Nghề chứng khoán không đùa với… “khách thơ”

Nghề chứng khoán không đùa với… “khách thơ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghe thế hệ sinh viên xưa, sinh viên nay chia sẻ về nghề chứng khoán mới thấy, đây quả là nghề không có chỗ cho sự… lãng mạn!

Tôi có anh bạn, 17 năm trước được coi là “dũng cảm” khi chọn theo học ngành chứng khoán tại Học viên Ngân hàng (Hà Nội). Với tôi và nhiều người khác, thời điểm đó, hai từ chứng khoán còn rất xa lạ, khó hiểu. Tôi nghĩ, người bạn của mình đang đánh cược với tương lai.

Nhưng khát khao của tuổi trẻ, muốn khám phá cái mới và nhìn thấy cơ hội lớn, khi thị trường vốn lúc đó có nhiều dư địa phát triển và nhìn ra thế giới đã có cả trăm năm phát triển, Broker bên Mỹ còn lọt vào Top 10 nghề có thu nhập cao nhất…, tất cả đã thôi thúc bạn tôi tích một dấu thi vào ngành chứng khoán…

Bạn tôi ra trường vào thời điểm khá may mắn khi TTCK bùng nổ suốt trong khoảng thời gian từ năm 2006, với VN-Index lên đỉnh tại mức hơn 1.170 điểm vào giữa tháng 3/2007, gấp đôi mức đỉnh đạt được trong năm trước đó, đã khiến những sinh viên chân ướt chân ráo mới rời ghế nhà trường, vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm thực tế không nhiều đã được săn đón từ các công ty chứng khoán đang khát nhân lực.

Sau gần 15 năm lăn lộn trên “chứng trường”, nhảy việc qua vài công ty chứng khoán, bạn tôi hiện tại vẫn theo nghề với sự tự tin, chín chắn, có trình độ hơn, mặc dù có lúc thắng, lúc thua, thăng trầm đủ cả, nhưng sống được và sống tốt với nghề là điều anh ấy vẫn luôn tự hào.

Nhận định về thế hệ trẻ đang theo đuổi nghề này, anh bạn cho rằng, sinh viên mới ra trường bây giờ tự tin, năng động, được trang bị “vũ khí” tốt hơn thế hệ của anh. Không ít bạn còn có những chứng chỉ uy tín như CFA từ rất sớm, vượt trội về sự sáng tạo, kiến thức, kỹ năng mềm được trang bị khá bài bản.

Tuy nhiên, cái thiếu của các em phần lớn vẫn là kinh nghiệm và khát khao với nghề, cộng thêm thị trường bây giờ đã khắc nghiệt, cạnh tranh hơn rất nhiều. Những điều này khiến tỷ lệ "rơi rụng", bị đào thải tương đối cao, nhất là vị trí Broker chỉ sau thời gian ngắn hành nghề.

Qua trao đổi với nhóm sinh viên tiêu biểu về ngành, nhiều em còn là những thí sinh xuất sắc nhất, những quán quân của các cuộc thi về chứng khoán lớn trên cả nước, thì tựu chung lại, tôi nhận thấy điều khiến các bạn lo lắng vẫn là sức ép cạnh tranh, khoảng cách lớn giữa kiến thức nền và trải nghiệm công việc thực tế.

Hoàng Anh Tuấn, quán quân I-Invest!2020, vốn nhận được giải thưởng là suất thực tập có lương ở một công ty chứng khoán lớn và nhiều khả năng được tuyển dụng sau đó, nhưng bạn vẫn còn nhiều băn khoăn và lo lắng.

“TTCK sức hấp dẫn rất lớn, nhưng cũng là một nơi hết sức khắc nghiệt. Thế hệ em có thế mạnh hơn các anh chị đi trước là được học và sử dụng nhiều công cụ, cũng như nhận được nhiều dữ liệu hơn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong kỷ nguyên công nghệ. Nếu không biết áp dụng công nghệ mới, thì sẽ khó để thích nghi được trong thị trường cạnh tranh như hiện nay. Do đó, chúng em buộc phải học nhiều hơn để có thể theo kịp các anh chị đi trước. Hơn nữa, chúng em còn phải chịu áp lực cạnh tranh từ các thế hệ sau khi đang học hỏi nhanh hơn, với nền kiến thức mới và giỏi hơn về công nghệ”.

Bạn Lan Hương, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Chứng khoán, Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Chứng khoán là lĩnh vực rất thú vị, chứa đựng nhiều cảm xúc. Từng dòng sự kiện của nền kinh tế, doanh nghiệp đều được thể hiện trên những nhịp nhấp nháy ở bảng giá. Nhưng thị trường cũng rất thử thách và áp lực. Điều đặc biệt là không phải cứ học giỏi, có kinh nghiệm là sẽ đảm bảo được thành công. Trong tương lai, nghề chứng khoán có lẽ còn khốc liệt hơn, khi phải cạnh tranh với nguồn nhân lực từ nước ngoài và chưa kể là sự phát triển của công nghệ sẽ dần thay thế con người. Để có thể theo đuổi, bám trụ với nghề chắc chắn cần rất nhiều nỗ lực và kiên định…”.

Tin bài liên quan