Gian nan thử sức
Covid-19 xảy ra là một cuộc khủng hoảng lớn đối với hàng ngàn doanh nghiệp Việt trong 2 năm vừa qua. Hoạt động sản xuất khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, trong đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giải trí phải ngủ đông suốt thời gian dài với ba không: Không doanh thu, không việc làm, không hoạt động.
Nói về giai đoạn ấy, ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC) chia sẻ, chưa bao giờ trong cuộc đời kinh doanh của mình ông lại thấy có những khó khăn như thời điểm giãn cách xã hội Covid-19.
Tuy nhiên, ông có niềm tin, mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua đi. Để duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, cán bộ công nhân viên MPC đã làm ở nhà máy tại Hậu Giang và Cà Mau hoạt động theo phương thức một cung đường hai điểm đến và nỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn, duy trì đơn hàng xuất khẩu.
Rất nhiều doanh nghiệp khi nhắc lại giai đoạn 3 tại chỗ cũng cảm thấy đó là một phần ký ức không thể nào quên. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Thành Công (TCM) Trần Như Tùng chia sẻ, ở giai đoạn đầu của giãn cách xã hội, doanh nghiệp đã khá chật vật trong giai đoạn đầu vận hành 3 tại chỗ cho 1.800 cán bộ công nhân viên. Vừa đảm bảo không bị đứt gãy sản xuất, vừa lo an toàn trong phòng chống dịch bệnh, vừa lo sợ đứt gãy đơn hàng vì năng suất sụt giảm.
TCM là một trong số ít doanh nghiệp dệt may duy trì được hoạt động ở giai đoạn khó khăn này, còn lại đa số tạm dừng hoạt động.
Việt Nam đã dần kiểm soát được Covid-19, doanh nghiệp bước vào phục hồi sản xuất ở trạng thái bình thường mới, tuy nhiên khó khăn chưa dừng lại với họ. Kinh tế thế giới với quá nhiều biến động đã tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.
Xung đột, căng thẳng địa chính trị gia tăng đẩy lạm phát leo thang ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU..., khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến đơn hàng của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng (thủy sản, dệt may, gỗ...).
Mặt khác, việc giá cả nguyên nhiên vật liệu và cước vận chuyển tăng vọt cũng gây áp lực chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, bên cạnh ảnh hưởng của lạm phát khiến đơn hàng xuất khẩu có xu hướng giảm, tiềm lực về vốn và tài chính của nhiều doanh nghiệp dệt may còn suy yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Về vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cũng nhìn nhận rõ những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt. Doanh nghiệp phải bám sát thị trường để có những điều chỉnh thích ứng kịp thời, tìm kiếm các đơn hàng mới ở các thị trường ít chịu ảnh hưởng của lạm phát.
Còn tại TCM, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho rằng, bước vào quý IV/2022 có thể lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh và lượng đơn hàng trong quý IV sẽ ổn hơn, đây cũng là giai đoạn bước vào mùa mua sắm cuối năm. Doanh nghiệp vẫn chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với tình hình cụ thể.
Chia sẻ về việc đối mặt với khó khăn do áp lực chi phí, ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) cho biết, biến động của giá nguyên liệu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thời điểm khi đặt mua giá nguyên liệu ở mức cao, nhưng khi hàng về đến nơi thì mặt hàng này ở thị trường quay đầu giảm khiến Công ty gặp khó khăn trong cân đối.
Đi qua khó khăn bằng sự chủ động
Có thể nói, khó khăn luôn hiện hữu trong đời sống kinh doanh, nhưng điều làm nên sự khác biệt chính là việc doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn đó như thế nào. Điều đáng ghi nhận là rất nhiều doanh nghiệp đã chọn cách chủ động đối mặt với khó khăn.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc SHE cho biết, để giảm áp lực về chi phí đầu vào khi mua nguyên liệu ở thời điểm giá cao, Công ty mua thêm nguyên liệu ở mức giá thấp để trung bình giá.
Trong khi đó, với doanh nghiệp đang đối mặt với quá nhiều khó khăn như Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng giám đốc cho biết, Công ty đang gỡ từng chỗ một. Theo đó, để tối ưu, Công ty mua toàn nhóm để có giá tốt hơn, làm việc sát với các đối tác, bao gồm cả cung cấp dự báo và tham gia giúp nhà cung cấp giảm giá thành của họ để TTF có giá đầu vào tốt hơn. Bên cạnh đó, TTF chú trọng tinh gọn toàn bộ, từ mã vật tư cho đến sơ đồ tổ chức và quy trình.
Chủ động vượt qua khó khăn, TTF đưa mục tiêu công ty tới từng cá nhân qua dự án Balanced Scorecard, đồng thời trao quyền giúp các nhà máy và đơn vị chủ động trong định hướng sản lượng, giúp việc ra quyết định nhanh trong bối cảnh thị trường biến động liên tục, nhưng vẫn giữ được chiến lược chung của Công ty.
Để đối phó với đơn hàng xuất khẩu giảm do người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực cắt giảm chi tiêu, TTF mở rộng thị trường trong nước khi hợp tác với nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn để cung cấp cho các dự án bất động sản lớn tại Việt Nam, với nhiều dòng sản phẩm như tủ bếp, sofa, nội thất khách sạn, resort và luôn chủ động thay đổi sản phẩm thích ứng với nhu cầu của thị trường.
Nhiều doanh nghiệp lại chú trọng vào công tác truyền thông nội bộ, kết nối tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ công nhân viên để tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn.
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, có quá nhiều khó khăn đã xảy ra và tính kỷ luật là điểm đột phá trong giai đoạn hoạt động 3 tại chỗ. An toàn của nhân viên, an toàn của tổ chức được đặt lên hàng đầu và nỗ lực để không gục ngã, bởi nếu gục ngã sẽ đánh mất cơ hội.
Có nhiều sáng kiến, đổi mới đã được nhân viên kiến nghị triển khai và vận hành hiệu quả, giúp bộ máy hoạt động thích ứng với diễn biến mới.
Một kỳ tích đã đến với Tân Hiệp Phát, đó là trong giai đoạn Covid-19 khó khăn nhất, Công ty đã sản xuất thành công được pallet nhựa từ nhựa tái chế. Đây là nỗ lực không ngừng của nhân viên làm việc trong bối cảnh 3 tại chỗ và là món quà mừng kỷ niệm 27 năm thành lập công ty (15/10/2021).
Tại Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX), việc chủ động tháo gỡ từng nút thắt và đồng hành với cán bộ công nhân viên trong mọi hoàn cảnh, đã giúp Công ty phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo đó, trong năm 2021, dù Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng Haxaco vẫn có sự bứt phá về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2022, theo tiết lộ của ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Haxaco, có thể kỳ vọng đạt lợi nhuận đến gần 300 tỷ đồng nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của từng thành viên.
“Ở giai đoạn khó khăn nhất (giãn cách xã hội, showroom dừng hoạt động), Công ty vẫn chăm lo cho đời sống cán bộ công nhân viên, đảm bảo mức thu nhập cho người lao động và đến khi cuộc sống trở lại bình thường, tất cả cùng chung tay đưa Công ty tăng tốc”, ông Dũng chia sẻ.
Với TCM, dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí logistic tăng mạnh, nhưng theo lãnh đạo Công ty, với nỗ lực gia tăng năng suất và cắt giảm chi phí và linh hoạt chuyển hướng kinh doanh, giúp Công ty vẫn đạt kết quả khả quan.
Theo đó, khi thị trường Mỹ và EU khó khăn, Công ty đã đẩy mạnh sang thị trường khác như châu Á. Xuất khẩu tháng 8/2022 của TCM sang châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất 56,5%, vượt qua thị trường Mỹ (chiếm 39,57%) và châu Âu (chiếm 2,2%).
Nhờ đó, doanh thu lũy kế ước tính 8 tháng năm 2022 đạt hơn 127,7 triệu USD, tăng 20% so với 8 tháng cùng kỳ năm 2021, hoàn thành khoảng 72% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,09 triệu USD, tăng 48% so cùng kỳ và đạt khoảng 75% so với kế hoạch năm.
Lãnh đạo TCM cho biết, tính đến tháng 9, Công ty đã nhận đủ đơn hàng cho quý III/2022, đã nhận khoảng hơn 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV/2022 và bắt đầu nhận một số đơn hàng cho quý I/2023.
Dù khó khăn vẫn còn, nhưng với sự chủ động đối mặt, nhiều doanh nghiệp đang tiến gần đến đích kinh doanh năm 2022, thậm chí có thể vượt kế hoạch mà đại hội cổ đông thông qua từ đầu năm.