Ngày thứ Năm đen tối của chứng khoán Nga khi 259 tỷ USD vốn hoá thị trường bị bốc hơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc xung đột vũ trang  Nga - Ukraine khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải hành động khẩn cấp và các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho vòng trừng phạt khó khăn nhất của phương Tây, điều này đã xóa đi 259 tỷ USD vốn hoá thị trường chứng khoán của Nga vào ngày 24/2.
Ngày thứ Năm đen tối của chứng khoán Nga khi 259 tỷ USD vốn hoá thị trường bị bốc hơi

Đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán Nga có thời điểm sụt giảm tới 45% - mức giảm lớn nhất từ ​​trước đến nay của thị trường chứng khoán nước này. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, họ sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên sau nhiều năm và thực hiện các biện pháp để chế ngự sự biến động trên thị trường tài chính.

Xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã phủ bóng đen lên các thị trường toàn cầu và làm dấy lên một luồng lo ngại rủi ro mới. Tài sản của Nga chịu đòn ảnh hưởng chính sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh thực hiện một chiến dịch “phi quân sự hóa” Ukraine, khiến quốc tế lên án và Mỹ đe dọa sẽ có thêm “các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc” đối với Moscow.

Ngân hàng Trung ương Nga không đề cập đến việc tăng lãi suất sau biến động mạnh này, nhưng cho biết họ sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng bằng cách đưa ra 1 nghìn tỷ rúp (11,5 tỷ USD) thông qua hoạt động repo.

Mức giảm của cổ phiếu và đồng rúp đã thu hẹp trong phiên giao dịch đầu giờ chiều tại Moscow. Sau khi giảm tới 9,4%, đồng rúp chỉ còn giảm 3,6% ở mức 84.2250 vào lúc 12:59 tối (theo giờ phương Tây). Chỉ số MOEX đã giảm mức lỗ xuống còn 25%.

Sau đó, cả Sở Giao dịch chứng khoán Moscow và Saint Petersburg đã ra thông báo ngừng giao dịch và không thông báo ngày giao dịch trở lại.

Cho đến nay, phản ứng của ngân hàng trung ương đã có sự khác biệt nhiều hơn so với 8 năm trước khi cuộc xung đột ở Ukraine lần đầu tiên bùng phát.

Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất vào ngày làm việc đầu tiên sau khi Quốc hội Nga thông qua việc sử dụng quân đội ở Ukraine vào năm 2014. Với việc giá dầu giảm vào cuối năm đó, Ngân hàng Trung ương Nga cuối cùng đã nâng lãi suất chủ chốt lên 17% nhằm xoa dịu một cuộc khủng hoảng tiền tệ.

Theo Piotr Matys, chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại InTouch Capital Markets, việc gia tăng chi phí đi vay có thể là điều không cần bàn cãi ngay từ bây giờ, mặc dù quyết định tăng lãi suất trong tương lai phụ thuộc vào giá đồng rúp như thế nào.

Ngân hàng trung ương có thể được yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn nếu các công ty và ngân hàng lớn của Nga là mục tiêu của phương Tây. Trong một tuyên bố vào tối ngày 24/2, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông sẽ công bố "những kết quả khác" đối với Nga ngoài các lệnh trừng phạt được công bố hồi đầu tuần.

Tin bài liên quan