Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch Nghệ An; Phát triển không gian du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Phát triển thị trường du lịch; Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác, liên kết phát triển du lịch; Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động du lịch; Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển du lịch; Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
Trong đó, tổ chức công bố, quán triệt và triển khai thực hiện nội dung Chiến lược Phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đến các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục về du lịch trong chương trình ngoại khóa của các trường học trên địa bàn tỉnh.
Cam Vinh được trồng tại Nghệ An là sản phẩm được ưa chuộng nhất trên thị trường hiện nay bởi chất lượng và độ ngon ngọt |
Cập nhật nội dung Chiến lược Phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng huyện. Rà soát đề xuất triển khai lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Kim Liên; triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch các điểm du lịch, các khu vực trung tâm du lịch… trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng khu du lịch Kim Liên với trọng tâm là Khu di tích Kim Liên trở thành khu du lịch quốc gia là sản phẩm du lịch đặc thù của Nghệ An.
Chủ động đề xuất và phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Kim Liên, trên cơ sở đó thu hút đầu tư: Cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao; cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy nhanh tiến độ dự án Khu du lịch văn hóa thuộc “Khu di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại xã Kim Liên huyện Nam Đàn và các dự án đang được nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu để kịp triển khai thực hiện đưa vào khai thác sau năm 2025.
Tăng cường kết nối điểm đến Kim Liên với các di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước và quốc tế thông qua các chương trình du lịch chuyên đề (Hành trình theo dấu chân Bác, Về nguồn, Về miền Danh nhân, Hành trình các kinh đô Việt Cổ...), các sự kiện, hội nghị, hội thảo và hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tiếp tục quy hoạch, sắp xếp bố trí hợp lý, khoa học các điểm dừng nghỉ kết hợp với kiốt dịch vụ, trưng bày sản phẩm địa phương bảo đảm phù hợp với không gian cảnh quan của khu di tích; tích cực đa dạng hóa các tour du lịch cùng hoạt động trải nghiệm cho du khách gắn với đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, hướng dẫn du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ trong hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch. Trước mắt thực hiện trong phạm vi Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó dần mở rộng ra toàn bộ không gian khu du lịch.
Duy trì tăng trưởng ổn định thị trường khách du lịch nội địa là yếu tố then chốt, ưu tiên nhóm khách gốc Nghệ An ở trong nước và khách du lịch nội tỉnh. Chú trọng tăng nhanh việc thu hút khách du lịch quốc tế, ưu tiên nhóm khách gốc Nghệ An ở nước ngoài và nhóm khách ở các quốc gia từng là nơi hoạt động và đến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quảng bá, định vị Nghệ An là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam với thương hiệu điểm đến là các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An.
Đến năm 2025, Nghệ An là một điểm đến của du lịch trong nước và thế giới, phát triển bền vững với các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Nghệ, có môi trường du lịch xanh, an toàn, hiếu khách, thân thiện và thông minh. Làm mới và hoàn thiện đồng bộ biểu tượng và khẩu hiệu du lịch Nghệ An để quảng bá đến thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế phù hợp với xu hướng phát triển mới.
Đến năm 2030, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh bền vững, góp phần đưa Nghệ An trở thành điểm đến hấp dẫn. Đến năm 2035, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới...
Cánh đồng hoa Hướng Dương đẹp bất tận tại Trang Trại Sữa TH Truemilk Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh: sưu tầm. |
Mục tiêu phát triển bền vững
Đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An.
Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.
Mục tiêu đến năm 2025: Thu hút 8,0-8,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 250.000 lượt khách; Doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt khoảng 11.000 tỷ đồng; Chi tiêu bình quân một ngày khách khoảng 1,7-1,9 triệu đồng; Tổng số lao động làm việc trong ngành khoảng 12.430 người.
Chỉ tiêu đến năm 2030: Tổng khách du lịch khoảng 12,0-13,0 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế khoảng 0,8-1,0 triệu lượt; khách nội địa khoảng 11,2- 12,0 triệu lượt; Doanh thu từ các dịch vụ du lịch khoảng 25-30 nghìn tỷ đồng; Chi tiêu bình quân một ngày khách khoảng 2,0-2,5 triệu đồng; Tổng số lao động trong ngành du lịch 20-22 nghìn người.
Đến năm 2035: Tổng khách du lịch khoảng 18,0-20,0 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế khoảng 1,0-1,2 triệu lượt; khách nội địa khoảng 17,0-18,8 triệu lượt; Doanh thu từ các dịch vụ du lịch khoảng 40-45 nghìn tỷ đồng; Chi tiêu bình quân một ngày khách khoảng 3,0-3,5 triệu đồng; Tổng số lao động trong ngành du lịch 22-25 nghìn người.