Nghề khó…

Nghề khó…

(ĐTCK-online) Có một số nghề nghiệp được liệt vào hàng khó khăn, nguy hiểm bậc nhất thế giới, đó là huấn luyện sư tử, đấu vật với cá sấu hay làm bia đỡ dao trong rạp xiếc... Ở Việt Nam, danh sách nghề khó không ít, từ trọng tài bóng đá, cảnh sát giao thông đến nghề… đánh máy. Còn trên TTCK, nghề nào khó khăn, nguy hiểm nhất?

1 Mình vốn chẳng họ hàng gì, nhưng nhiều lúc thấy thương các bác quản lý chợ chứng khoán. Người ta bảo, quyền rơm vạ đá chẳng sai tí nào. Bảng điện đo đỏ tí là NĐT kêu ca khóc lóc, ông ời ông ơi, sao ông không tính kế cứu thị trường. Trong vụ giáp hạt vừa rồi, lời than mới thảm thiết, rằng sản phẩm mới đâu, tại sao không áp dụng, rằng sao không sang Lào mà học TTCK nhà người ta, rằng sao không tiết cung để đỡ cầu… vân vân và vân vân… Nghe thế ai chẳng sốt ruột, nhưng quyền nghe thì có mà quyền quyết lại không thì biết làm sao!?

Kêu ca vừa đỡ (vì thị trường xanh lại) thì đến việc vừa rồi… Sau bao ngày tháng nâng lên đặt xuống, hẳn là có sự tác động lớn của ban quản lý chợ, nút cổ chai cũng được cởi. Từ mua - bán một loại hàng trong phiên đến mở nhiều tài khoản…, toàn những thứ mà dân tình mong như mong mẹ về chợ. Thế nhưng, khi nó thành hình, thành dáng rồi thì lại bị rẻ rúng chả khác gì… “mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Toàn “chiên da” bàn ra, tán vào, rằng chẳng có tác dụng mấy đâu, rằng cũng chỉ hợp pháp hóa mấy chuyện đã rồi… Ô hay, trước anh làm thì phạm pháp, giờ pháp luật cho phép, ung dung tự tại quá còn gì. Vả lại, người ta quản chợ cũng chỉ biết lo cho chợ búa họp hành thông suốt. Chứ còn chuyện chứng xanh, chứng đỏ, chứng vàng, chuyện trên bảng điện, nhiều khi có cơn bão ở Tây Bán cầu cũng ảnh hưởng; chưa nói chuyện vĩ mô, lạm phát, lãi suất ở trong nước, làm sao quản được. Rõ là nghề quản lý chợ chứng khoán khó khăn, bất nhẫn thật. Làm dâu thời phong kiến cũng khổ đến thế là cùng!

 

2 Có câu chuyện về một anh chàng làm nghề môi giới chứng khoán. Anh ta có đến 3 cô bạn gái, nhưng vẫn không biết sẽ phải cưới ai. Vì thế, để chọn lựa, anh quyết định đưa cho mỗi cô 5.000 đô và xem cách chi tiêu của 3 cô gái đó thế nào.

Cô thứ nhất cầm tiền và hối hả shopping. Sau đó, cô nói với anh chàng nọ: “Em tiêu hết số tiền của anh để chăm sóc sắc đẹp cho mình, em nghĩ nếu em đẹp hơn thì anh sẽ yêu em hơn”.

Anh chàng broker im lặng!

Cô thứ hai lẳng lặng cầm tiền và đi mua 1 đầu đĩa CD, 1 thẻ chơi golf, 1 chiếc ti vi màn hình phẳng và gửi đến nhà anh chàng nọ kèm theo mảnh giấy: “Em dùng tiền để mua tất cả những thứ này tặng anh, bởi vì em rất yêu anh”.

Broker nọ chỉ mỉm cười và vẫn im lặng!

Cô thứ ba hăm hở cầm tiền ném vào TTCK. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã lãi gấp đôi. Cô đưa cho anh chàng người yêu của mình và nói: “Em đầu tư số tiền anh đưa vào chứng khoán vì em nghĩ đến tương lai của chúng mình”.

Theo bạn, anh bạn broker này sẽ chọn ai trong số 3 cô gái này? Còn mình thì thấy,  nếu ở Việt Nam vào thời điểm này, cả 3 cô gái ấy đều sẽ bỏ anh chàng môi giới mà không chờ để được thử thách. Lý do, anh ta đang làm cái nghề quá nguy hiểm. Còn nếu được chọn, anh chàng số đỏ ấy chắc chắn sẽ bỏ cô thứ ba. Đổ tiền vào chứng khoán khi không biết gì đã là liều (có thắng cũng là chó ngáp phải ruồi), nếu mở tài khoản vào cái CTCK mà anh ta đang làm broker thì lại còn nguy hiểm hơn. Cứ xem cái vụ một broker bị bắt vừa rồi thì rõ. Nếu đúng như những gì lãnh đạo của cậu ấy thanh minh thì broker ấy chẳng tư lợi gì, cũng là vì doanh thu, vì công ty cả. Mà cái thị trường nhà mình nó vốn thế, từ xưa đến nay, chợ chỉ quy định cho mỗi ông một sạp hàng (một tài khoản), nhưng có mấy vị nghe theo. Thói thường, thị trường càng khó khăn, khách VIP càng giống ông giời, nói gì broker chả phải nghe…

Chợt thấy lo cho mấy ngàn broker xứ ta. Cái nghề biết sai vẫn phải làm thì chí nguy!

 

3 Dạo này trên diễn đàn mạng thấy có nhiều đề xuất thành lập Hiệp hội các NĐT cá nhân. Cũng thấy hay hay. Từ xưa đến nay, chẳng có nghề nào một bước lên… nhà như NĐT chứng khoán. Nếu lại có thêm một hiệp hội nữa thì anh em vừa có chỗ đàn đúm, lại ra dáng chính quy, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến phản bác, rằng mình đã có Vafi rồi cơ mà. Hiệp hội NĐT đấy còn gì. Mà bên ấy hoạt động tích cực lắm. Tốc độ ban hành văn bản kiến nghị, hiến kế thì xứng công đầu… Nhưng không hiểu vừa rồi có phải do bao nhiêu tâm huyết chưa được bồi đáp xứng tầm, hay cái nghề tư vấn nguy hiểm, khó khăn quá, mà các bác ấy lại chuyển sang hiến kế cho ngành ô tô - xe máy. Vafi đề xuất rằng, cần có “Phí được quyền mua ôtô, xe máy”, mức tiền thì khoảng… 4 - 10 lần giá trị xe thôi. Cứ nôm na thế này cho dễ hiểu, nếu ai đã tích cóp được dăm ba trăm triệu mà tính đường mua ô tô thì cứ quên khẩn trương cái giấc mơ 4 bánh ấy đi, bởi còn phải kiếm thêm vài ba tỷ bạc nữa để… mua cái “quyền mua”.

Kể ra thì kiến nghị này cũng đáng để liên ngành nghiên cứu, chắc chắn là hơn đứt cái vụ ngực lép không được xuống phố hay ra đường theo ngày chẵn lẻ trước đây, vì “trên thế giới đã có nơi áp dụng rồi”. Chỉ thắc mắc là, giá xe hơi ở Việt Nam đang thuộc loại đắt nhất thế giới. Thêm phí này nữa thì giá bao nhiêu..., hả giời???

Cuối tuần lan man vài câu chuyện tầm phào, chợt nhớ đến câu chuyện của cụ Nam Cao kể về anh bán cháo lòng chuyển nghề làm chủ tịch xã. “Cái anh bán cháo lòng thì nó chỉ biết đánh tiết canh”… he he, cha đẻ Chí Phèo thánh thật!