Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải (Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec)

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải (Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec)

Ngày Xuân nói chuyện 'Chúc sức khỏe'

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi khi Xuân về, gia đình, họ hàng, bạn bè thân hữu gặp nhau là ta nói “Chúc mừng năm mới” và “Chúc sức khỏe”.

Bây giờ, ngoài sức khỏe thì còn có gì quan trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi chúng ta hơn. Thế nên, chúng ta cần hiểu thế nào cho đúng và ý nghĩa của việc chúc sức khỏe.

Sức khỏe là trạng thái và không thể lượng hóa được, nên nếu chúc ai đó có nhiều sức khỏe là không chính xác. Có thể chúc nhiều tiền bạc, nhiều quyền lực, nhiều đất đai, chứ nếu chúc nhiều sức khỏe chắc sẽ… ốm mất! Vì sao lại vậy?

Khi ta chúc ai đó sức khỏe, không nhất thiết phải là lời chúc đầu năm, mà có thể trong một bữa tiệc, cuộc nhậu (quả thực, khi uống rượu nhiều mà vẫn chúc nhau sức khỏe và uống tiếp thì lại phản tác dụng) là mong muốn người được chúc khỏe mạnh. Đó là một mong muốn rất tốt, nhân văn, nhưng có lẽ, ít ai khi nói ra lời chúc sức khỏe nghĩ đến liệu có thể làm gì thiết thực để có thể mang lại điều có ích hoặc đóng góp cho sức khỏe của người khác.

Chúng ta vẫn hiểu nôm na khỏe tức là không có bệnh (hoặc ít nhất chưa phát hiện có bệnh). Muốn vậy, ai cũng sẽ đồng tình là chúc sức khỏe có nghĩa là không mắc bệnh (chứ không phải chúc khỏi bệnh). Mong muốn sống không có bệnh có nghĩa là phải phòng được bệnh, làm cho người đó không mắc bệnh, mặc dù có nguy cơ. Phòng bệnh bao gồm các bệnh không lây nhiễm (như bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tự miễn…) và lây nhiễm (bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm gây ra).

Phòng các bệnh không lây nhiễm tức là loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ trong sinh hoạt, như giảm ăn muối, giảm béo phì, tăng vận động thể lực, giảm stress (yếu tố quan trọng đóng góp vào nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch).

Phòng các bệnh không lây nhiễm còn có thể là kiểm tra tình trạng cơ thể thông qua các xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch để đánh giá sự thay đổi hay phát hiện sự bất thường để từ đó có cách thức điều chỉnh, can thiệp sớm để tránh phát triển thành bệnh. Vì thế, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều rất có ích trong bối cảnh các biện pháp xét nghiệm cận lâm sàng hiện nay đã rất phát triển.

Phòng các bệnh lây nhiễm hay nhiễm trùng có hai vế.

Một là, phòng nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, ví dụ phòng nhiễm viêm não Nhật Bản bằng hạn chế muỗi đốt.

Hai là, chủ động phòng bệnh truyền nhiễm bằng vắc-xin.

Chúng ta, ai cũng biết vắc-xin là một phát kiến quan trọng của con người và nó đã giúp cứu mạng nhiều triệu người trên thế giới hàng năm. Nhờ có vắc-xin mà chúng ta đã có thể chủ động phòng được phần lớn các bệnh nhiễm trùng quan trọng, kể cả sốt xuất huyết, sốt rét.

Trong bài này, tôi không có ý định đi sâu vào phân tích tác dụng của vắc-xin trong phòng bệnh, mà chỉ nhắc đến tầm quan trọng của vắc-xin đối với sức khỏe con người (phòng bệnh truyền nhiễm).

Như vậy, chúng ta thấy được hai việc đóng góp quan trọng cho sự duy trì, ổn định sức khỏe mỗi người. Đó là định kỳ kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hữu hiệu nhất

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hữu hiệu nhất

Bây giờ quay lại lời chúc sức khỏe, liệu có ai trong chúng ta khi chúc sức khỏe có kèm theo một phiếu khám, xét nghiệm hoặc phiếu tiêm chủng đã được chi trả cho người mình vừa chúc sức khỏe không?

Tôi chắc là rất ít hoặc hầu như không, mặc dù việc này rất thiết thực, ý nghĩa (có thể là do chúng ta nghĩ rằng, điều đó chưa được “thuận” về văn hóa, thói quen hay cả quan niệm xã hội). Bây giờ, nếu ai đó chúc bạn sức khỏe và kèm theo một phiếu tiêm chủng vắc-xin miễn phí, thì cũng không nên ngạc nhiên, mà đó là một món quà rất thiết thực.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một câu chuyện của con gái tôi khi cháu được 6 tuổi và đang tập đọc. Khi đó, tôi có mang về một phiếu tiêm chủng miễn phí vắc-xin cho cháu và nói đây là phiếu nhận quà. Cháu đánh vần từng chữ, đầu tiên là “Tặng”. Cháu có vẻ phấn chấn hẳn lên vì biết là sắp được tặng một món quà. Tiếp đến, chữ thứ hai là “một” thì cháu lại càng tỏ ra hồi hộp vì chưa biết chữ sau (món quà) là gì. Đến chữ thứ ba “mũi” thì tỏ ra khó hiểu vì chưa đoán được là mũi gì. Đến chữ cuối (chắc phải cách chữ đầu hàng phút) là chữ “ tiêm” thì cháu giãy nảy lên và nói không tiêm đâu.

Câu chuyện vui đã kết thúc câu chuyện về lời chúc sức khỏe và hy vọng, chúng ta có thêm các món quà thiết thực, nhiều ý nghĩa cho người thân, bạn bè, đối tác và người được nhận sẽ rất vui vẻ vì đã được người khác góp phần chăm sóc sức khỏe.

(*) Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec

Tin bài liên quan