Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cả đời đam mê điêu khắc, hội họa

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cả đời đam mê điêu khắc, hội họa

Ngày Xuân, nghe chuyện nghệ nhân điêu khắc đôi rồng Hồ Tây

(ĐTCK) Là người con của đất Bát Tràng, Gia Lâm (Hà Nội), một địa danh nổi tiếng với nghề gốm sứ, cả sự nghiệp của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình được biết đến là một tài năng trong lĩnh vực điêu khắc, hội họa.

Nghệ nhân dân gian

Những tác phẩm của Nguyễn Văn Bình hiện diện nhiều nơi và đặc biệt là chúng rất hòa hợp với không gian văn hóa xung quanh, được cả quần chúng lẫn những người am hiểu nghệ thuật điêu khắc đánh giá cao.

Chẳng hạn, các tác phẩm điêu khắc như đôi rồng bằng gốm sứ lớn nhất Việt Nam hiện đặt ở Hồ Tây, tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ, tượng đài vinh quang người thợ mỏ ở Quảng Ninh, đôi ông hộ pháp ở làng Bát Tràng, bức tượng chân dung vị vua Hàn Quốc Sejong, bức tượng Chopin bằng đá xanh tại Vườn Cam, Hà Nội… đều được đánh giá có tính nghệ thuật cao.

Trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Văn Bình khi những ngày Tết Mậu Tuất cận kề, ông lại có thêm tin vui khi vừa được Chính phủ trao bằng khen, chứng nhận “bàn tay vàng”.

Dẫu đã bước qua tuổi 60, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Bình vẫn còn sung sức lắm. Ở ông dường như cái chất phiêu dạt của người nghệ nhân dân gian vẫn còn thấm đẫm trong lối chuyện trò hào sảng, không câu nệ. Mỗi khi nói về điêu khắc, từ ánh mắt, nụ cười đến lời nói, hành động đều lộ rõ bầu nhiệt huyết của một người cả đời tận tâm với nghề. Với ông, có lẽ điêu khắc là niềm đam mê trên hết để có thể sẵn sàng từ bỏ mọi thứ.

Nói về những giá trị của nghề điêu khắc, ông hào sảng bao nhiêu thì khi đề cập đến những thành quả của mình, Nguyễn Văn Bình lại kiệm lời bấy nhiêu. Phải tỉ tê lắm chúng tôi mới được ông lôi từ đáy tủ kính ra hàng loạt giấy chứng nhận, bằng khen, giải thưởng ở cả trong và ngoài nước.

Ông bảo, với người nghệ sĩ, chẳng có gì có giá trị cao quý và trường tồn bằng những tác phẩm để đời. Đó cũng là cái cách mà họ chứng tỏ sự tồn tại của mình. Còn các giải thưởng chỉ là những giá trị cộng thêm từ những tác phẩm đó mà thôi.

Đời sống hóa các tác phẩm

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề, Nguyễn Văn Bình luôn trăn trở về tính ứng dụng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung và đồ gốm sứ nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Chỉ có đi được vào cuộc sống, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mới có điều kiện sống đời sống thực của nó và tạo ra sức phát triển của các làng nghề.

Vượt qua nhu cầu sử dụng về văn hoá, tín ngưỡng và thẩm mỹ, đồ thủ công mỹ nghệ cần được đưa vào cuộc sống như những vật dụng hữu ích, làm phong phú thêm nếp sống Việt. Lối tư duy tôn trọng sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo hướng “tĩnh”, chỉ sản xuất để phục vụ nhu cầu thờ cúng, tâm linh, tín ngưỡng là những rào cản nhận thức khiến mặt hàng này kém sức cạnh tranh về mẫu mã trên thị trường.

“Hơn lúc nào hết, nhằm khẳng định hơn nữa tính thiết thực của mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong bối cảnh kinh tế đất nước đang trên đà hội nhập, nên chăng, Hiệp hội Làng nghề và các cơ quan ban ngành liên quan, các nghệ nhân, thợ giỏi… dành thời gian ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ những chiến lược phát triển lâu dài đ tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ cung - cầu, tạo động lực cho các nghệ nhân, thợ giỏi yên tâm sản xuất, góp phần phát triển kinh tế làng nghề”, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đề xuất.

Và tác phẩm để đời

Trong số các tác phẩm nổi tiếng của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình, tượng đài Chopin và đôi rồng gốm sứ Hồ Tây là hai tác phẩm ghi nhiều dấu ấn nhất. Pho tượng Chopin đã được Nhà nước Ba Lan ghi nhận, đánh giá cao về độ mỹ thuật, Bộ Ngoại giao Ba Lan tặng bằng khen cho ông vì những đóng góp nâng cao tình hữu nghị giữa hai nước.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Là người con sinh ra, lớn lên ở Bát Tràng nên tôi may mắn được thừa hưởng những tinh hoa của làng nghề, đặc biệt là những bí quyết nghề nghiệp từ cha ông để lại và có lẽ cái gen điêu khắc cũng từ đó mà ra”. Say men gốm sứ từ trong tiềm thức có lẽ cũng là lý do nhiều tác phẩm lớn của Nguyễn Văn Bình, dấu ấn của gốm sự hiện lên rất rõ nét. Trong số đó, tác phẩm mà ông tâm đắc nhất là “đôi rồng Hồ Tây”.

“Những thành công của tôi về gốm sứ cũng bắt nguồn từ hai ông rồng ở Hồ Tây”, nghệ nhân chia sẻ.

Đôi rồng gốm sứ được làm từ 6.000 chiếc đĩa, hơn 4.000 chiếc cốc có nước men đặc biệt, mô phỏng theo mẫu rồng thời Lý. Thân rồng dài 15 m (nếu tính cả đường uốn khúc dài 35 m), cao 8,2 m (cả bệ), đường kính 0,9 cm. Tổng trọng lượng của hai ông rồng lên đến hơn 60 tấn.

Theo thiết kế của hai ông rồng, một ông chầu hướng Bắc, một ông chầu hướng Nam, phía trước là không gian mặt nước rộng lớn, phía sau là vườn hoa Lạc Long Quân tạo một điểm nhấn đẹp. Hai ông rồng cách nhau 16 m, ngay cả bệ rồng cũng ốp gốm sứ, phù hợp với màu sắc, phối cảnh, phong thủy.

Không chỉ thu hút người dân và du khách tham quan, chiêm ngưỡng, đôi rồng còn mang ý nghĩa phong thủy. Vị trí đặt rồng đối xứng với phủ Tây Hồ, đối xứng với trục Hồ Tây - Ba Vì và trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo sự gắn kết chặt chẽ với các địa danh văn hóa. Đây là công trình tâm huyết của nghệ nhân, họa sỹ Nguyễn Văn Bình và tổ thợ gốm sứ Bát Tràng dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Tác phẩm này đạt kỷ lục Guinness Việt Nam.

“Lạ lắm, hai ông rồng được mang đi triển lãm nhiều nơi, nhưng khi được chọn địa điểm dừng chân cuối cùng là Hồ Tây thì trong quá trình lắp đặt, một ông rồng đã nhả ngọc xuống hồ (hai viên ngọc được một tư nhân cúng tiến bằng đá quý trị giá hàng trăm triệu đồng với trọng lượng 57 kg/viên)”, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình kể lại và bảo, ông coi đó là điềm lành không chỉ với cá nhân người nghệ nhân, mà còn mang đến hy vọng vào những điều lớn hơn khi “rồng đã nhả ngọc nơi đất thiêng”.

Kể từ khi được nghệ nhân Nguyễn Văn Bình và nhóm nghệ nhân Bát Tràng hoàn thiện đầu năm 2012 đến nay, đôi rồng sừng sững bên bờ Hồ Tây lộng gió đã trở thành điểm du Xuân thú vị của người dân Thủ đô và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về.             

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan