Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài, cần có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nỗ lực và tập trung cao nhất cho mục tiêu mình xây dựng” Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc CTCP May Sông Hồng.

Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài, cần có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nỗ lực và tập trung cao nhất cho mục tiêu mình xây dựng” Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc CTCP May Sông Hồng.

Nghĩ lớn cho một hành trình bền vững

(ĐTCK) Năm 2019, Công ty cổ phần May Sông Hồng tăng trưởng hai con số, hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra. Hàng chục năm bền bỉ nỗ lực hoàn thiện mình để có tên trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu đã giúp hoạt động kinh doanh của Công ty duy trì tích cực trong bối cảnh diễn biến ngành kém thuận lợi.

Tăng trưởng hai con số trong bối cảnh ngành kém thuận lợi

Năm qua, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 475 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,8% và 5,6% so với năm 2018; phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ từ 35 - 45%.

Cho đến thời điểm này, có thể nói, Công ty đã về đích xuất sắc kế hoạch năm.

Sự tăng trưởng của doanh nghiệp may mặc tại Nam Định, một thời được gọi với cái tên “Thành phố dệt” đáng chú ý trong bối cảnh ngành dệt may trong nước vừa có một năm kém thuận lợi.

Trái với những dự báo trước đó về triển vọng của ngành dệt may khi thương chiến bắt đầu nổ ra, báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, sức mua trên thị trường xuất khẩu hàng dệt may năm 2019 có xu hướng thận trọng hơn.

Các đơn hàng dệt may có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc đi đến các quốc gia khác (như Bangladesh, Campuchia, một số quốc gia châu Phi…) nhiều hơn đến Việt Nam, do giá nhân công thấp hơn.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, thành công này có được nhờ Công ty luôn chủ động trong việc ký kết các đơn hàng FOB (tự chủ từ khâu nguyên liệu - PV) trong cả năm.

Duy trì khả năng có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý là kết quả của cả một quá trình xây dựng uy tín để thuyết phục và có được niềm tin của khách hàng về chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả cạnh tranh, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc duy trì hợp tác tốt với các khách hàng truyền thống như GIII, NY&Co., Haddad, Columbia Sportswear, trong danh sách các khách hàng mới của May Sông Hồng có những tên tuổi như Luenthai, Li & Fung (những tập đoàn may mặc có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên kinh doanh và nhập khẩu sản phẩm may mặc thời trang, nội y... cho các thương hiệu lớn như Walmart, Calvin Klein, Express).

Họ đều là những doanh nghiệp lớn, có uy tín lâu năm và khả năng tài chính lành mạnh, có khả năng duy trì và phát triển thị trường với đơn hàng dồi dào và ổn định với mức giá cạnh tranh trên toàn cầu. Đây chính là nhân tố giúp Công ty duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định và bền vững

Nghĩ lớn cho một hành trình bền vững

Trong bức tranh chung của các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên sản xuất chứng khoán, May Sông Hồng nổi bật với biên lợi nhuận gộp đạt trên 20%.

Đây chính là trái ngọt của tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Công ty, của nỗ lực bền bỉ hàng chục năm qua trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ chuyên may gia công (với biên lợi nhuận thấp) sang phương thưc sản xuất hàng FOB (với biên lợi nhuận cao hơn).

Nhìn về năm 2020, CEO Bùi Việt Quang cho biết, Công ty đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng mạnh về doanh thu mảng FOB.

Công ty sẽ tập trung hơn cho khâu marketing, nghiên cứu phát triển, hoàn thiện, đồng bộ hóa các phần mềm và tiếp tục hiện đại hóa thiết bị, cơ sở hạ tầng, đồng thời theo sát mọi diễn biến của thị trường để có hành động phù hợp.

Ông Quang kỳ vọng, con số tăng trưởng sẽ tích cực hơn kể từ quý II/2020 nhờ đóng góp từ khách hàng mới mở rộng được trong năm 2019.

Trong cơ cấu sản phẩm của May Sông Hồng, bên cạnh sản phẩm may mặc xuất khẩu, còn có mảng quan trọng là chăn ga gối đệm.

Thương hiệu chăn ga gối Sông Hồng đã nổi tiếng trên thị trường trong nước lâu nay, tuy nhiên May Sông Hồng hiện đang triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu, thay đổi và nâng cấp thương hiệu dòng sản phẩm này toàn bộ từ thiết kế, chất lượng, kênh bán hàng, dự kiến từ quý II/2020 sẽ tạo được sự bất ngờ về hình ảnh nhận diện trên thị trường, là động lực để Công ty xúc tiến việc xuất khẩu thương hiệu của mình ra thị trường quốc tế.

Cũng trong năm nay, May Sông Hồng dự kiến sẽ hoàn tất hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP và kết nối, đồng bộ với các phần mềm chuyên dụng khác, nhằm mục tiêu thay đổi về chất đối với hệ thống quản trị và thông tin liên lạc, giúp Công ty trở nên nhanh hơn, linh hoạt hơn các đối thủ cạnh tranh. 

Vị tổng giám đốc cũng cho rằng, năng suất lao động sẽ có nhiều cơ hội để nghiên cứu cải tiến do tận dụng được hệ thống cơ sở dữ liệu ngày càng đầy đủ và chính xác, giúp phát hiện các vấn đề hay sự cố một cách nhanh chóng nhất, hỗ trợ đưa ra quyết định xử lý nhanh hơn trước gấp nhiều lần.

Nhân sự trong Công ty không thay đổi về lượng, nhưng chắc chắn sẽ được nâng lên về chất do nhiều công đoạn đơn giản đã được tự động hóa, lao động được tập trung đào tạo cho những công đoạn phức tạp mà máy móc không thay thế được. “Đây chính là nhân tố để tăng năng suất lao động”, ông Quang giải thích.

Thời điểm này, Dự án Nhà máy mới Nghĩa Hưng của May Sông Hồng đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2020, giúp tăng năng lực sản suất của Công ty thêm 20%, chủ yếu phục vụ đơn hàng FOB.

Theo ước tính, Nhà máy sẽ hoạt động ở khoảng 50% công suất thiết kế trong năm đầu tiên hoạt động.

Chia sẻ yếu tố sẽ tiếp tục dẫn dắt sự phát triển bền vững của May Sông Hồng, vị CEO “con nhà nòi” chỉ nói vắn tắt: “Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài, cần có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nỗ lực và tập trung cao nhất cho mục tiêu mình xây dựng”.

Liên tục đổi mới, đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D), chỉ tập trung cho lĩnh vực cốt lõi đã trở thành kim chỉ nam trong hoạt động của May Sông Hồng.

Bởi như quan niệm của lãnh đạo Công ty, những yêu cầu mới sẽ liên tục được đặt ra, không chỉ đến từ các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu mà khẩu vị thị trường cũng buộc các doanh nghiệp phải chủ động đón đầu nếu không sẽ quá muộn để thích ứng.

Sau cuộc trao đổi mới nhất với May Sông Hồng, Công ty Chứng khoán ACBS nhận định, xuất khẩu hàng FOB vẫn là động lực tăng trưởng chính của Công ty trong tương lai. Doanh thu FOB sẽ chiếm 75% doanh thu thuần của Công ty trong năm 2019 và 2020, từ mức 72% trong năm 2018; biên lợi nhuận gộp được Công ty duy trì tốt trong khoảng 20 - 21%. 

Doanh thu thuần 2019 và lợi nhuận sau thuế của May Sông Hồng được ACBS dự phóng lần lượt đạt 4.542 tỷ đồng (tăng 15%) và 445 tỷ đồng (tăng 20,3% so với năm ngoái). Mức tăng trưởng tương ứng dự phóng cho 2020 là 14,3% và 14,4%. 

ACBS định giá cổ phiếu MSH ở mức 75.196 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng tỷ suất sinh lời 46,2% vào cuối năm 2020.

Tin bài liên quan