Nghị định 05 về Kiểm toán nội bộ: Bước tiến lớn về quản trị công ty

Nghị định 05 về Kiểm toán nội bộ: Bước tiến lớn về quản trị công ty

(ĐTCK) Theo thông lệ quốc tế, kiểm toán nội bộ được biết đến là một chức năng giám sát độc lập cao nhất trong một tổ chức.

Nghị định 05/2019/NÐ-CP (Nghị định 05) về kiểm toán nội bộ (KTNB) được Chính phủ ban hành vào ngày 22/1/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/4/2019. Mục tiêu chính của nghị định này là gì?

Theo thông lệ quốc tế, KTNB được biết đến là một chức năng giám sát độc lập cao nhất trong một tổ chức. Tuy nhiên, nhận thức trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam về cách thức tổ chức và thực hiện chức năng này chưa rõ ràng.

Do vậy, Nghị định 05 đưa ra một khung pháp lý về KTNB quy định vai trò, trách nhiệm của bộ phận KTNB và các bên liên quan, trong đó thể hiện mục tiêu chính của KTNB là đảm bảo và tư vấn độc lập về hiệu quả và hiệu lực của quản trị công ty, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Cùng với Luật Chứng khoán đang được sửa đổi và Bộ nguyên tắc Quản trị Công ty sẽ được ban hành, Nghị định 05 được coi là một bước tiến lớn về quản trị công ty, hướng tới mục tiêu đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường, cũng như chuyển đổi mô hình quản trị công ty tiệm cận thông lệ quốc tế.

Các đối tượng áp dụng của nghị định này là ai?

Các đối tượng áp dụng Nghị định 05 bao gồm: (1) Các cơ quan Nhà nước (các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); (2) Các đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Các công ty niêm yết; DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; DN Nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; (4) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động KTNB.

Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có hiệu lực, các đối tượng áp dụng phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác KTNB theo quy định tại Nghị định này.

Thêm một điểm cần lưu ý, đối với các đối tượng mà pháp luật chuyên ngành có quy định phải thực hiện công tác KTNB thì sẽ thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và DN bảo hiểm đều có các quy định riêng.

Còn lại những nội dung mà pháp luật chuyên ngành không có quy định riêng thì sẽ vận dụng theo quy định tại Nghị định 05 để thực hiện triển khai công tác KTNB.

Một số vấn đề trọng tâm mà các DN cần lưu ý khi triển khai Nghị định 05 là gì?

Qua những kênh trao đổi và chia sẻ nhanh với các DN, chúng tôi ghi nhận một số các câu hỏi và các vấn đề sau được đặt ra khi các DN tiếp cận bước đầu với Nghị định 05. Những câu hỏi và vấn đề này sẽ cần được hệ thống hóa, khái quát hóa và phân tích dựa trên các thông lệ quốc tế, nhưng vẫn tôn trọng những yêu cầu của Nghị định và các quy định pháp lý liên quan.

Nguồn lực: Nhân sự (số lượng và chất lượng) và ngân sách tài chính cho chức năng KTNB có đầy đủ và phù hợp hay không? Các năng lực và kỹ năng nhân sự KTNB lấy ở đâu?

Tổ chức: Cách thức tổ chức của bộ phận (hoặc một chức năng) KTNB tại một đơn vị như thế nào để hài hòa và kết nối với các bộ phận, các chức năng và các cấp quản lý, vận hành cũng như các chức năng giám sát khác? Quy mô và cấu trúc của một chức năng KTNB nên như thế nào? Làm thế nào để hài hòa mối quan hệ giữa KTNB với Ban Ðiều hành, Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên, Ban Kiểm soát?

Phân quyền: Chức năng KTNB có được trao quyền đầy đủ để đáp ứng các quy định và kỳ vọng về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế báo cáo theo yêu cầu của Nghị định hay không? Làm thế nào để tránh chồng chéo và đảm bảo vị thế độc lập cao nhất của KTNB, giảm thiểu các mâu thuẫn và xung đột lợi ích (nếu có).

Quy trình, công cụ: Công cụ, quy trình và biểu mẫu kiểm toán đã được tài liệu hóa và thiết kế phù hợp với hoạt động đặc thù của DN hay chưa? Làm thế nào tích hợp hoặc tương tác các công cụ và quy trình KTNB với các hệ thống và quy trình của đơn vị một cách hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động đến việc vận hành của hoạt động sản xuất - kinh doanh và ra quyết định hàng ngày của đơn vị?

Hiệu quả hoạt động: Việc đánh giá chất lượng kiểm toán đã và đang được thực hiện như thế nào? Ðơn vị tự đánh giá hay thuê một đơn vị độc lập bên ngoài thực hiện? Các thước đo về hiệu quả và chất lượng của KTNB được xây dựng và triển khai như thế nào? Làm thế nào để các đối tượng của KTNB thấy được giá trị mà KTNB mang lại?

Bài viết được trích từ chuyên mục “Quản trị công ty” do báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp với Công ty kiểm toán - tư vấn PwC Việt Nam thực hiện.

Mọi câu hỏi về quản trị công ty và các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng gửi về địa chỉ vn.enquiries@vn.pwc.com để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của PwC.    

Tin bài liên quan