các khoản mục lớn mà Vietvalues từ chối đưa ra ý kiến đã bắt đầu xuất hiện trong báo cáo tài chính của LMH từ ngày 30/9/2018.
Tuy nhiên, năm 2018, báo cáo tài chính của LMH được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C - chi nhánh Hà Nội. Ý kiến của Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu: “Báo cáo tài chính 2018 của LMH đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của Công ty và chỉ có một ý kiến nhấn mạnh về việc trong năm, LMH phát sinh các khoản vay cá nhân và tổ chức, với số tiền trên 279 tỷ đồng”.
Nếu như các khoản mục trong báo cáo tài chính tự lập của LMH là thực thì Ban lãnh đạo LMH hoàn toàn có thể bổ sung thông tin hoặc giải trình sau khi Vietvalues từ chối nêu ý kiến, để nhà đầu tư yên tâm, thậm chí kiểm toán có thể thay đổi quan điểm đánh giá. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo LMH đã hoàn toàn im lặng.
Cổ đông nội bộ đã làm gì trong 3 khoảng giá LMH?
Kể từ thời điểm niêm yết tới nay, cổ đông nội bộ LMH mua vào 4.113.280 cổ phiếu, bán ra 7.589.790 cổ phiếu, tức bán ròng 3.276.510 cổ phiếu trên sàn.
Trong đó, giá cổ phiếu có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1, từ khi niêm yết tới cuối tháng 8/2019, giá tăng từ 9.000 đồng lên 16.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 77,8%. Giai đoạn này, khối cổ đông nội bộ bán ra 1.784.160 cổ phiếu.
Giai đoạn 2, từ đầu tháng 9/2019 đến cuối tháng 12/2019, LMH giảm từ 16.000 đồng về mức 12.000 đồng/cổ phiếu, cổ đông nội bộ bán ra 1.050.870 cổ phiếu.
Giai đoạn 3, từ đầu năm tới nay, LMH mất thanh khoản, rớt từ 12.000 đồng về 930 đồng/cổ phiếu, cổ đông nội bộ bán ra 4.754.760 cổ phiếu.
Nhiều cổ đông lớn cũng liên tục thoái vốn. Những người có tên trong Bản cáo bạch niêm yết năm 2018 đều giảm tỷ lệ sở hữu tính tới thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, cổ đông lớn Nguyễn Thanh Tùng sở hữu 5,79% thì nay còn 1,56%, Lương Quan Vinh sở hữu 5% nay còn 4,61%, Trần Thanh Tùng sở hữu 6,08% nay còn 2,38%…
LMH niêm yết trên HOSE ngày 12/10/2018, với khối lượng 23 triệu cổ phiếu niêm yết ngày đầu tiên. Tính tới 31/3/2020, số cổ phiếu LMH đang lưu hành là 25,6 triệu đơn vị.
Tại LMH cũng có hiện tượng tăng vốn nhanh trước khi niêm yết khi tháng 5/2012, Công ty có vốn điều lệ là 30 tỷ đồng, nhưng tới trước khi niêm yết, tháng 11/2017, đã là 233 tỷ đồng, tức tăng 677% trong thời gian hơn 5 năm.