Lo lắng về sự bất ổn định của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như các thị trường mới nổi, ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, phố Wall đã chứng kiến làn sóng bán tháo ồ ạt một cách hỗn loạn. Chỉ trong ít phút, chỉ số Dow Jones đã giảm tới 1.089,4 điểm, trong khi chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng tới 41,6% và tăng tới 205,4% so với cách đó 1 tuần.
Sự hỗn loạn trên phố Wall là điều dễ hiểu khi chứng kiến cảnh bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu vừa kết thúc trước đó mấy tiếng.
Tuy nhiên, sau ít phút đầu hoảng loạn, tâm lý nhà đầu tư cũng đã bớt lo sợ hơn, giúp đà lao dốc của thị trường được hãm bớt trở lại, nhưng cũng không đủ giúp phố Wall tránh khỏi phiên giảm mạnh như các thị trường chứng khoán khác.
Kết thúc phiên 24/8, chỉ số Dow Jones giảm 588,40 điểm (-3,57%), xuống 15.871,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 77,68 điểm (-3,94%), xuống 1.893,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 179,79 điểm (-3,82%), xuống 4.526,25 điểm.
“Ngày thứ Hai đen tối” cũng bao trùm chứng khoán châu Âu. Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm gần 8,5%, các thị trường khác ở châu Á cũng đồng loạt giảm kỷ lục, thêm vào đó, các đồng tiền châu Á cũng giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã khiến chứng khoán châu Âu chao đảo trong ngày đầu tuần.
Ngay khi mở cửa, hoạt đông bán tháo đã diễn ra khiến các thị trường giảm hơn 2%, đà giảm sau đó mỗi lúc một nới rộng và chốt phiên, các thị trường chính của chứng khoán châu Âu đều giảm trên dưới 5%, xuống mức thấp nhất 7 tháng.
Kết thúc phiên 24/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 288,87 điểm (-4,67%), xuống 5.926,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 476,09 điểm (-4,70%), xuống 9.648,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 247,53 điểm (-5,35%), xuống 4.383,46 điểm.
Chứng khoán châu Á đã châm ngòi cho sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán toàn cầu, mà bắt nguồn từ chứng khoán Trung Quốc. Những lo ngại về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến đã khiến nhà đầu tư ồ ạt bán ra trên thị trường chứng khoán. Xu hướng này đã hình thành từ tháng trước, nhưng nhờ có sự can thiệp mạnh tay của Bắc Kinh, nên sự đỗ vỡ đã không diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, xem ra các biện pháp này không phát huy hết tác dụng khi sau đó, chỉ số Shanghai Composite lại có những phiên giảm mạnh. Điển hình là trong phiên đầu tuần mới (24/8), chỉ số này đã giảm tới 8,49%, mức giảm mạnh nhất trong 8 năm.
Việc chứng khoán Trung Quốc lao mạnh đã phủ bóng đen lên các thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 4,6%, xuống mức thấp nhất 6 tháng, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng mất tới hơn 5%, phiên giảm thứ 7 liên tiếp.
Kết thúc phiên 24/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 895,15 điểm (-4,61%), xuống 18.540,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.158,05 điểm (-5,17%), xuống 21.251,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 297,84 điểm (-8,49%), xuống 3.209,91 điểm.
Tưởng chừng sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán sẽ giúp giá vàng tăng mạnh, nhưng thật bất ngờ, giá vàng lại quay đầu giảm. Theo phân tích của các chuyên gia, tâm lý hoảng loạn đã lây lan khắp toàn cầu, vai trò trú ẩn của vàng cũng không còn phát huy như cuối tuần trước, bởi hiện nhà đầu tư không còn bán những gì mình muốn bán, mà họ chỉ bán những gì mình có thể bán.
Kết thúc phiên 24/8, giá vàng giao ngay giảm 5,5 USD (-0,47%), xuống 1.154,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,2 USD (-0,45%), xuống 1.154,4 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, việc nền kinh tế thế giới đang đứng trước bờ vực khủng hoảng, trong khi nguồn cung lại đang dư thừa khiến giá nhiên liệu này lao mạnh.
Kết thúc phiên 24/8, giá dầu thô Mỹ giảm 2,21 USD/thùng (-5,78%), xuống 38,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,77 USD (-6,49%), xuống 42,69 USD/thùng.