Trong nỗ lực nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão lũ có sự đóng góp lớn của các công ty bảo hiểm

Trong nỗ lực nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão lũ có sự đóng góp lớn của các công ty bảo hiểm

Nghĩ khác về bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Ngành bảo hiểm vẫn bị mang tiếng “mua dễ, khó đòi”, khiến nhiều chủ tài sản còn ngần ngại khi tham gia bảo hiểm.

Thiệt hại sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, tài sản được bảo hiểm trên 9.000 tỷ đồng

Theo thông tin từ Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi, đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17). Tổng thiệt hại về tài sản do cơn bão này gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương nơi cơn bão đi qua như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão lũ để ổn định đời sống người dân.

Còn số liệu cập nhật từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tính đến ngày 20/9/2024 ghi nhận 23 trường hợp tử vong..., tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 13 tỷ đồng.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp ngành này đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, ước tính thiệt hại khoảng 9.000 tỷ đồng và con số này có thể chưa dừng lại vì các tổn thất vẫn đang được cập nhật, hiện đã tạm ứng bồi thường tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng.

Mặt khác, trước, trong và sau cơn bão, các công ty bảo hiểm đã dồn toàn lực, đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường… nhằm góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, các công ty bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân lực, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7... để ghi nhận những thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.

Khoảng trống của bảo hiểm

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, với những giá trị mang lại, trong tương lai gần, “tấm lá chắn” bảo hiểm sẽ được nhìn nhận lại theo hướng tích cực, thấu đáo hơn.

Trong những thập niên gần đây, ngành bảo hiểm đã có những bước phát triển vượt bậc tại hầu hết các thị trường mới nổi ở châu Á. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tỷ trọng phí bảo hiểm trên GDP) tại khu vực này còn ở mức thấp so với tỷ lệ trung bình của thế giới (đạt 6,7% vào năm 2022) cũng như các thị trường phát triển lâu đời như Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Singapore...

Thực tế, tại các thị trường phát triển, bảo hiểm rất được quan tâm. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ được coi là “tấm lá chắn” tài chính tin cậy bảo vệ sức khỏe, tài sản của người dân, doanh nghiệp cũng như đảm bảo sự an toàn, phát triển của cả nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng đến nay chưa thực sự được chú trọng.

Thống kê trên cho thấy, thiệt hại do siêu bão Yagi lên tới hơn 50.000 tỷ đồng, nhưng những tài sản được bảo hiểm lại khá khiêm tốn, chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bảo hiểm tài sản kỹ thuật hàng hóa, tàu thuyền và một phần nhỏ bảo hiểm xe cơ giới.

Là một quốc gia nông nghiệp với hơn 60% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn và phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp như Việt Nam, đáng ra bảo hiểm nông nghiệp phải đóng vai trò quan trọng, nhưng thực tế còn là một khoảng trống lớn. Theo Hiệp hội Bảo hiểm bảo hiểm Việt Nam (IAV), thách thức về mức độ thâm nhập của bảo hiểm nông nghiệp nằm ở cả phía cung và phía cầu.

Về nhu cầu, một bộ phận lớn nông dân Việt Nam có thu nhập thấp nên khó có khả năng chi trả phí bảo hiểm, đặc biệt khi chưa có sự hỗ trợ đầy đủ từ Nhà nước (Nhà nước và nông dân cùng làm), hoặc chưa thấy rõ lợi từ việc tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, quy trình bồi thường lại khá phức tạp, yêu cầu công tác giám định mang tính đặc thù và mất nhiều thời gian, lại thiếu dữ liệu chính xác để đánh giá mức độ thiệt hại… dẫn đến thời gian chi trả bồi thường chưa đáp ứng được kỳ vọng. Còn về phía cung, các công ty bảo hiểm phải cân nhắc kỹ về mức độ rủi ro, mức phí bảo hiểm phải đóng, mức khấu trừ và điều kiện điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm.

Một báo cáo khảo sát của Peak Re vào năm 2022 tại các quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan về mức độ được bảo vệ từ các sản phẩm bảo hiểm (như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo) khi xảy ra các rủi ro lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài chính của người được bảo hiểm cho thấy, gần như người tiêu dùng sẽ phải tự chịu phần lớn các chi phí gây ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính, thay vì được bảo vệ từ bảo hiểm. Điều này khá trùng khớp với thực tế tại Việt Nam hiện nay. Ngoài các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc phải mua theo quy định của Bộ Tài chính như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới…, các sản phẩm bảo hiểm khác đều gặp khó trong việc phổ cập đến người dân.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, với những giá trị mang lại, trong tương lai gần, tình hình có thể sẽ khác, nhất là khi vai trò của bảo hiểm được thể hiện rõ nét hơn trong việc hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng khắc phục hậu quả bão lũ, tái thiết cuộc sống. Khi đó, “tấm lá chắn” bảo hiểm sẽ được nhìn nhận lại theo hướng tích cực, thấu đáo hơn.

Để thu hút, khuyến khích đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm, một số kiến nghị đã được đưa ra. Thứ nhất, nhà bảo hiểm có thể hợp tác với hiệp hội bảo hiểm, các cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng. Điều này giúp nâng cao nhận thức về lợi ích của bảo hiểm và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia.

Thứ hai, tăng cường chính sách hỗ trợ và ưu đãi bảo hiểm. Trong đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm.

Thứ ba, các công ty bảo hiểm cần đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, bao gồm những gói bảo hiểm có mức phí hợp lý cho người thu nhập thấp và bảo hiểm chuyên biệt cho các doanh nghiệp trong các ngành nghề dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục và quy trình bồi thường, bởi một trong những lý do khiến người dân ngần ngại tham gia bảo hiểm là quy trình bồi thường phức tạp và kéo dài.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ số để quản lý hồ sơ khách hàng, giám sát rủi ro và xử lý yêu cầu bồi thường một cách hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp nhà bảo hiểm giảm chi phí vận hành, mà còn tăng cường trải nghiệm của người dùng.

Tin bài liên quan