Mở đầu phiên xét xử phúc thẩm ngày thứ 3, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bên liên quan trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (210 tỷ đồng) của bị cáo Huyền Như tại CTCP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS).
Bị cáo Như khai tại tòa, thông qua nhân viên CTCK là Vũ Minh Hải và kế toán trưởng SBBS là Vũ Thị Mỹ Linh, bị cáo biết được công ty có nguồn tiền lớn muốn gửi và đề nghị gửi vào VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh với lãi suất cao hơn so với quy định từ 2-6% năm.
Để chiếm đoạt được số tiền này, Như đã yêu cầu Công ty SBBS mở tài khoản tại VietinBank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Khi Công ty SBBS chuyển tiền vào tài khoản của mình tại Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, bị cáo Như đã làm giả các lệnh chi để chuyển trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như đã vay trước đó, chiếm đoạt 210 tỷ đồng.
Số tiền được chuyển ra thông qua tài khoản của bà Vũ Thị Thơm, là mẹ chồng của bị cáo Tuyết Anh (nhân viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank). Đối với lệnh chi, bị cáo Như cũng khai rằng, trong việc làm này, Như không bàn với giao dịch viên Tuyết Anh.
Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Tuyết Anh về mối quan hệ của bị cáo và bà Thơm, giữa bà Thơm và SBBS và có giấy ủy quyền nhận tiền từ SBBS không; có biết lệnh chi cho mẹ chồng mình nhận tiền là giả hay không?... Các câu trả lời đều là “không”.
Đại diện Công ty SBBS cũng cho biết từ lúc mở tài khoản tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, công ty chưa bao giờ ủy quyền cho bà Thơm nhận tiền của SBBS.
Theo chỉ đạo của bị cáo Như, bị cáo Tuyết Anh đã thực hiện xác thực và giải ngân 55 khoản vay với tổng số tiền hơn 254 tỷ đồng cho 15 khách hàng, tài sản thế chấp là 42 thẻ tiết kiệm trị giá gần 266 tỷ đồng. Bị cáo Tuyết Anh thực hiện trong khi hầu hết hồ sơ thiếu chữ ký của khách hàng vay và người có tài sản bảo lãnh; giải ngân theo lệnh chi đã có sẵn chữ ký của khách hàng do Huyền Như cung cấp mà không có mặt khách hàng. Do đó đã không phát hiện đó không phải là chữ ký của họ.
Đại diện Ngân hàng VietinBank cũng thừa nhận đến khi có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì mới biết những hồ sơ mà Huyền Như làm là giả.
Theo đó, bị cáo Như thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn dùng thẻ tiết kiệm mang tên 11 cá nhân (nhân viên Ngân hàng ACB) để dùng thế chấp vay tiền, ký giả chữ ký của người vay và người có tài sản bảo lãnh; ký giả chữ ký của chủ tài khoản trên lệnh chi; chiếm đoạt được 254,6 tỷ đồng.
Cũng trong ngày xét xử hôm nay, HĐXX đã thẩm vấn đối với hành vi chiếm đoạt gần 125 tỷ đồng của CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu và 170 tỷ đồng CTCP Đầu tư An Lộc.
Tại phần thẩm vấn, đại diện Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (nguyên đơn dân sự) cho rằng, Ngân hàng VietinBank hoạt động quản lý lỏng lẻo, không giám sát quy trình do chính VietinBank ban hành. Khi chuyển tiền của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu ra khỏi tài khoản của công ty, bị cáo Như không có bất cứ chứng từ nào. Vậy vai trò giám sát của VietinBank ở đâu?.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu hỏi đại diện Vietinbank: “Trong phần thẩm vấn hôm trước, đại diện Vietinbank nói không có trách nhiệm với tiền gửi qua tài khoản thanh toán, trong khi số tiền Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu là tài khoản tiền gửi, vậy Vietinbank có chịu trách nhiệm không?”.
Đại diện Vietinbank cho biết không chịu trách nhiệm.
Luật sư hỏi tiếp: “Số tiền 125 tỷ Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu chuyển vào tài khoản thanh toán Vietinbank, nếu ngân hàng không được sử dụng thì số tiền đó có được trả lại không?”.
Đại diện Vietinbank cho rằng, theo đánh giá của ngân hàng, tài khoản đó là tài khoản giả, toàn bộ động cơ mục đích của bị cáo Huyền Như là để chiếm đoạt. Còn Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu vì lợi ích cá nhân mà thực hiện mở tài khoản bất hợp pháp, đồng thời buông lỏng quản lý, không theo dõi các biến động của tài khoản để xảy ra vụ việc. Do đó, Vietinbank không chịu trách nhiệm về số tiền gửi của công ty bị Huyền Như chiếm đoạt.
Người đại diện của Ngân hàng VietinBank nói tại tòa, trách nhiệm hình sự thì cá nhân nào vi phạm, cá nhân đó phải chịu, phiên tòa này không xem xét trách nhiệm dân sự.
Một nguyên đơn dân sự khác là CTCP đầu tư và thương mại An Lộc cũng trình bày kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Vietinbank chịu trách nhiệm về việc công ty này bị chiếm đoạt 170 tỷ đồng và khoảng 13 tỷ đồng tiền lãi tính từ tháng 8/2011 đến nay.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc cho rằng để xảy ra vụ việc, Vietinbank cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng như câu trả lời với Hoàn Cầu, đại diện Ngân hàng VietinBank cho rằng, tài khoản thanh toán do Công ty An Lộc mở tại VietinBank chi nhánh TPHCM là chưa hợp lệ, giữa ngân hàng và Công ty An Lộc chưa phát sinh quan hệ gửi - giữ tiền nên ngân hàng không chịu trách nhiệm.
Sang phiên làm việc buổi chiều, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank thẩm vấn Công ty An Lộc trách nhiệm của An Lộc trong việc theo dõi số dư.
Công ty này cho biết, việc theo dõi số dư của khách hàng là trách nhiệm của ngân hàng. Luật sư dẫn một số văn bản về trách nhiệm của chủ tài khoản đối với tài sản thì đại diện An Lộc cho biết không rõ vấn đề này. Cũng trả lời câu hỏi luật sư về việc An Lộc đã bao giờ cử nhân viên đến Vietinbank để kiểm tra tài khoản hay chưa, đại diện An Lộc trả lời “không rõ”.
Đối với hành vi chiếm đoạt của Công ty chứng khoán Phương Đông, HĐXX xem xét người giúp sức cho Huyền Như ký vào lệnh chi. Tuy nhiên do những người triệu tập liên quan đến vấn đề này không có mặt tại tòa, nên HĐXX dừng thẩm vấn vấn đề này.
Tại tòa, đại diện công ty Phương Đông yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại tư cách tham gia tố tụng công ty. Hiện tài khoản của công ty tại Vietinbank vẫn còn nhưng không sử dụng số dư. Công ty này yêu cầu Vietinbank hoàn trả gốc và lãi đã gửi vào tài khoản bị Huyền Như chiếm đoạt 380 tỷ.
Tương tự câu trả lời với các nạn nhân trong vụ án này được xem xét trước, đại diện Vietinbank từ chối việc bồi thường vì cho rằng đây là bị cáo Huyền Như gian dối lừa tiền, giao dịch này là bất hợp pháp.
Bị cáo Huyền Như thừa nhận việc mở tài khoản với công ty Phương Đông tại Vietinbank là hợp lệ và đã dùng các lệnh chi giả để lấy tiền của công ty Phương Đông. Để đối phó với đoàn kiểm tra Vietinbank, Như đã liên hệ với Tổng giám đốc Phương Đông với lý do chuyển từ không có kỳ hạn sang có kỳ hạn. Ngoài ra, bị cáo cũng xác nhận với đại diện Viện Kiểm sát ngoài lãi suất trả theo hợp đồng giữa Vietinbank với Phương Đông thì lãi chênh lệch thỏa thuận thêm là cá nhân bị cáo trả.
Truy xét về quá trình thanh kiểm tra đối với Vietinbank, đại diện ngân hàng này xác nhận, có thực hiện thanh kiểm tra tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ và việc kiểm tra rất nhiều đoàn chứ không phải một lần. Tuy nhiên do việc kiểm tra theo kiểu chọn mẫu ngẫu nhiên nên không thể phát hiện ra ngay.
HĐXX tiếp tục xem xét kháng cáo của các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt của Huyền Như tại Ngân hàng VIB. Bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh, chị gái của Huyền như khóc và nói, không biết Huyền Như đã lừa cả chị gái mình. Mỹ Hạnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì mẹ đã già, có 3 con nhỏ. Bị cáo muốn xin được giảm án để sớm về nuôi con nhỏ.