10% tổng số lao động của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong 10 năm tới. Ảnh: Getty Images.

10% tổng số lao động của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong 10 năm tới. Ảnh: Getty Images.

Nghề nào sẽ chết dần ở Đông Nam Á trong 10 năm tới?

28 triệu việc làm toàn thời gian tại 6 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. 6,6 triệu người lao động có nguy cơ mất việc vì tự động hóa hoặc thiếu tay nghề.

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong 4 năm tới, 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế và 133 triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn cầu. Đây là hệ quả của sự phát triển về khoa học và công nghệ thời gian qua.

Tổ chức này dự báo sự thay đổi về việc làm trên sẽ diễn ra mạnh mẽ nhất tại Đông Nam Á. Theo đó, việc làm tại khu vực này sẽ dịch chuyển từ ngành nghề nông nghiệp sang dịch vụ, điều mà hầu hết nền kinh tế phát triển mất hàng chục năm trải qua.

Ngành nào sẽ tạo ra nhiều việc làm?

Một báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu Oxford Economics và hãng công nghệ Mỹ Cisco chỉ ra rằng sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ có thể ảnh hưởng 28 triệu việc làm toàn thời gian tại 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Con số này tương đương 10% tổng số lao động của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bên cạnh nhiều việc làm mới được tạo ra thì có khoảng 6,6 triệu người lao động mất việc do thiếu tay nghề cần thiết để chuyển sang các vị trí khác tương ứng.

Chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á cho biết trong thập kỷ tới những việc làm có nhiều cơ hội nhất tập trung vào các ngành đang mạnh lên và có nhiều tiềm năng ở khu vực như các việc làm liên quan sản phẩm, trải nghiệm của người dùng.

Cụ thể, đứng đầu danh sách những công việc cần nhiều lao động nhất là bán lẻ với 1,8 triệu người, tiếp đến là sản xuất, xây dựng và vận tải.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, nhà hàng khách sạn, giáo dục, tài chính, nghệ thuật cũng có nhiều cơ hội khi cần từ 0,1-0,4 triệu người/lĩnh vực.

“Khi công nghệ mới được ứng dụng, năng suất tăng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, làm giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, nhu cầu chi tiêu cũng tăng với thu nhập khả dụng tăng lên. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tạo việc làm mới”, ông Naveen Menon nói.

Chủ tịch hãng công nghệ Cisco khu vực Đông Nam Á cũng khuyến cáo đây là những ngành cần nhiều nghiệp vụ và thường xuyên làm việc với khách hàng nên người lao động phải trau dồi và bổ sung thêm nhiều kỹ năng.

Ông cho rằng bên cạnh chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và tư duy phản biện là điều cần được kết hợp khi đào tạo người lao động.

Ngành nào sẽ biến mất?

Trái ngược với sự phát triển của các ngành dịch vụ, nhóm việc làm có tay nghề thấp và phụ thuộc nhiều vào tự động hóa sẽ mất sức hút trong tương lai.

Cụ thể, nhóm ngành nông nghiệp và các công việc không cần nhiều chuyên môn mà chủ yếu sử dụng sức lao động thủ công như công nhân vệ sinh, công nhân vận hành máy, giao dịch viên sẽ kém hấp dẫn, thậm chí biến mất.

Nghề nào sẽ chết dần ở Đông Nam Á trong 10 năm tới? ảnh 1

 Theo WEF, nông nghiệp và nhiều việc không cần nhiều chuyên môn sẽ được tự động hóa trong 10 năm tới tại Đông Nam Á. Ảnh: Lê Quân.

Theo WEF, dù sự chuyển dịch từng xảy ra trên toàn cầu nhưng nó sẽ đặc biệt khó khăn hơn với người lao động Đông Nam Á. Nguyên nhân là khu vực này phần lớn vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, đây là hoat động kinh tế chính của họ từ lâu đời.

Theo thống kê, nông nghiệp hiện cung cấp tới 76 triệu việc làm tại 6 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu ASEAN. Trong đó, 1/3 công việc lại mang tính chất lặp đi lặp lại, dễ bị thay thế bởi công nghệ tự động hóa.

Chủ tịch hãng công nghệ Cisco cho rằng sự thay đổi lớn này sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp lẫn nhân viên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý có nhiều lý do để lạc quan hơn.

“Kết quả của sự thay đổi này là người lao động ASEAN sẽ được giao những nhiệm vụ có giá trị cao hơn và sẽ hài lòng hơn về cuộc sống so với hiện nay.

Đồng thời, điều này cũng giúp duy trì sự tăng trưởng dài hơn cho khu vực, nơi có một số nền kinh tế thuộc diện phát triển nhanh trên thế giới”, ông Naveen Menon khẳng định.

Tin bài liên quan