Sau niềm vui khi chốt được sale là thời gian phập phồng đợi hoa hồng. Ảnh: Shutterstock

Sau niềm vui khi chốt được sale là thời gian phập phồng đợi hoa hồng. Ảnh: Shutterstock

Nghề môi giới và áp lực mưu sinh

(ĐTCK) Bên cạnh sự hào nhoáng là những góc khuất của nghề môi giới bất động sản mà không phải ai cũng có thể hiểu hết được, đặc biệt là câu chuyện hoa hồng.

Phía sau sự hào nhoáng

Môi giới bất động sản là một trong những nghề được xếp vào nhóm thu nhập cao. Cái hay ở nhân viên môi giới bất động sản là không cần lương cao, nhưng thu nhập từ hoa hồng có thể lên tới 7 - 8 con số hàng tháng.

Tùy vào công ty mà chính sách hoa hồng cho nhân viên môi giới bất động sản cao hay thấp. Chỉ cần làm phép tính nhỏ, một nhân viên môi giới bất động sản bán thành công căn nhà 1 tỷ đồng, họ đã có trong tay 50 - 60 triệu đồng. Con số không chỉ hấp dẫn với các bạn trẻ mới ra trường, mà còn với rất nhiều nhân sự làm trong các ngành nghề khác.

Chưa kể, nhân viên môi giới bất động sản thường không chôn chân ở môi trường công sở 8 tiếng mỗi ngày, mà địa điểm làm việc rất linh động, từ quán café, nhà hàng, đến nhà của khách hàng. Ăn mặc đẹp, thu nhập cao khiến môi giới bất động sản trở thành nghề nghiệp đầy mơ ước của nhiều bạn trẻ.

Nghề môi giới và áp lực mưu sinh ảnh 1

Để chốt được sale, các nhân viên môi giới phải tốn không ít chi phí và công sức

Nhìn những con số trên, ai cũng nói, muốn mau làm giàu mà không cần vốn, chỉ cần dùng lời nói có để kiếm tiền thì cứ làm môi giới bất động sản. Nghe thì có vẻ sang chảnh, công việc ổn định, thu nhập như mơ. Tuy nhiên, chỉ có những người trong nghề mới hiểu, đằng sau những khoản hoa hồng vài chục, vài trăm triệu đồng là những nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày.

Một môi giới bắt đầu vào nghề với mức lương ít ỏi, dưới 5 triệu đồng/tháng, nhưng họ phải chi phí đi lại, điện thoại và nặng nhất là khoản quan hệ khách hàng (dù chỉ đơn giản là cafe), chi phí marketing (quảng cáo facebook, quảng cáo google, SMS…). Các loại chi phí này có thể gấp đôi, gấp ba số lương hàng tháng của họ.

Tiền kiếm được từ bất động sản lên xuống theo chu kỳ, có những tháng nhiều giao dịch, nhưng cũng có những tháng không có giao dịch thì coi như “chết đói”. Nhiều người mới vào nghề bỏ cuộc vì không chịu được áp lực, nhưng những ai trụ lại sẽ có cơ hội làm giàu.

Với công thức THÀNH CÔNG = THẤT BẠI + THẤT BẠI + THẤT BẠI…+ THẤT BẠI”, môi giới bất động sản là nghề mà nếu ai đủ bản lĩnh vượt qua được những khó khăn ban đầu, thì rất dễ dàng vươn lên để có một mức thu nhập trong mơ, mà hiếm nghề nào có được.

Những người không chịu bỏ chi phí, đương nhiên rất khó có khách hàng, đồng nghĩa với việc không có hoa hồng. Do đó, môi giới bất động sản luôn là một nghề khắc nghiệt và có tính chọn lọc cao. Đây cũng là lý do mà các sàn môi giới đăng tuyển nhân viên quanh năm với số lượng lớn.

Mòn mỏi chờ hoa hồng

Giao dịch thành công, vẫn héo hon là một minh chứng rất thực tế cho nghề môi giới. Nhiều chủ đầu tư có chính sách chi trả hoa hồng khá chậm, chưa kể hoa hồng môi giới bị chiếm dụng trong các sàn bất động sản. Thông thường, phải mất 3 - 9 tháng môi giới mới nhận hết được hoa hồng và đây là một trong những điều bất hợp lý mà nhiều chủ đầu tư không nhận ra.

Đồng tình với việc luôn luôn phải giữ một phần hoa hồng để ràng buộc trách nhiệm của đơn vị phân phối và môi giới đối với dự án, nhưng thực tế, khoản hoa hồng môi giới bất động sản thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với khoản tiền thu về từ việc bán bất động sản cho khách hàng.

Nghề môi giới và áp lực mưu sinh ảnh 2

Nhân viên kinh doanh đang giới thiệu cho khách về một dự án tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội

Thực tế cho thấy, với nhiều môi giới trẻ hiện nay, nếu như không có nguồn thu nhập khác, chắc không thể trụ nổi với nghề. Giao dịch thành công đến nửa năm mà vẫn chưa nhận được hoa hồng, khiến nhiều người phải vay tiền để trang trải chi phí sinh hoạt và chi phí marketing. Nếu không thay đổi chính sách, các chủ đầu tư ngâm tiền hoa hồng của môi giới sẽ khó tìm được đơn vị bán hàng cho các dự án sau của mình.

Người ta nói rằng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, do đó một số chủ đầu tư, các chủ sàn bất động sản nên tính toán lại quy trình chi trả hoa hồng linh hoạt hơn, tối thiểu phải chi trả 30% hoa hồng khi giao dịch thành công (ký hợp đồng mua bán) để môi giới có chi phí trang trải cuộc sống, cũng như tái đầu tư vào các hoạt động tiếp thị.

Môi giới không thể làm việc tốt với cái “bụng đói” và cái đầu lo lắng vay mượn tiền. Những sàn bất động sản lớn có nhiều môi giới muốn giữ quân, đều phải tự ứng tiền của công ty ra cho nhân viên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi hoa hồng trả quá chậm, nhiều ông chủ sàn giao dịch cũng phải điêu đứng theo chủ đầu tư.

Thiết nghĩ, trên phương diện nào đó, các nhà phát triển dự án, chủ đầu tư dự án cần phải xem xét lại và nên thay đổi mối quan hệ bình đẳng hơn đối với môi giới. Nhiều chủ sàn bất động sản lớn ở TP.HCM và Hà nội cũng ngán ngẩm cho rằng: “Đòi công nợ hoa hồng của chủ đầu tư là một công việc khá vất vả, và nhiêu khê”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan