Nghệ thuật vườn Thiền Nhật Bản

Nghệ thuật vườn Thiền Nhật Bản

(ĐTCK) Vườn Nhật là kiểu vườn cảnh truyền thống Nhật Bản, mang đậm dấu ấn tư tưởng triết học của Thần Đạo (Shinto), Phật giáo và Thiền tông về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Có rất nhiều kiểu vườn Nhật, trong đó đặc biệt nhất có lẽ là vườn Karesansui (hay người phương Tây thường gọi là vườn Thiền).

Vườn Karesansui, phiên âm Hán tự là “khô sơn thủy”, có nghĩa là “quang cảnh khô cạn” hoặc “núi và nước khô cạn”.

Mặc dù có hai yếu tố quan trọng là núi và nước trong tên, nhưng điểm đặc biệt của vườn là không có nước thật, cũng không có hòn non bộ, mà nước ở đây thường được biểu hiện bằng cát, đá hoặc sỏi, còn núi được biểu hiện bằng các tảng đá. Đôi khi cũng có thể có rêu xanh, thảm cỏ, cây cảnh hoặc một số yếu tố tự nhiên khác.

Khái niệm Karesansui xuất hiện sớm nhất là trong sách “Tác đình ký” (Sakuteiki) viết về cách dựng sân vườn vào thời Heian. Tuy nhiên, Karesansui khi đó đơn thuần để chỉ những khu vườn không có nước. Nhưng trong đó đã bắt đầu xuất hiện ý tưởng sắp xếp đá tảng vào khoảnh sân trống để diễn tả hình ảnh núi và đảo giữa biển nước. Đó là tiền đề tạo nên khu vườn như ngày nay.

Vườn Karesansui thực sự bắt đầu từ thời Kamakura và phát triển mạnh nhất vào thời Muromachi. Khu vườn chùa Ryoanji trứ danh ở Kyoto được xây dựng vào chính thời kỳ này.

Những khu vườn Karesansui cổ điển thể hiện rõ một quan điểm cốt lõi của mỹ học Nhật Bản - vốn đã chịu ảnh hưởng bởi triết học Thiền tông và Phật giáo Đại thừa sau hàng ngàn năm phát triển, đó là “wabi sabi”. Thẩm mỹ wabi-sabi đề cao vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, sự vô thường, sự đơn giản, khiêm nhường và tôn trọng tính nguyên vẹn đơn sơ của tự nhiên và vạn vật.

Các yếu tố chính được sử dụng trong khu vườn (đát, cát, sỏi) là những yếu tố tĩnh, bất biến, càng đem lại cảm giác tĩnh mịch, mặc dù có thể những đường cong trên nên sỏi, hoặc cát trắng gợi lên hình ảnh những con sóng dữ dội nổi lên giữa biển cả mênh mông. 

Thế giới của khu vườn là một thế giới tĩnh mịch, cô đơn, trầm lắng, nhưng đồng thời cũng chứa đựng sự hùng vĩ, bao la và nguyên sơ của tự nhiên. Có một vẻ đẹp rất duyên dáng nằm trong sự mâu thuẫn này.

Trong thiết kế sân vườn Karesansui, việc sắp đặt đá rất quan trọng, bởi đá là yếu tố chính của khu vườn và cũng là một yếu tố quan trọng của phong thủy. 

Với diện tích sân hẹp, bày quá nhiều đá sẽ khiến sân vườn trở nên rối rắm, hỗn loạn, hút nhiều khí âm, là tướng “hung”. Ngoài ra, cũng kiêng kỵ những hòn đá hình thù quái lạ, đỉnh cao và nhọn, bởi những hòn đá này gây cảm giác bị chèn ép, đe dọa trong tiềm thức con người. Bên cạnh đó, nếu nhà nhiều trẻ con, trẻ con chơi đùa va phải những hòn đá này sẽ vô cùng nguy hiểm.

Bởi vậy, khi thiết kế vườn Karesansui, nếu có tảng đá nào đỉnh nhọn xấu, không nên đặt nó ở giữa vườn, mà hãy đặt ở một bên khuất tầm mắt. Nên sắp đặt đá theo chiều ngang để tạo cảm giác hiền hòa.

Như vị tu sĩ và cũng là nhà thiết kế vườn Nhật - Shunmyo Masuno đã nói, khu vườn là một nơi chốn của tinh thần, là bến đậu của tâm linh.

Trong tiếng Anh, kiểu vườn Karesansui được gọi là vườn Thiền (Zen garden) do loại vườn này được xây dựng trong một số ngôi chùa thiền phái Rinzai và một số nhà thiết kế sân vườn nổi tiếng trong lịch sử như Muso Soseki và Soami đều là những tăng lữ phái Thiền tông. Hơn nữa, kiểu vườn này được phát triển trong thời kỳ mà nghệ thuật Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh bởi Thiền tông.

Bởi vậy, mặc dù vườn Karesansui xuất phát từ các ngôi chùa, nhưng ta cũng có thể bắt gặp chúng trong những ngôi nhà riêng của các gia đình, hay các tòa nhà thương mại, cửa hàng, tiệm cơm, quán trọ.

Ngày nay, vườn Karesansui trở nên gần gũi với đời sống hơn bao giờ hết. Không nhất thiết phải cần đến sân vườn rộng lớn, kiểu vườn này có thể được bày trí trong những góc nhỏ của ngôi nhà, vừa tăng thêm phần nghệ thuật cho gian nhà, vừa làm không gian trở nên thoáng rộng hơn.

Những góc chết của ngôi nhà (ví dụ như gầm cầu thang) là nơi chứa nhiều sát khí, nhưng lại không thể bày trí hòn non bộ có suối nhỏ hay bể cá, bởi trong phong thủy, bể cá, suối nước mang hành Thủy, tính Động, thích hợp bố trí ở nơi thoáng đáng và thường xuyên có sự chuyển động hơn là nơi tối tăm, bụi bặm và ẩm thấp như gầm cầu thang, nên vườn Karesansui là một lựa chọn vô cùng thích hợp trong trường hợp này, bởi yếu tố “khô” của nó.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan