Các môi giới viên bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của thị trường. Ảnh: Lê Toàn
Tăng tuyển dụng nhân viên môi giới
Anh Chiến Nguyễn (thành viên của đơn vị nghiên cứu thị trường SPE.R), cho biết, tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên môi giới đang tốt lên. Nhiều người trước đây nản lòng, rời bỏ thị trường, nay đã trở lại làm nghề trong bối cảnh thị trường đang dần phục hồi.
“Riêng tại khu vực Đà Nẵng, số lượng môi giới viên đang hành nghề hiện nay đã bằng 90% so với thời điểm năm 2022 - giai đoạn thị trường ‘sốt’ nhất. Thậm chí, một số người không bán được căn nào trong năm ngoái thì nay cũng đã có giao dịch. Nhìn chung, 80% số môi giới tại các sàn ở Đà Nẵng đã có ít nhất một giao dịch trong 3 tháng đầu năm nay. Riêng cá nhân tôi cũng đã bán được 4 căn nhà phố”, anh Chiến Nguyễn chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Property cho biết, thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc, tâm lý của khách hàng được cải thiện. Tận dụng thời điểm này, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang đẩy mạnh các chiến dịch chiêu mộ và phát triển đội ngũ nhân viên môi giới. Bản thân doanh nghiệp của ông Nga mới đây cũng đã ra mắt một thương hiệu mới là Bcompass để tập trung vào việc tuyển dụng, đào tạo môi giới…, nhằm phục vụ cho các chiến dịch bán hàng lớn trong thời gian tới.
BHS cũng chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh kế hoạch “tuyển quân”. Ngay từ đầu năm nay, Vinhomes đã rầm rộ tuyển dụng nhân viên kinh doanh. Đơn vị này sẵn sàng trả lương cứng khoảng 10 triệu đồng/tháng cho ứng viên trong giai đoạn tập nghề. Với mỗi giao dịch thành công, nhân viên môi giới sẽ nhận thêm khoản hoa hồng bằng khoảng 2% giá trị sản phẩm bán ra.
Không chỉ Vinhomes, nhiều chủ đầu tư khác cũng đang xây dựng sàn môi giới nội bộ, để phục vụ cho chiến lược bán hàng dài hạn, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ địa ốc. Chẳng hạn Novaland có Global X, Phát Đạt là Commonwealth Properties, Hưng Thịnh có Property X…
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), sau khoảng thời gian dài chìm trong khó khăn, hiện có tới 80% số sàn giao dịch bất động sản đã sẵn sàng nhập cuộc với thị trường. Trong quý I/2024, số lượng doanh nghiệp địa ốc hoàn tất thủ tục giải thể là 331 doanh nghiệp, giảm 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số công ty quay trở lại hoạt động lên tới 1.035 đơn vị, tăng 25,8% so với cùng kỳ và tăng 2,3 lần so với giai đoạn cuối năm ngoái. Số doanh nghiệp thành lập mới là 921 doanh nghiệp, tương đương với cùng kỳ năm trước.
“Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận tình trạng thiếu hụt các nhân viên môi giới có kiến thức, kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề. Đây là lý do nhiều sàn giao dịch, mặc dù muốn mở rộng, phân phối thêm các phân khúc tiềm năng nhưng phải cân nhắc, dựa theo kết quả tuyển dụng môi giới”, bà Phạm Thị Miền, Phó Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của VARS, nhìn nhận.
Theo khảo sát quý I/2024 của Dat Xanh Services - FERI, khoảng 13% số môi giới bỏ việc đã quay lại ngành; 55% môi giới đã bỏ việc dự kiến sẽ quay lại với ngành bất động sản trong thời gian sắp tới.
Chủ đầu tư đã sẵn sàng “bung hàng”
Hoạt động tuyển dụng môi giới viên sẽ không thể sôi động đến vậy, nếu như thị trường vắng bóng các dự án bất động sản. Ngay trong quý I/2024, nhiều chủ đầu tư đã chính thức khởi động các sự kiện kick - off, như Cát Tường Phú An Residence (Long An) của Cát Tường An; Sun Ponte Residence (Đà Nẵng) của Sun Group; Sycamore (Bình Dương) của CapitalLand; Eaton Park (TP. Thủ Đức) của Gamuda Land…
“70% chủ đầu tư có sản phẩm đủ điều kiện mở bán đã sẵn sàng ‘bung hàng’. Riêng các chủ đầu tư có dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn chưa sẵn sàng tái nhập cuộc”, bà Phạm Thị Miền đánh giá.
Vị chuyên gia cho hay, việc lượng giao dịch bất động sản gia tăng trong quý I/2024 chính là tiền đề và động lực để các doanh nghiệp địa ốc đẩy nhanh tốc độ ra mắt sản phẩm. Hiện các dự án căn hộ chung cư có giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như luôn trong trạng thái “cháy hàng”. Mặt bằng giá căn hộ liên tục đi lên do cung không đáp ứng nổi cầu.
Theo ghi nhận của VARS, phân khúc bất động sản nhà ở ghi nhận tới 6.200 giao dịch trong quý I/2024, tăng 8% so với quý IV/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Một số dự án ghi nhận thành tích bán hàng tương đối ấn tượng trong 3 tháng đầu năm nay. Ví dụ, dự án Vaquarius Văn Giang (Hưng Yên) có tới hơn 200 giao dịch; Masteri Waterfront (Hà Nội) là 262 giao dịch; The Wisteria (Hà Nội) với 407 giao dịch; Ponte Residence (Đà Nẵng) đạt 689 lượt booking sau hai tuần mở bán…
Trong tương lai, thị trường hứa hẹn sẽ còn nhộn nhịp hơn khi nhiều doanh nghiệp “ngoại đạo” sẽ tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Chẳng hạn Kim Oanh Group đã hợp tác cùng nhiều nhà đầu tư quốc tế để đầu tư dự án tại Hòa Lân, Bình Dương; TH Group cũng không kém cạnh khi mong muốn làm khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng (Lâm Đồng); Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng tỏ rõ tham vọng với dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau…