Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên Huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.
Theo đó, trên cơ sở tái cơ cấu cổ đông, thay đổi công nghệ và tổng mức đầu tư, tại phiên họp thường kỳ tháng 2, ngày 29/02/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất chủ trương, cho phép Công ty cổ phần Galax đầu tư dự án Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.
Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, với tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò ghi Martin của Đức, kết hợp phát điện hiện đại tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, để xử lý rác thải 1.500 tấn/ngày đêm, kết hợp phát điện với tổng công suất 30MW.
Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2027, có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 20MW, công suất xử lý chất thải y tế 3 tấn/ngày đêm.
Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2030, có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 10 MW, tái chế 6 tấn nhựa PE/ngày đêm, tái chế 3 tấn dầu DO/ngày đêm.
Theo quy hoạch, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại phát sinh của vùng liên huyện gồm địa bàn: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu.
Khu liên hợp có 8 hố chôn lấp, trong đó chỉ còn 3 hố để tiếp nhận rác thải, dự kiến đến năm 2027 sẽ đầy. Do đó, với dự án này, khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải, bảo đảm môi trường với công nghệ hiện đại.
Được biết, dự án sử dụng công nghệ lò ghi cơ học kiểu Martin của Đức, kết hợp phát điện, thuộc danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao. Công nghệ này đang được sử dụng tại một số nhà máy điện rác ở Việt Nam, vì không kén chọn loại và kích cỡ rác thải, không cần phân loại rác đầu nguồn, phù hợp với thực tiễn ở nước ta hiện nay.
So với công nghệ đốt rác thông thường thì công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, như lò ghi Martin hiện đang là xu hướng chuyển đổi của các địa phương, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp và tận dụng tài nguyên rác để tái tạo năng lượng, tiến tới đóng cửa bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm nguồn nước ngầm…