Nghệ thuật chào bán quỹ mở

Nghệ thuật chào bán quỹ mở

(ĐTCK) Trong khi chưa tiếp cận được rộng rãi nhà đầu tư, các công ty quản lý quỹ đang tìm những con đường khác để tăng quy mô cho quỹ của mình.

Trong số 12 quỹ đã đi vào giao dịch, có 4 quỹ đầu tư bán được thêm lượng chứng chỉ đáng kể (khoảng 10 - 50 tỷ đồng/quỹ) sau khi giao dịch, gồm MBBF của MBCapital, VFF của VinaWealth, VCBF-TBF của VCBF và ENF của Eastspring Investments. Tuy nhiên, số nhà đầu tư như vậy vẫn còn rất hạn chế.

Bán cho nhà đầu tư tổ chức

Một số quỹ bán được các khoản chứng chỉ lớn cho các tổ chức, trong đó, có các doanh nghiệp có các khoản tiền nhàn rỗi dài hạn hoặc có thể là những tổ chức đầu tư nước ngoài. Không khó để nhận biết cách bán này tại một số quỹ mà tổng giá trị tăng lên đột biến chỉ trong một kỳ báo cáo (mỗi kỳ báo cáo cách nhau 1 - 2 tuần).

Quỹ trái phiếu MBBF của MBCapital đang giữ ngôi vị quỹ đầu tư tăng được quy mô cao nhất nhờ cách bán này. Trong tháng 3/2014, MBBF bán một lượng chứng chỉ trị giá khoảng 20 tỷ đồng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng 8/2014, MBBF bán thêm hơn 10 tỷ đồng chứng chỉ quỹ MBBF.

Gần đây nhất, trong tháng 10/2014, MBBF lại bán được thêm 20 tỷ đồng chứng chỉ quỹ. Tổng cộng, quỹ trái phiếu này trong vòng 8 tháng đã bán được thêm 50 tỷ đồng chứng chỉ, nâng quy mô của Quỹ lên 116 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với thời điểm khai trương cách đây gần 2 năm.

Đột biến hơn MBBF, Quỹ trái phiếu VFF của VinaWealth đã bán được 50 tỷ đồng chứng chỉ quỹ chỉ trong vòng 4 tháng trở lại đây, nâng quy mô của Quỹ lên gấp đôi thời điểm trước đó. Bà Nguyễn Thái Thuận, Tổng giám đốc VinaWealth cho biết, trong thời gian này, một nhà đầu tư tổ chức có số tiền nhàn rỗi sau khi thấy VFF phát triển tốt đã góp thêm vốn vào Quỹ, giúp quy mô của VFF tăng lên nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn.

Tương tự, Quỹ ENF của Eastspring Investments trong tháng 4/2014 cũng báo cáo bán được thêm một khoản 10 tỷ đồng chứng chỉ quỹ, nâng quy mô của ENF lên 65 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng vọt từ 46% lên 80%.

Trong khi đó, số nhà đầu tư của ENF không biến động nhiều, chứng tỏ ENF bán được khoản chứng chỉ này cho các nhà đầu tư lớn. Đến nay, số nhà đầu tư của ENF thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm khai trương, xuống còn 119 nhà đầu tư và 10 nhà đầu tư lớn nhất vẫn sở hữu gần hết số chứng chỉ tại ENF.

Bán qua chương trình tiết kiệm định kỳ

Khác với cách bán từng khoản lớn cho các tổ chức, cách bán qua chương trình tiết kiệm định kỳ đảm bảo quy mô của Quỹ tăng chậm, nhưng đều đặn. Theo cách bán này, các nhà đầu tư tham gia vào chương trình cam kết mỗi kỳ hạn sẽ đóng một khoản tiền nhất định vào quỹ.

Điển hình cho cách bán này là Quỹ cân bằng VCBF-TBF của Vietcombank Fund. Quỹ đầu tư này đã tăng quy mô thêm 20 tỷ đồng trong 11 tháng, với tốc độ tăng trên dưới 1 tỷ đồng/kỳ báo cáo. Mặc dù số tiền tăng lên, nhưng số nhà đầu tư tính đến cuối tháng 10 của VCBF vẫn giữ nguyên ở con số 290 so với khi bắt đầu giao dịch, chứng tỏ dòng tiền mới chủ yếu đến từ các nhà đầu tư hiện hữu.

Do đó, cách tăng đều đặn quy mô, nhưng không tăng số nhà đầu tư này có thể nhờ chương trình Tiết kiệm định kỳ (SIP) của VCBF.

Một số công ty cũng đang hướng tới cách làm này, đặc biệt là những công ty có đối tác nước ngoài. VinaWealth hồi tháng 8 vừa đã khai trương chương trình đầu tư có hệ thống VinaSave tương tự với chương trình SIP của VCBF. Ít nhất một công ty quản lý quỹ khác cũng cho biết đang xây dựng một chương trình tương tự cho các quỹ mở của mình. 

Hướng tới đại chúng

Dù các công ty đang áp dụng cách bán hàng nào thì nhà đầu tư đại chúng vẫn là đối tượng chính mà các công ty muốn nhắm tới đối với sản phẩm quỹ mở. Trong dài hạn, nhà đầu tư đại chúng mới là nhóm đem lại nguồn thu ổn định và có quy mô đủ lớn cho các quỹ.

Cụ thể hơn, những khách hàng này là những cá nhân không hoặc chưa có kinh nghiệm về thị trường chứng khoán, nhưng lại đang có một khoản tiền nhàn rỗi cần sinh lời đang để trong ngân hàng, bất động sản, kinh doanh riêng hay tích trữ vàng, ngoại tệ. Tổng giám đốc VinaWealth Nguyễn Thái Thuận chia sẻ: “Chúng tôi biết rằng, những dạng nhà đầu tư này đang chủ động tìm kiếm những kênh đầu tư sinh lời cao hơn, nhưng lại không có nhiều thông tin về thị trường chứng khoán hay quỹ”.

Đồng quan điểm với VinaWealth, ManulifeAM Việt Nam, công ty vừa ra mắt quỹ mở MAFEQI nhận xét: “Theo chúng tôi, nhóm nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, nhưng chưa có điều kiện tiếp cận sản phẩm (chưa biết đến, chưa hiểu rõ) là đối tượng dễ đón nhận sản phẩm này”, ManulifeAM Việt Nam viết trong thư trả lời phỏng vấn ĐTCK. “Đối tượng của chúng tôi là khách hàng trong nước và không chuyên”.

Nhưng cũng chính vì những khách hàng mục tiêu này chưa có kinh nghiệm về thị trường chứng khoán, trong khi đó, thị trường chứng khoán chưa thực sự sôi động, việc bán các sản phẩm chứng khoán cho các khách hàng này hiện vẫn cực kỳ khó khăn.

Thực tế khó khăn đó khác hoàn toàn với thời điểm thị trường chứng khoán bùng nổ giai đoạn 2006-2007, khi chỉ số VN-Index tăng lên 1.000 điểm và một loạt quỹ đầu tư ra đời đã thu hút được hàng hàng ngàn tỷ đồng của hàng ngàn nhà đầu tư.

“Thời điểm các quỹ đầu tư ra đời, lợi nhuận tốt của thị trường chứng khoán khiến người ta nhanh chóng ưa thích các quỹ”, ông Nguyễn Nhân Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners (BVIM) nhớ lại giai đoạn huy động vốn cho các quỹ mở của 6 - 8 năm trước.

Sự thờ ơ hoặc cẩn trọng của nhà đầu tư thậm chí là nỗi lo lớn của nhiều công ty quản lý quỹ, những công ty dù có năng lực tài chính cũng như lịch sử đầu tư lâu năm, nhưng vẫn chưa muốn nhập cuộc chơi quỹ mở.

BVIM đang quản lý một quỹ đóng có quy mô 1.600 tỷ đồng, nhưng ông Nghĩa cho biết, Công ty vẫn cẩn trọng với việc bắt đầu một quỹ mở mới trong giai đoạn này.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho quỹ mở từ 1-2 năm nay, nhưng chưa khai trương vì muốn đợi nhà đầu tư quan tâm trở lại mạnh hơn với các quỹ đầu tư”, ông nói.

Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ khác, nằm trong nhóm công ty có vốn điều lệ cao nhất thị trường cho biết, công ty ông dù nhìn thấy trào lưu phát triển quỹ mở, nhưng vẫn tập trung nguồn lực vào các sản phẩm khác.

“Thực tế, nhiều công ty quản lý quỹ đã huy động quỹ mở, nhưng quy mô rất bé”, ông nói. 

Kênh phân phối ngân hàng

Trong bối cảnh đó, một số công ty đẩy mạnh phân phối qua các công ty chứng khoán, một số công ty tập trung phân phối qua ngân hàng, một số ý kiến khác có đề cập đến việc phân phối qua các công ty bảo hiểm. Nhưng chưa công ty nào khẳng định đâu là kênh phân phối phù hợp nhất trong giai đoạn khởi điểm.

Kênh phân phối chứng khoán, theo đánh giá của bà Thuận, gặp phải trở ngại vì “các nhà đầu tư mục tiêu của quỹ mở thường không phải là nhà đầu tư hiện đang giao dịch tại công ty môi giới” (tức các nhà đầu tư chuyên nghiệp).

Bà Thuận, cũng như nhiều nhà quản lý quỹ khác, đánh giá cao tiềm năng của kênh phân phối qua ngân hàng. “Trên các thị trường phát triển trước Việt Nam, đặc biệt là trên toàn châu Á, ngân hàng là kênh phân phối chủ yếu cho quỹ mở và chúng tôi nghĩ ngân hàng cũng sẽ trở thành kênh phân phối chính ở Việt Nam”.

“Tại thời điểm này, vì một số lý do về thương mại cũng như pháp lý, chưa có ngân hàng nào bắt đầu phân phối quỹ mở. VinaWealth tin rằng, điều này sẽ sớm thay đổi vì ngân hàng đang tìm kiếm nguồn doanh thu mới và chúng tôi đang mong muốn được hợp tác với các ngân hàng để phân phối sản phẩm của chúng tôi”, bà nói.

Nhìn chung, việc phân phối như thế nào hiệu quả nhất vẫn là bài toán khó đối với các công ty quản lý quỹ, khi mà nguồn lực của các công ty này đều khá nhỏ. Quy mô của các công ty quản lý quỹ chỉ gói gọn trong vài chục nhân sự, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng một vài trăm tỷ đồng.

“Đối với chúng tôi, rõ ràng, nguồn lực của các công ty quản lý quỹ là có giới hạn trong việc tiếp cận nhà đầu tư đại chúng. Do đó, các bước đi tiếp cận nhà đầu tư sẽ được thực hiện trên quy mô nhỏ và hiệu quả trong giai đoạn đầu”, ManulifeAM Việt Nam chia sẻ. “Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở việc tìm kiếm đối tác phân phối sản phẩm đáng tin cậy để phát triển chiến lược dài hạn”.

Tin bài liên quan