“Nghệ thuật” định giá thương vụ M&A

“Nghệ thuật” định giá thương vụ M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quá trình định giá một thương vị M&A có thể đối mặt với nhiều khó khăn do tính chất phức tạp của quá trình này và sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Sự thành công của một thương vụ M&A

Tại Talkshow “Hướng tới một thương vụ M&A thành công” do Báo Đầu tư thực hiện ngày 20/11, Luật sư Vũ Minh Tiến, Phó chủ tịch VIAD Group, luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội định nghĩa, một thương vụ M&A thành công là việc bên mua và bán thỏa mãn ý chí của nhau khi bắt đầu xác lập giao dịch, tức bên mua cần phải mua được thứ mà mình muốn mua và bên bán cần bán được thứ mình muốn bán khi tìm được điểm ngang giá. Để quá trình đó diễn ra thuận lợi và trôi chảy cần một thời gian dài để hai bên tìm hiểu lẫn nhau, đàm phán và ra quyết định.

Về mặt kỹ thuật, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam cho biết, dưới góc độ Gamuda Land là bên mua, thương vụ giao dịch có thể hoàn tất khi phía mua nhận được chuyển nhượng cổ phần theo tỷ lệ 2 bên xác lập, nhưng rộng hơn thì cần việc 2 bên cùng đạt được ý chí.

Theo bà Khanh, việc 2 bên đặt bút ký và nhận chuyển nhượng cổ phần chỉ là sự bắt đầu trong khi việc đi đồng hành với nhau là trên cả chặng đường dài. Gamuda Land khi nhận chuyển nhượng 100% cổ phần luôn có một số điều kiện tiên quyết được thực hiện bởi bên bán và có thể kéo dài thời gian, hoặc có những thương vụ Tập đoàn thực hiện thông qua việc 2 bên cùng hợp tác để tham gia góp vốn với nhau thì việc thành công có thể là chặng đường cho tới khi hai bên hoàn tất việc phát triển dự án, cùng hoàn trả cổ tức và hoàn tất khoản đầu tư của mình.

Dưới góc độ tư vấn cả về bên mua và bên bán, Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ Asart định nghĩa thương vụ M&A thành công về mặt kỹ thuật là khi hợp đồng mua bán được ký kết và tiền được chuyển vào tài khoản cần được chuyển.

Nhưng về mặt chiến lược và góc nhìn vĩ mô, bà Bình đồng tình rằng ý chí, mục đích ban đầu của một thương vụ phải đạt được không chỉ tại thời điểm hợp đồng được ký kết, tiền được chuyển mà nó phải được kéo dài hậu mua bán và sáp nhập.

Nhìn rộng hơn, mua bán, sáp nhập không đơn thuần chỉ là giao dịch mua và bán theo kiểu mua đứt bán đoạn, đó còn là sự giao thoa giữa hai doanh nghiệp, tổ chức với nhau, đồng thời có sự kết hợp, phát triển hợp tác giữa các bên với nhau.

Talkshow “Hướng tới một thương vụ M&A thành công” (Ảnh: Chí Cường).

Talkshow “Hướng tới một thương vụ M&A thành công” (Ảnh: Chí Cường).

"Nghệ thuật" định giá

Theo bà Khanh Nguyễn, định giá đối với doanh nghiệp bất động sản phần tài sản lớn nhất là quỹ đất của công ty đó. Nhà đầu tư nước ngoài như Gamuda Land thường muốn mua công ty sạch, sở hữu một dự án riêng lẻ và không bị vướng với các dự án khác trong công ty đó, nên khi nhận chuyển nhượng cổ phần, dự án đó sẽ được chuyển giao cho đơn vị đầu tư mới.

“Định giá giá trị bất động sản là một nghệ thuật, phụ thuộc vào tầm nhìn của nhà đầu tư. Ví dụ, với cùng một quỹ đất, nếu một nhà đầu tư không khai thác được hết sẽ chỉ chấp nhận trả A đồng, nhưng với một nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược thì với vị trí đó, mức giá kỳ vọng của họ có thể cao hơn”, bà Khanh nói.

Là nhà đầu tư nước ngoài, Gamuda Land sẽ chỉ định đơn vị định giá độc lập, thường là các đối tác định giá nước ngoài cho ý kiến về bất động sản đó. Gamuda Land sẽ dựa trên chi phí đất Tập đoàn đầu tư, kế hoạch phát triển dự án, dòng tiền tính toán và hiệu quả đầu tư để đưa ra mức giá thương lượng với đối tác.

Luật sư Vũ Minh Tiến chia sẻ thêm, câu chuyện định giá ở Việt Nam cũng gặp vấn đề khó khăn khi không rõ ràng giữa một bên là tài sản hữu hình và một bên là tài sản vô hình, tức lợi thế thương mại. Đặc biệt, với lĩnh vực bất động sản, sản xuất, lợi thế thương mại không dễ dàng định giá và có mức giá khác nhau với mỗi người định giá.

Nhiều trường hợp, M&A có thể diễn ra như M&A thế chấp. Ông Tiến cũng từng được đề nghị thực hiện định giá tài sản, đưa ra mức giá trị thế chấp và nơi thế chấp để giúp giao dịch diễn ra thuận lợi. Bởi lượng tiền mặt với các nhà đầu tư nước ngoài tương đối nhiều nhưng chưa bao giờ là lợi thế với các nhà đầu tư Việt Nam, nên họ thường tận dụng nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng.

“Làm sao để 2 bên định giá và cuối cùng là bên thứ ba (thường là các tổ chức tín dụng) chấp nhận việc mang tài sản đó đi để thế chấp và làm thế nào để mức giá 2 bên đưa ra và bên thứ 3 chấp nhận cũng là một câu chuyện”, ông Tiến cho hay.

Trong một vài trường hợp, VIAD Group sẽ đi trước, đàm phán với một số tổ chức tín dụng để định hình tài sản, lợi thế thương mại, phương án kinh doanh và tận dụng chính nguồn vốn của đơn vị đó. Đây được xem là bên thứ ba thẩm định tài sản, mốc tham chiếu và kéo 2 bên gần lại với nhau theo giá trị thị trường.

Bà Bình Lê cũng cho rằng, định giá là “nghệ thuật”, ngoài khó khăn định giá kỹ thuật, khó khăn còn về sự ước tính trong mô hình định giá và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị cuối cùng. Việc định giá được thực hiện bởi người định giá, sử dụng kinh nghiệm thực tế, kiến thức vĩ mô, thị trường và các doanh nghiệp hiện tại để đưa ra ước tính phù hợp nhất.

Đôi khi, mục tiêu của người mua không phải càng mua rẻ càng tốt, bởi cơ hội có thể sẽ rơi vào tay một nhà đầu tư khác. Người mua có thể trả giá cao hơn khi họ biết 5 năm sau khi triển khai kế hoạch, tài sản đó có thể cao hơn rất nhiều lần. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể mua một doanh nghiệp không có giá trị thêm về tài chính nhưng có giá trị chiến lược, tức là về uy tín, thương hiệu…

Cuối cùng về kế hoạch gia tăng giá trị, thông thường bên mua - bán sẽ ngồi và làm việc với nhau; bên mua có ý kiến, định giá của mình và bên bán cũng vậy nên hai bên thường khó để gặp nhau. Asart chia sẻ phương pháp được các thị trường tiên tiến trên thế giới và Asart đang áp dụng là hiểu được chiến lược hai bên, giúp họ cùng nhau ngồi lại, tạo ra sự gia tăng giá trị trước khi đưa ra định giá nhất định, giúp sự gặp nhau giữa 2 bên dễ dàng hơn.

Nhìn chung, bà Khanh nhận xét, so với giai đoạn trước, trong 2 năm trở lại đây, mức giá giữa bên mua và bên bán đang bắt đầu có sự tiệm cận với nhau, phần còn lại sẽ liên quan đến cơ cấu của một giao dịch.

M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Tin bài liên quan