Nghị định 10 giúp tài xế an tâm làm việc
Xe công nghệ được “cởi trói”
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định 146/QĐ - BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Grab, Go-Viet, FastGo…) để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ - CP.
Với Quyết định 146, dịch vụ xe công nghệ đã kết thúc giai đoạn thí điểm, chính thức được "cởi trói" mở rộng ra nhiều tỉnh, thành và được Bộ GTVT quản lý theo cơ chế hoạt đông cụ thể theo Nghị định 10, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/4/2020, thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Việc dừng thí điểm sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây. Bởi vì xe công nghệ là loại hình mới tại thị trường Việt Nam vì vậy cần có quy định cụ thể để quản lý theo môi trường kinh doanh của thị trường. Những quy định pháp luật cần phải điều chỉnh theo từng thời kỳ để quản lý cho phù hợp.”
“Nghị định 10 ra đời và chính thức có hiệu lực sẽ phù hợp với nhu cầu giao thông, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Ngoài ra quy định dán tem lên kính xe công nghệ vừa phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, đây là cách nhận biết giữa xe tư nhân với xe công nghệ để các cơ quan chức năng thuận tiện trong công tác quản lý”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Nhiều thuận lợi cho các đối tác tài xế
Thực tế, việc dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT) không ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này
Có một số điểm các doanh nghiệp vận tải công nghệ phải lưu ý như: Nghị định 10 có quy định, xe hợp đồng phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp…
Cũng tại Điều 36 của Nghị định 10 quy định, đối với xe hợp đồng, xe ô tô vận tải khách du lịch có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo quy định tại Nghị định này và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải và phải thực hiện xong trước ngày 1/7/2021.
Việc triển khai quản lý mô hình xe công nghệ theo Nghị định 10 cho thấy cơ chế của Nhà nước có bước chuyển cấp tiến và sâu sát hơn với nhu cầu thực tế của người dân - đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo về sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Có thể nói, Quyết định 146 đã hướng đến lợi ích kinh tế cho người dân, vì khi mô hình xe công nghệ chính thức thoát khỏi ràng buộc 5 tỉnh, thành phố và được triển khai trên diện rộng, người dùng tại các tỉnh, thành phố mới trên khắp cả nước sẽ có thêm lựa chọn di chuyển chủ động, an toàn, với giá thành hợp lý, tiện lợi, văn minh, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho các đối tác tài xế, giúp họ yên tâm vì dịch vụ đã được hợp pháp hóa và không còn lo ngại viễn cảnh phải ngừng kinh doanh.
Tài xế Nguyễn Nông Phu (ngụ quận 9, TP.HCM) chia sẻ: “Quy định mới không phải đeo mào mà dán tem lên kính xe là phù hợp với tâm tư của tài xế và người tiêu dùng. Việc mở rộng địa bàn hoạt động sẽ giúp tài xế công nghệ có thể nhận thêm các cuốc đi tỉnh để tăng thu nhập. Đồng thời hạn chế được chiều chạy rỗng”.
Tài xế Nguyễn Nông Phu, quận 9, TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Xang, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Công nghệ GTVT Hà Nội - đơn vị đang quản lý hơn 14.000 đầu xe công nghệ cho biết: “Trước đây, Đề án cũ chưa có những quy định cụ thể nên có sự cạnh tranh không rõ ràng vì vậy mới xảy ra việc kiện cáo đòi bồi thường giữa taxi truyền thống và xe công nghệ. Nghị định 10 có hiệu lực sẽ giúp định danh cho xe công nghệ và mang lại nhiều lợi ích cho cả tài xế và người tiêu dùng".
Việc mở rộng địa bàn hoạt động cho xe công nghệ không chỉ tăng thu nhập cho tài xế, mà còn thuận tiện cho tài xế có môi trường làm việc. Thay vì trước đây tài xế ở tỉnh phải lên thành phố làm việc thì nay tài xế có thể chạy luôn ở các địa phương v và chạy nối tuyến hai chiều, ít nhiều giảm được tình trạng ùn tắc giao thông, giảm được áp lực việc làm tại các thành phố lớn.
Liên quan đến quyết định 146/QĐ – BGTVT, Grab Việt Nam cho biết: “Quy định mới không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường. Trên tinh thần của Quyết định 146 và Nghị định 10, Grab cam kết tuân thủ pháp luật, đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế và hướng đến sự phát triển của cộng đồng”.