Nghị định 90 “trói tay” doanh nghiệp lỗ?

Nghị định 90 “trói tay” doanh nghiệp lỗ?

(ĐTCK) Nghị định 90/2011/NĐ-CP quy định về việc phát hành trái phiếu ra đời cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng, đang xuất hiện những điểm không phù hợp khiến doanh nghiệp niêm yết thua lỗ không có cơ may thoát khỏi cảnh sa lầy.

Từ trường hợp VKP

Với các cổ đông bên ngoài, giờ này, cổ phiếu VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa có lẽ đã biến thành giấy vụn đúng nghĩa. VKP đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE từ giữa năm 2012 do kinh doanh thua lỗ kéo dài. Rút lui vào bóng tối một thời gian, VKP chuyển sang trạng thái “ngoài vùng phủ sóng”: website ngừng cập nhật thông tin, liên hệ theo số điện thoại liên lạc chính thức được Công ty cung cấp, dịch vụ mạng thông báo không tồn tại. Không biết Công ty còn hay ngưng hoạt động, trôi nổi ở đâu, các cổ đông VKP đối diện với nguy cơ trắng tay.

Thực chất, VKP đã có ít nhất một cơ hội hồi sinh. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên giữa năm 2011, cổ đông đã nhất trí cho HĐQT phát hành 40 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để vượt qua tình hình khó khăn về tài chính. Sự nhất trí này đến từ bức tranh tài chính u ám của VKP được phơi bày thời điểm đó: thua lỗ lũy kế 90 tỷ đồng trong 9 quý liên tiếp (từ quý II/2009 đến quý II/2011), dư nợ vay ngân hàng 150 tỷ đồng, vốn điều lệ đầu tư ban đầu 80 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 40 tỷ đồng. Dù vậy, vẫn có tín hiệu tích cực khi đại diện cổ đông Nhà nước lên tiếng cam kết không để VKP phá sản. Đại diện phía ngân hàng cho biết, nếu VKP có kế hoạch kinh doanh rõ ràng sẽ nhận được các hỗ trợ. Ông Trương Tứ Đệ, Chủ tịch HĐQT VKP lúc ấy khẳng định, HĐQT Công ty sẵn sàng mua 70% lượng trái phiếu chuyển đổi.

Nghị định 90 “trói tay” doanh nghiệp lỗ? ảnh 1

Theo Nghị định 90, doanh nghiệp niêm yết muốn phát hành trái phiếu chuyển đổi, phải có lãi ở năm liền kề trước

Thế nhưng, không lâu sau đó, nhiệt tình của HĐQT cũng “xì hơi” nhanh chóng. Trao đổi với ĐTCK vào đầu tháng 8/2011, ông Đệ cho biết, cơ quan quản lý yêu cầu VKP phải có lãi trong năm 2011 mới được phát hành. Không tái cấu trúc lại tài chính, VKP lỗ thêm 60 tỷ đồng trong cả năm 2011. Không được tiếp sức, VKP như con thuyền vỡ, đã đắm càng chìm nhanh hơn.

 

Nhiều doanh nghiệp thoi thóp

Thực tế hiện nay, không hiếm DN cận kề nguy cơ mất cân đối về tài chính như VKP. CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV) công bố báo cáo tài chính quý III/2012 hợp nhất với số lỗ ròng 275 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2012. Lũy kế, THV đã lỗ gần 524 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 577,5 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn gần 70,5 tỷ đồng. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên đầu năm nay, cổ đông THV đã thông qua quyết định cho phép HĐQT bán cho đối tác chiến lược 42 triệu cổ phần với giá 6.000 đồng/CP. Tuy nhiên, dù mất cân đối về tài chính nghiêm trọng, nhưng đã nửa năm qua, THV vẫn chưa công bố kết quả đợt phát hành này. Giới chuyên môn đánh giá, với tình trạng thua lỗ kéo dài, gần mất hết vốn chủ sở hữu, không cơ quan quản lý nào cấp phép cho đợt phát hành này.

Tương tự VKP, THV, trên hai sàn niêm yết hiện có khá nhiều cổ phiếu trong danh sách báo động đỏ: CTCP Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre (FBT) lỗ luỹ kế 248,22 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn lại 68 tỷ đồng; CTCP Viglacera Đông Triều (DTC) lỗ lũy kế 55,27 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 588 triệu đồng; CTCP Container Phía Nam (VSG) lỗ lũy kế 120,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 663 triệu đồng… Tất cả cổ phiếu sa lầy này đều có điểm chung: nợ ngắn hạn phải thanh toán cao hơn tài sản ngắn hạn, khả năng hoạt động liên tục bị kiểm toán nghi ngờ, dòng tiền mất cân đối, nguồn vốn lưu động hạn hẹp, ngân hàng từ chối cấp tín dụng, cổ phiếu giảm sâu dưới mệnh giá nên không thể phát hành tăng vốn. Cơ may nào cho các doanh nghiệp này thoát hiểm nếu không được bơm thêm vốn mới?

 

“Trói tay” doanh nghiệp lỗ?

Ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn tài chính doanh nghiệp CTCK Bản Việt nhận xét, có một tồn tại là các DN niêm yết lỡ thua lỗ, mất cân đối về tài chính khiến thị trường định giá cổ phiếu của công ty đó rất thấp, có khi chỉ bằng 30 - 40% mệnh giá. Vì thua lỗ nên doanh nghiệp không thể phát hành cho các cổ đông hiện hữu. Giá cổ phiếu thấp khiến DN phát hành riêng lẻ bằng mệnh giá khó có thể thu hút nhà đầu tư chiến lược. Phát hành dưới mệnh giá hiện nay, các trường hợp thành công mới đếm trên đầu ngón tay. Trong trường hợp này, trái phiếu chuyển đổi được xem là kênh huy động vốn phù hợp. Một mặt giúp DN tái cấu trúc tình hình tài chính đang thua lỗ. Mặt khác cho phép trái chủ có nhiều sự lựa chọn: nếu DN đó tái cấu trúc thành công, trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu sẽ có lợi cho người mua. Ngược lại, trường hợp xấu nhất, người mua trái phiếu có phao bảo hiểm khi được phép rút tiền về.

Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện do một trong các yêu cầu của Nghị định 90/2011/NĐ-CP về việc doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu chuyển đổi bắt buộc phải kinh doanh có lãi năm liền kề trước đó. Vì thế, một loạt DN niêm yết đang nguy ngập chỉ có thể thoi thóp chờ khai tử chứ không thể tái cấu trúc tài chính. Cần nói thêm rằng, tại văn bản cao hơn Nghị định - Luật Doanh nghiệp, Điều 88 (quy định về phát hành trái phiếu của CTCP) không hề có các quy định ràng buộc khắt khe này.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam nhận xét, bản chất của việc phát hành trái phiếu là thỏa thuận vay nợ có điều kiện. Việc quy định công ty phải có lãi mới được phát hành trái phiếu có thể xem là bảo vệ NĐT. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hành riêng lẻ cho cổ đông lớn nội bộ - những người thông tỏ tình hình tài chính công ty thì rõ ràng điều kiện này không cần thiết. Các rào cản này có thể gián tiếp ngăn cản quá trình tái cấu trúc của các DN, đẩy một số tiếp tục sa lầy.