Trong phần thẩm vấn, HĐXX đã công bố nhiều tài liệu, lời khai về hành vi phạm tội của các bị cáo. Tuy nhiên, bất chấp những chứng cứ đó, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội và đổ lỗi cho nhau.
Bị cáo Bình cho rằng bị cáo không coi văn bản 09 của CIENCO5 thông báo chấm dứt hợp đồng không phải là căn cứ để chấm dứt hiệu lực hợp đồng giữa CIENCO5 và Công ty 1-5 bởi sau đó Bình và CIENCO5 đã có một cuộc họp để đàm phán lại về hợp đồng. Do đó khi bán các căn hộ của dự án Thanh Hà 2, Bình không thông báo với khách hàng về văn bản này. Hơn nữa, Bình cũng không bán đất mà là khách hàng góp vốn bởi đây là hợp đồng giao vốn.
Về hành vi sử dụng bản đồ quy hoạch của dự án ngoài luồng, không có giá trị pháp lý, chỉnh sửa trên máy vi tính in thành tài liệu Bản trích lục vị trí lô đất (có chữ ký của Bình) để lừa khách hàng, Bình khẳng định là do cấp dưới (tổng giám đốc Cường, Kế toán trưởng Thoa) làm. “Bị cáo không bán đất nên giao cả cho cấp dưới làm bởi vì các anh chị đó quen việc, còn làm như thế nào là do họ” – bị cáo Bình đổ tội.
Tuy nhiên, HĐXX “nhắc” Bình rằng nếu Bình đưa ra công văn 09 của CIENCO5 và không đưa trích lục bản đồ vào hồ sơ dự án thì liệu người dân có tin tưởng ký hợp đồng mua đất?
Với các bị cáo Cường, Thoa, các bị cáo đều khẳng định việc làm trích lục bản đồ, hoàn thiện hồ sơ đưa cho khách hàng khi bán đất là hành vi do Bình chỉ đạo, có phải là hồ sơ thật hay không và dùng để làm gì thì họ không biết. Thế nhưng hồ sơ vụ án cho thấy chính Cường là người lấy trích lục bản đồ ở một cửa hàng phô tô và đem về cho Bình xem, chỉnh sửa rồi đưa vào hồ sơ. Còn Thoa trực triếp chỉ đạo nhân viên sửa chữa bản đồ đó trên máy vi tính cho phù hợp với dự án. Cường cũng là người trực tiếp ký nhiều hợp đồng bán đất và phiếu thu.
Về bị cáo Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT PVP Land bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do đã chỉ đạo nguyên giám đốc PVP Land bán hơn 12 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế cũng như Nghị quyết của HĐQT để hưởng chênh lệch. Bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là môi giới vụ mua bán cổ phần và sau đó có hành vi giúp sức để Đào Duy Phong hưởng lợi 10 tỷ đồng.
Các bị cáo này đều thừa nhận hành vi phạm tội, bị cáo Đào Duy Phong đã nộp 10 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Bị cáo Duy đã được Bình chi 11 tỷ đồng nhưng mới chỉ khắc phục được 1,25 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, cơ quan thu giữ 402,5 tỷ đồng trong tài khoản Công ty 1-5, phong tỏa thêm một số khoản tiền khác và đã tiến hành chi trả 3 đợt cho các bị hại. Tổng số tiền cơ quan điều tra đang tạm giữ là 17,9 tỷ đồng và 11.000 USD.
Tuy nhiên còn một số tài sản chưa thu hồi được như 5,4 tỷ đồng giá trị máy móc, thiết bị Lê Hòa Bình đã đầu tư vào làm đường ở Con Cuông (Nghệ An); 5 tỷ đồng góp vốn ở Công ty Tuấn Triều để xây dựng bệnh viện ở Hải Hậu (Nam Định); 272 tấn thép Bình mua của Công ty Thịnh Vượng...
Chủ tọa phiên toà nhấn mạnh với bị cáo Duy và những người có liên quan tới tài sản chưa thu hồi được rằng bất kể họ nhận thức vì sao mà họ nhận được tài sản đó, chi trả công môi giới hay là góp vốn, mua cổ phần thì nguồn gốc số tiền mà Bình sử dụng là do phạm tội mà có. Đó là tang vật của vụ án và phải thu hồi để trả cho các bị hại. Do đó những người này có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền, tài sản nêu trên.
Đại diện các bị hại đều thống nhất yêu cầu Tòa án xử lý các bị cáo theo quy định của pháp luật và thu hồi tài sản để trả cho họ.
Ngày hôm nay 6/12, HĐXX ngừng làm việc. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 9/12.
>> Xét xử vụ Thanh Hà A: Sếp dầu khí lạm quyền
>> Xét xử vụ bán khống lớn nhất thị trường BĐS
>> Nguyên cán bộ Dự án Thanh Hà B - Cienco 5 lừa bán đất “ma”
>> Tiếp tục hoãn xử vụ án lừa bán đất tại Dự án Thanh Hà
>> Dự án Thanh Hà: Hanic là nạn nhân hay đồng phạm?
>> Dự án Thanh Hà A: Vì sao NĐT “dính bẫy”?
>> SHN giải trình về dự án Thanh Hà - Cienco 5
>> Thông tin mới về vụ lừa đảo bán đất dự án tại Công ty 1-5