Các đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, làm toàn thời gian chiếm tỷ lệ rất thấp

Các đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, làm toàn thời gian chiếm tỷ lệ rất thấp

“Nghề tạm” đại lý bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có một thực tế là trên 80% đại lý bảo hiểm nhân thọ bỏ nghề sau 2 năm đầu. Nghề này vẫn chưa thoát khỏi sự nhìn nhận giống như “bán hàng đa cấp”, một phần vì công tác truyền thông chưa thực sự rốt ráo.

“Chất” không tương xứng với “lượng”

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có hơn 700.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ cá nhân và tổ chức. Số lượng đông đảo cho thấy sức hấp dẫn của nghề này, nhưng tỷ lệ nghỉ việc trong thời gian ngắn luôn ở mức báo động, bình quân trên 80% đại lý bảo hiểm bỏ nghề sau 2 năm đầu. Thậm chí, có thời điểm, khoảng 80% đại lý bảo hiểm nghỉ việc trong vòng 12 tháng đầu tiên bước chân vào nghề. Không ít đại lý chập chững vào nghề được vài tháng, chưa kịp biết đọc bảng minh họa bảo hiểm đã vội vàng rút lui.

Bên cạnh đó, năm 2022, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đưa hơn 3.100 đại lý bảo hiểm vào danh sách vi phạm, không được hành nghề trong ít nhất 5 năm (tính chung cả kênh truyền thống và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng). Lũy kế giai đoạn 2020 - 2022, số lượng đại lý bảo hiểm bị đưa vào “danh sách đen” là hơn 9.000, bao gồm cả những người tư vấn mập mờ, nói sai sự thật về sản phẩm bảo hiểm.

Áp lực về KPI (doanh số) khiến hy vọng về việc tạo ra những tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp, toàn thời gian của ngành bảo hiểm vẫn chỉ là ước mơ. Những lùm xùm trong khâu tư vấn ở kênh đại lý truyền thống kéo dài được kỳ vọng sẽ cải thiện khi xuất hiện thêm kênh phân phối mới là các đại lý tổ chức, điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng. Nhưng cuối cùng, theo Bộ Tài chính, tuy giúp hoạt động khai thác bảo hiểm thêm đa dạng, doanh số được đẩy mạnh, nhưng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng lại tạo ra những vấn đề phức tạp trong thời gian gần đây, nên cần nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng nhanh về “lượng”, nhưng “chất” chưa có sự phát triển tương xứng. Điển hình là thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh các vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Ông Trương Minh Cát Nguyên - CEO TILA Finance cho rằng, bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhưng rất ít đại lý bảo hiểm (người trực tiếp tư vấn bán hàng) hoạt động chuyên nghiệp. Nhiều đại lý bảo hiểm không được đào tạo bài bản và không đầu tư vào công việc này một cách hợp lý.

“Doanh nghiệp bảo hiểm khi tuyển dụng nghĩ đây là một nghề phụ nên tuyển dụng tất cả những ai muốn làm đại lý và bỏ lơ khâu đào tạo. Người làm đại lý cũng nghĩ vậy nên toàn xã hội nghĩ đây là nghề tạm bợ, nghề phụ, khó thay đổi ngay được, trong khi cơ quan nhà nước còn buông lỏng quản lý. Vẫn có đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, làm toàn thời gian, nhưng chiếm tỷ lệ thấp”, ông Nguyên nói.

Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, nghề tư vấn bảo hiểm có vai trò quan trọng tương tự nghề tư vấn đầu tư tài chính, phải trải qua quá trình đào tạo, thi tuyển ngặt nghèo trong lập kế hoạch tài chính cho khách hàng, chứ không chỉ tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm đơn thuần.

Cần nâng cao vai trò của truyền thông

Tại không ít doanh nghiệp bảo hiểm, trong hàng chục ngàn đại lý bảo hiểm đã được tuyển dụng, chỉ có một số ít đại lý thành công với nghề, sống được bằng nghề, tự tin với nghề.

Theo ông Lương Văn Trung, luật sư thành viên sáng lập Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC, bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro, hay sự an toàn, hoặc an tâm cho tương lai, nhưng là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi, đòi hỏi cả đại lý bảo hiểm và người mua bảo hiểm phải có kiến thức về bảo hiểm. Các nước phát triển có tỷ lệ người dân mua bảo hiểm rất cao (thường là trên 60%). Tuy nhiên, một lựa chọn đúng là lựa chọn dựa trên thông tin đầy đủ và tự do ý chí, chứ không phải sự cả nể, ảo tưởng, lạc quan tếu, hay thiếu hiểu biết. Do đó, khách hàng nên hoài nghi với đại lý bảo hiểm nhân thọ cũng như khả năng của mình trước khi mua bảo hiểm và khách hàng cần được truyền thông đầy đủ hơn.

Liên quan đến truyền thông, ghi nhận từ các cơ quan báo chí, các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện truyền thông cho thấy, hoạt động truyền thông về bảo hiểm của toàn ngành hiện vẫn chưa tương xứng với doanh thu, dù Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, một trong những giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm là đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm.

Ngược lại, các doanh nghiệp bảo hiểm dồn ngân sách cho khâu quảng bá bán hàng, giảm dần chương trình truyền thông về bảo hiểm, khiến phần lớn người tiêu dùng chưa phân biệt các loại hình sản phẩm bảo hiểm, chưa hiểu được bảng minh họa sản phẩm, các điều khoản loại trừ bảo hiểm, ý nghĩa của “21 ngày cân nhắc”… Đáng chú ý, do truyền thông hạn chế nên có những khách hàng chưa nhận biết được mối quan hệ giữa đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, dẫn đến nộp phí bảo hiểm cho đại lý đã nghỉ việc.

Do đó, để định vị lại nghề bảo hiểm, ngoài việc đào tạo bài bản đội ngũ từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường khâu giám sát từ phía cơ quan quản lý nhà nước, thì hoạt động truyền thông về bảo hiểm cần được đẩy mạnh.

“Bộ Tài chính cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nên thông qua các đơn vị truyền thông uy tín, chuyên nghiệp, chuyên sâu về bảo hiểm đưa tin đầy đủ, cập nhật hơn. Người dân cần được biết về dữ liệu đầy đủ, minh bạch của toàn thị trường, dữ liệu thống kê về bồi thường của công ty bảo hiểm, tiền hoa hồng trả cho đại lý (gồm cả ngân hàng), số lượng và kết quả xét xử các vụ kiện tranh chấp, thông tin các đại lý bảo hiểm cũng như công ty bảo hiểm bị phạt vì làm sai... Qua đó, chúng tôi có sự hiểu biết về bảo hiểm trước khi tham gia và tránh xa các đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm”, anh Đặng Quang Phú (Phú Thọ) - một khách mua bảo hiểm nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, báo chí còn có vai trò ghi nhận, tôn vinh những đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, biết chủ động xây dựng thương hiệu của bản thân và công ty, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ xã hội, để đại lý bảo hiểm được coi là một nghề thật sự, tự tin sải bước với nghề.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng hợp đồng khai thác mới toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu phí khai thác mới đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên suy giảm trong 3 thập kỷ qua, trong khi mức tăng trưởng kép giai đoạn 2016 - 2021 là 23%/năm; tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi mức tăng trưởng kép giai đoạn 2016 - 2021 là 26%/năm.

Số lượng hợp đồng có hiệu lực (sản phẩm chính) tính đến cuối tháng 6/2023 là 13.354.376 hợp đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan