Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa - Ảnh: Internet

Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa - Ảnh: Internet

Ngày thứ hai xét xử Huỳnh Thị Huyền Như: Thẩm vấn bị cáo

(ĐTCK) Sáng ngày 17/12, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Huyền Như sẽ là bị cáo đầu tiên bị chủ tọa phiên tòa xét hỏi về các hành vi phạm tội.

Trước đó, chiều ngày 6/1, 2 đại diện Viện KSND TP. HCM thay nhau công bố bản cáo trạng đối với Huỳnh Thị Huyền Như và 22 bị cáo.

Theo đó, kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank (chi nhánh TP. HCM) đã vay cá nhân trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, đến năm 2010, do kinh doanh bất động sản thua lỗ nhưng phải trả lãi suất cao, Huyền Như đã không thể trả được nợ.

Với vị trí Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên của Ngân hàng Vietinbank, nắm được nghiệp vụ ngân hàng và có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền từ ngân hàng đi các đơn vị doanh nghiệp, hạn mức 50 tỷ đồng/lệnh, nên Huyền Như đã nghĩ cách lợi dụng để huy động tiền.

Huyền Như giả danh Vietinbank Nhà Bè và Chi nhánh TP. HCM để huy động tiền và thuê làm giả con dấu đứng tên các đơn vị như Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank –Berjaya. Bà Như cũng làm giả tài liệu của VietinBank Nhà Bè và Chi nhánh TP. HCM và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 4.911,3 tỷ đồng. Đến thời điểm khởi tố vụ án, còn chiếm đoạt 3.986,2 tỷ đồng.

Đơn cử trường hợp của Công ty Thái Bình Dương, Huyền Như biết công ty này  có nguồn tiền muốn gửi và đã đàm phán với giám đốc Phạm Anh Tuấn của công ty này để huy động tiền về Vietinbank. 

Trong hơn một năm, từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2011, bà Như đã làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn và giữa Vietinbank Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương, ký giả chữ ký của giám đốc để huy động số tiền khủng lên tới 1.493 tỷ đồng, lãi suất trong hợp  đồng từ 10,49% đến 14%, lãi suất chênh lệch từ 1% - 4%.

Cùng với thủ đoạn tương tự, bà Như đã tiếp cận và đàm phán với 3 công ty gồm Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên huy động 2.496 tỷ đồng với lãi suất từ 18 – 22%/năm tùy số lượng tiền gửi. Đến nay còn chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng.

CTCK Saigonbank – Berjaya (SBBS) bị chiếm đoạt 210 tỷ đồng. CTCK Phương Đông (ORS) và CTCP Đầu tư An Lộc đã gửi vào Vietinbank TP. HCM 1.860 tỷ đồng, còn bị chiếm đoạt 550,3 tỷ đồng.

Ngoài ra còn nhiều pháp nhân khác như Ngân hàng ACB (bị chiếm đoạt 701,8 tỷ đồng, Bảo hiểm Toàn cầu (125 tỷ đồng), Ngân hàng Navibank (200 tỷ đồng) VIB TP. HCM (180 tỷ đồng), Công ty ZenPlaza (45,5 tỷ đồng)

Để “gạt” được các công ty nói trên tin tưởng gửi tiền, thủ đoạn của bà Như là dùng hợp đồng giả, ký giả chữ ký ông Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè, người sau này bị khởi tố cùng với bà Như rồi đóng dấu thật vào hợp đồng.

Huyền Như yêu cầu các công ty mở tài khoản tại Vietinbank. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản, bà Như đã ký giả các lệnh chi để trả tiền cho các khoản vay đến hạn đã vay trước đó.

Huyền Như bị truy tố hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức khung hình phạt 20 năm tù giam đến chung thân cho số tiền thiệt hại lên tới hơn 3.900 tỷ đồng.

22 bị cáo khác bị truy tố với các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng, Cố ý làm trái, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, ngoài cáo trạng, đại diện Viện kiểm sát cũng công bố thêm cáo trạng bổ sung trong đó xác định thêm một số bị hại trong vụ án này, đồng thời công bố đính chính cáo trạng về căn cứ pháp lý của vụ án.

Tin bài liên quan