Nghề môi giới bất động sản, xin đừng làm méo mó

Nghề môi giới bất động sản, xin đừng làm méo mó

(ĐTCK) Môi giới là một nghề quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, do cách làm ăn chộp giật của một số doanh nghiệp dịch vụ môi giới, khiến ngành này bị méo mó. Nếu không thay đổi, dự kiến trong 5 năm tới, nhân sự ngành môi giới địa ốc sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Không thể áp dụng mô hình đa cấp

Theo triết lý của ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Đào tạo doanh nhân PACE: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”. Thực vậy, bản chất đầu tiên của doanh nghiệp là cung cấp giải pháp cho khách hàng, giải quyết vấn đề việc làm cho nguồn nhân lực tại địa phương và đóng góp vào ngân sách nhà nước, nhằm phục vụ lợi ích xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dịch vụ môi giới bất động sản lại chuyển mình sang một triết lý khác, khiến nhân lực môi giới bất động sản luôn biến động không ngừng trong gần một thập kỷ qua.

Chính sách dành cho nhân viên môi giới của các công ty dịch vụ môi giới khác nhau, nhưng đa phần là không trả lương cơ bản cho người lao động, thay vào đó là tỷ lệ chia hoa hồng cao ngất ngưởng. Đây là một trong những hình thức của mô hình kinh doanh đa cấp, không nên áp dụng đối với ngành kinh doanh bất động sản. Nhân viên phải bỏ thời gian, công sức và tiền bạc làm việc cho công ty 8 tiếng mỗi ngày. Nếu không gặp may, tháng đó không bán được hàng, thì nhân viên đó “trắng tay”. Chính sách này đã khiến nhiều nhân viên phải tìm công việc khác, có thu nhập ổn định hơn.

Có thể thấy rằng, tại Hà Nội và TP. HCM, hơn 90% dân số trong độ tuổi lao động tại 2 thành phố lớn là dân nhập cư. Vấn đề chi phí sinh hoạt, thuê nhà, điện nước luôn là bài toán hóc búa đối với họ. Một doanh nghiệp không lo nổi sinh kế cho nhân viên, thì liệu đó có phải là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như các doanh nghiệp quảng bá về mình? Người viết không ngạc nhiên khi Top 100 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam Năm 2015 do Anphabe và Nielson công bố, không có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Dĩ nhiên, với mức thu nhập khủng đưa ra, các doanh nghiệp dịch vụ môi giới đã tạo ra “miếng mồi ngon” để lôi kéo nhân viên. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh gay gắt hiện nay, có rất ít người thưởng thức được “miếng mồi” ngon ấy. Do đó, đa số họ đã rời khỏi ngành, số còn lại quyết định làm riêng (môi giới tự do) để chủ động thời gian, chi phí.

Anh Thế Thành, cựu chuyên viên môi giới Sàn Bất động sản KH chia sẻ: “Chưa bao giờ nhân lực ngành kinh doanh bất động sản lâm vào cảnh hỗn độn như hiện nay, nếu không muốn nói là bát nháo. Vô hình trung, đã đưa những chuyên viên môi giới có trình độ, kỹ năng trở thành “cò”, tranh giành lộ liễu, đôi khi vô văn hóa!”. 

Cần chính sách để lập lại trật tự

Để nhân viên môi giới bất động sản an tâm, tin tưởng và sống được với nghề, thiết nghĩ, lãnh đạo các doanh nghiệp dịch vụ môi giới nên nhìn rộng hơn, nghĩ xa hơn và có tâm với nghề hơn. Cần có một chính sách cơ bản cho người lao động để giải quyết vấn đề sinh kế. Đó cũng là một trong những chiến thuật giữ chân nhân lực, nhân tài của ngành mà các doanh nghiệp dịch vụ môi giới cần theo đuổi.

Ở một góc độ nào đó, kinh doanh không hẳn là làm giàu cho doanh nghiệp, mà còn phải chăm lo đến sinh kế của người lao động. Bởi họ có sống được với lương, với nghề, thì mới dốc hết khả năng, năng lực có thể cống hiến cho doanh nghiệp.

“Bây giờ không ít người ngán ngẩm nghề môi giới địa ốc. Họ dường như đã mất niềm tin với nghề này, nên công tác tuyển dụng nhân sự cũng gặp không ít khó khăn. ‘Miếng bánh’ đã bị cắn xé nham nhở bởi những doanh nghiệp dịch vụ môi giới chạy theo lợi nhuận mà quên lợi ích của người lao động, của cộng đồng và xã hội”, một lãnh đạo Sàn Bất động sản NTD tiết lộ.

Dù nhiều lúc có thu nhập khủng mà nhân viên nhiều ngành nghề khác phải ao ước, nhưng nếu không có lương cơ bản, thì vô hình trung biến các nhân viên môi giới địa ốc chuyên nghiệp thành “cò”. Bản chất nhỏ lẻ, manh mún, làm ăn theo kiểu chộp giật của một số doanh nghiệp dịch vụ môi giới đã làm méo mó một ngành nghề không thể thiếu của lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nếu tình trạng lương bổng bấp bênh như hiện nay không được thay đổi, thì trong 5 năm tới, nhân sự môi giới bất động sản sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Thiết nghĩ, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nên sớm đưa ra biện pháp chấn chỉnh để lập lại trật tự ngành, nghề, lấy lại niềm tin cho người lao động, xa hơn là niềm tin của khách hàng. Nghề môi giới bất động sản là nghề chân chính, phải được tôn trọng và phát triển đúng với nhu cầu thiết yếu của xã hội, tránh mai một theo thời gian vì một số doanh nghiệp làm ăn chộp giật.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan