Nghề du lịch hậu Covid-19 - thời của những ông chủ làm công

0:00 / 0:00
0:00
Sau 4 lần “cơn cuồng phong” Covid-19 tàn phá, nghề du lịch lữ hành đã bị phá hủy. Theo ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, nghề du lịch hậu Covid-19 là thời của những ông chủ làm công.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel.

Sau bốn lần “cơn cuồng phong” Covid-19 tàn phá nghề du lịch lữ hành cơ bản đã bị phá hủy trên mọi phương diện từ hoạt động kinh doanh, tài chính đến nguồn nhân lực. Tương lai nghề du lịch hậu Covid-19 có lẽ nào sẽ là thời của những ông chủ làm công và cơ hội cho những “chú chim non” như dự báo của Thạc sỹ Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel?

Thưa ông, gần 2 năm qua, “sóng thần” Covid-19 hoành hành gần như đã “nhấn chìm” ngành kinh tế xanh, ngay cả những “ông lớn” ngành lữ hành cũng phải tạm đóng cửa, chuyển hướng kinh doanh?

- Đúng vậy, sau 3 lần bùng phát, “cơn cuồng phong” Covid-19 lần thứ 4 quá tàn ác và khủng khiếp khiến cả những công ty du lịch đầu ngành, có nhiều năm tích lũy cũng phải ẩn mình, nếu không muốn nói là biến mất. Toàn bộ nhân viên đều phải tạm nghỉ từ lâu, những lãnh đạo tầm trung được cho nghỉ từ lần dịch thứ 3, rồi lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt, giờ cũng không thể bám trụ được.

Mặt bằng, văn phòng doanh nghiệp thuê giờ cũng đã phải trả lại, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hay cho thuê lại.

Giấy phép lữ hành quốc tế đã được thu hồi lại để giải phóng khoản tiền ký quỹ ngân hàng để phục vụ cho cuộc sống của chính những người đứng đầu doanh nghiệp.

Đó mới chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể của nghề du lịch. Bởi lữ hành là những đơn vị kinh doanh tổ chức tour, trong khi du lịch còn hàm chứa cả các doanh nghiệp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, quà lưu niệm…

Với những doanh nghiệp đòi hỏi lượng vốn cố định lớn như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng thì có lẽ còn thê thảm hơn khi ngoài những khó khăn như các công ty lữ hành phải đối mặt, họ còn phải chịu áp lực từ các khoản lãi, nợ ngân hàng, chi phí phí duy trì, bảo dưỡng phương tiện vận chuyển, tàu thuyền, cơ sở lưu trú, nhà hàng. Và chắc chắn, không ít đơn vị đang trong tình trạng niêm phong và chờ thu hồi phát mãi bởi ngân hàng.

Một màu đen kịt đang bao phủ mọi loại hình doanh nghiệp du lịch lúc này.

Tuy nhiên, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, khi vaccine và thuốc chữa Covid-19 đang được loài người khẩn trương nghiên cứu và triển khai thành công.

Những nước phát triển có tiềm lực kinh tế và ngành khoa học phát triển đã có đủ vaccine và phủ được đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Cuộc sống của họ đang trở lại bình thường, điều này được minh chứng qua các giải thể thao với các trận đấu đầy ắp khán giả mà chúng ta đang xem trên ti vi hàng ngày. Các nước đang phát triển rồi cũng sẽ được cung cấp đủ vaccine và sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Vậy tương lai nghề du lịch hậu Covid-19 sẽ ra sao?

- Ngày trở lại nghề du lịch có lẽ sẽ không còn quá xa. Nhưng, vấn đề được quan tâm ở đây là doanh nghiệp du lịch và nhân lực làm nghề này sẽ có sự thay đổi lớn.

Đối với doanh nghiệp, đây là một sự khởi đầu mới, start-up lại hoàn toàn với quy mô nhỏ gọn, khi mà nguồn lực tài chính đã cạn kiệt, nhu cầu du khách cũng chưa cao bởi vấn đề ngưng trệ công việc và kiệt quệ kinh tế trong thời gian dịch bệnh.

Nói như thế có nghĩa, mỗi doanh nhân hay nôm na là chỉ còn các ông chủ doanh nghiệp du lịch mới là lực lượng nhân sự còn sót lại và sẵn sàng tiếp tục làm nghề du lịch lữ hành đầy mong manh và rủi ro này. Với những ông chủ có khát vọng, tầm nhìn và kinh doanh bài bản thì muốn thuê mướn nhân công cũng không còn tiền để thực hiện.

Hậu Covid-19 lần thứ 4, giám đốc công ty du lịch sẽ kiêm luôn nhân viên sale, có được khách thì tự kết nối với đối tác, trực tiếp đặt dịch vụ và điều hành chuyến đi. Thậm chí, nếu ít khách thì còn kiêm luôn làm hướng dẫn viên dẫn tour.

Lúc này, văn phòng công ty thu nhỏ, ông chủ doanh nghiệp lữ hành lấy công làm lãi để tồn tại và tích lũy tài chính. Đây là con đường duy nhất của các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp du lịch tư nhân ở tầm siêu nhỏ, nhỏ, vừa trước đây.

Ban đầu, khi doanh nghiệp mới khởi động lại, các ông chủ sẽ tự làm mọi việc để lấy công làm lãi, nhưng khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, nhu cầu của du khách cũng tăng cao, chắc chắn không thể không tuyển nhân sự, thưa ông?

- Ngay cả với những người gắn bó nhiều năm với nghề lữ hành, sự tích lũy về mặt tài chính, kinh tế cũng không cao. Thế nên, khi hoạt động kinh doanh lữ hành tê liệt, đội ngũ lao động này ngay lập tức lao đao. Và hệ quả tất yếu là họ xoay sang những nghề khác có thể bắt đầu ngay như bảo hiểm, bất động sản, xe công nghệ, kinh doanh online, sale ô tô…

Thời gian trôi đi, ngoài mục tiêu mưu sinh thì phần lớn trong số này có thể thành công với cái nghề tưởng như chỉ là tay trái thì nay lại trở thành “nghiệp” của họ.

Du lịch là “nghề của muôn nghề”, đòi hỏi nhiều kỹ năng và được trải nghiệm nhiều lĩnh vực nên nhân sự giàu kinh nghiệm trong mảng lữ hành dễ dàng bắt đầu và thành công với một nghề mới thịnh vượng hơn, ổn định hơn, họ sẽ không còn muốn trở lại với nghề du lịch đầy nhạy cảm nữa.

Vậy doanh nghiệp sẽ tìm nhân sự ở đâu? Một qui luật đơn giản là “hết nạc thì vạc đến xương”. Không tuyển được người có kinh nghiệm, các ông chủ sẽ tuyển người chưa có kinh nghiệm và đây chính là cơ hội cho những “chú chim non” vừa mới rời ghế nhà trường.

Trước đây, doanh nghiệp lữ hành rất kén chọn khi tuyển nhân sự bởi cạnh tranh trong ngành rất khốc liệt. Chỉ khi có được nhân sự giàu kỹ năng, kinh nghiệp mới có lợi thế cạnh tranh, nhưng giờ có người làm đã là tốt rồi.

Cơ hội của những “chú chim non” mà ông vừa đề cập có lẽ sẽ rất rộng mở?

- Chắc chắn rồi! Không chỉ có cơ hội xin được việc làm, những “chú chim non” này còn có thể sớm sải cánh nhờ được làm việc trực tiếp cùng những nhân sự cao cấp, thậm chí là ông chủ doanh nghiệp. Họ sẽ được đào tạo, kèm cặp, huấn luyện một cách kỹ lưỡng cũng như được giao việc làm luôn. Điều này trong thời kỳ bình thường trước đây là không thể có. Đúng là đối với những bạn sinh viên ngành du lịch năm cuối thì hoàn toàn khớp với câu nói “trong nguy có cơ”.

Tựu chung lại thì hậu Covid-19 lần thứ 4, mô hình, quy mô doanh nghiệp, sự thay đổi nguồn cung nhân lực, xu hướng sản phẩm dịch vụ, loại hình và đối tượng khách hàng của ngành du lịch sẽ có sự thay đổi toàn diện. Hai năm tái khởi động hoạt động du lịch có lẽ sẽ là giai đoạn nhiều chông gai với nghề kinh doanh lữ hành của các ông chủ, nhưng là cơ hội “ngàn vàng” của các bạn sinh viên du lịch mới ra trường. Hẳn là, sẽ còn rất lâu để nghề du lịch trở lại thời hoàng kim như năm 2019.

Tin bài liên quan