Nghề mua rủi, bán may…

Nghề mua rủi, bán may…

(ĐTCK) Dịp đầu năm, nói chuyện nợ nần có vẻ không thích hợp nhưng lại không thể không nói...

Và nói như Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ (DATC) Phạm Thanh Quang thì cần trực diện với những nỗi lo, những bức bối, để tìm ra giải pháp gỡ khó. Điều này càng đúng với một đơn vị chuyên làm nghề “săm soi” những DN làm ăn thua lỗ, nợ nần để cùng họ vực dậy công ty. Cái công việc được DATC thực hiện quanh năm và có vẻ như đang rất “đắt khách” vào thời điểm mà nhiều DNNN “lặc lè” với những khoản nợ, được ông Quang tóm gọn lại một câu, “DN phải sạch đã, rồi mới mong mạnh được”.

Một buổi chiều muộn cuối năm, được nghe những giãi bày về nghề đi “làm sạch” DN, mới thấy mọi sự thay đổi, cải cách là không hề dễ dàng và đều phải bắt đầu từ con người. Ông Quang bảo, “kiêng cữ chuyện nợ nần có thể là nói vui, nhưng nó là một thách thức lớn của nghề đi mua bán nợ. Bởi tại nhiều DN, dù làm ăn rất bết bát nhưng chỉ những gì không thể dấu được họ mới nói. Trong khi đó, để DN hồi phục, phải có được một bức tranh chân thực, rõ ràng”.

 

Chưa bao giờ cụm từ tái cơ cấu nền kinh tế lại được đề cập với mật độ dày đặc như thời gian qua. Theo ông, định hướng tái cơ cấu cần chọn ra trọng điểm gì để đột phá?

Theo tôi, vào thời điểm này, quá dễ để chỉ ra những khó khăn. Nếu chỉ ngồi nhìn và than vãn thì chẳng giải quyết được gì. Vấn đề bây giờ là phải hành động. Trọng điểm đột phá đã được Chính phủ chỉ ra là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng. Nhưng theo tôi, nền kinh tế là một cỗ xe đang chuyển động, chỉ một cái ốc vít long hỏng cũng có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, nó đòi hỏi quyết tâm đổi mới của tất cả các bộ phận.

Nghề mua rủi, bán may… ảnh 1

 

Theo Ngân hàng Nhà nước thì đến cuối tháng 9/2011, dư nợ cho vay DNNN là khoảng 416.000 tỷ đồng, tương đương 17% tổng dư nợ tín dụng, trong đó có một tỷ lệ nợ xấu không nhỏ. Có vẻ như có cả một núi công việc đang chờ đợi DATC?

Đúng vậy. Trên thực tế, rủi ro thanh khoản và nợ xấu là vấn đề lớn nhất khi đề cập đến công tác tái cơ cấu khối DNNN. Nhiều DNNN có nợ tồn đọng lớn, mất hết vốn chủ, nguy cơ phá sản rất cao nếu ngân hàng siết nợ. Để các đơn vị này tồn tại và phát triển, trước hết cần làm sạch nợ nần, nâng cao uy tín tài chính và điều quan trọng là thay đổi cơ chế quản trị. Tái cấu trúc DN thông qua xử lý nợ là một trong những phương thức tài chính hữu hiệu và đã được DATC thực hiện gần 6 năm qua.

Chúng tôi đã thực hiện được khoảng 109 phương án mua bán nợ và tài sản theo phương thức thoả thuận để thực hiện tái cơ cấu DN. Tổng mệnh giá nợ và tài sản đã mua khoảng 7.000 tỷ đồng. Đã xử lý tồn tại tài chính cho DN khoảng 2.200 tỷ đồng.

 

Tôi nhớ trong một cuộc hội thảo gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính nâng cao năng lực của cơ quan mua bán nợ. Dưới góc độ người trực tiếp điều hành DATC, theo ông, phải làm gì để nâng cao năng lực của định chế tài chính đặc biệt này?

Về mô hình hoạt động của DATC, chúng tôi dự kiến đề xuất lên Bộ Tài chính một lộ trình, theo đó trong giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng quy mô hoạt động của DATC lên mô hình Tổng công ty, để DATC có thể chủ động trong xử lý nợ, tái cấu trúc DN. Theo đó, quy mô vốn điều lệ của DATC cũng sẽ phải tăng mạnh so với hiện nay để chúng tôi có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình tái cấu trúc các DN quy mô vốn lớn.

 

Có một điểm thú vị là cho đến nay, trong danh mục ngành kinh tế quốc dân do Tổng cục Thống kê ban hành chưa có lĩnh vực mua, bán nợ, tái cấu trúc DN. Như vậy, DATC là người đi tiên phong? Đi đầu lợi hay hại, thưa ông?

DATC là một định chế tài chính đặc biệt của Nhà nước, làm việc theo sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và Chính phủ. Đó là thuận lợi căn bản nhất. Có thể nói, bước đầu DATC đã xây dựng một thị trường mới cho hoạt động mua, bán nợ ở nước ta.

Còn khó khăn thì nhiều lắm. Lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới, vừa làm vừa học. Rồi không chỉ DN mà cả lãnh đạo một số địa phương cũng chưa hiểu và đánh giá đúng bản chất hoạt động của DATC. Những trường hợp như tại Công ty Sản xuất công nghiệp và xây lắp Hà Nội chưa được UBND TP. Hà Nội hỗ trợ trong việc phê duyệt phương án tái cấu trúc (mặc dù vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản) là ví dụ điển hình. Đồng thời, cơ chế chính sách cho hoạt động mua, bán, xử lý nợ còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này… Chúng tôi rất khó khăn khi đàm phán mua nợ của khối ngân hàng cổ phần cũng phần nhiều vì những lý do liên quan đến cơ chế, chính sách…

Có thể nói, lĩnh vực mua bán nợ không phải ai cũng làm được. Trước hết, nó đòi hỏi, uy tín của người đi mua nợ phải được xác lập. Sau nữa, nếu làm nghề này mà không có cái tâm và sự nhiệt huyết thì không thể thành công.

 

Nhân nói đến cái tâm của người làm nghề. Chắc ông có nhiều kỷ niệm trong việc đi hỗ trợ những DN khó khăn?

Mình về DATC từ tháng 4/2006. Vụ mua bán nợ gắn với tái cơ cấu đầu tay là tại Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Cần Thơ. Khi trực tiếp vào Cần Thơ thì lúc đầu thấy DN rất thờ ơ, chắc là không tin DATC có thể vực dậy. Kiểm tra thì vấn đề lớn nhất là DN mất vốn, nợ ngân hàng khoảng 200 tỷ đồng, âm vốn gần 50 tỷ đồng nữa.

Điều đáng nhớ nhất là làm việc trong bối cảnh trong nhà ngoài ngõ nhiều người không tin, nên phải quyết làm, thậm chí còn phải vận động anh em người nhà mua cổ phần. Sau vụ này, mình rút ra một kinh nghiệm, làm tài chính không chỉ cần tài chính mạnh, mà cả nhiều vấn đề khác thuộc về lòng người.

Câu chuyện về 2 nhà máy đường Sơn La và Kon Tum lại có điều đặc biệt khác. Hai nhà máy này sống hay chết có liên quan đến cuộc sống của hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Vào thời điểm DATC đặt vấn đề mua nợ thì cả hai hầu như đã phá sản, nợ nần chồng chất.

Sau khi được DATC tái cơ cấu, hai DN dần hồi phục lại. Năm 2011, cả hai công ty đều trả cổ tức ở mức cao từ 30 - 60%. Đoàn cán bộ của DATC vừa có chuyến làm việc tại Công ty Mía đường Sơn La. Đáng mừng là hiện Công ty không chỉ là một DN mạnh trong tỉnh mà bà con trồng mía cũng có bát ăn, bát để. Đó là những hạnh phúc rất lớn của những người đi hỗ trợ DN như DATC.

Nhưng để có những niềm hạnh phúc lặng lẽ ấy, chắc nhiều người cũng hình dung ra những áp lực của cái nghề đổ tiền đổ của vào những DN thua lỗ, như ông Quang ví von là “tiền vào nhà khó…”. Cái khó nhất đôi khi không phải là trực diện và giải quyết những khó khăn, mà lại là sự chờ đợi. Để tìm hiểu, xác lập phương án “làm sạch” DN, chí ít phải mất trên dưới một năm và để DN hồi phục lại thì cần vài ba năm là bình thường. Khi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền Nhà nước đổ vào DN thì “khoảng lặng” chờ đợi đó càng áp lực và cần nhiều sự chia sẻ. Nhưng như Tổng giám đốc Phạm Thanh Quang nói lúc chia tay tôi: “Bất kỳ điều gì cũng sẽ có lời giải. Vấn đề là làm sao để có lời giải tốt nhất”. Và đó hình như không chỉ là sự chiêm nghiệm từ nghề mua bán nợ vốn được coi là nghề mua rủi, bán may của ông.