Cải cách thể chế được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu

Cải cách thể chế được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu

Ngày Quốc khánh, ngẫm về cuộc cách mạng kinh tế

(ĐTCK) 70 năm trước, Việt Nam đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Giờ đây, trước nguy cơ tụt hậu, chậm phát triển, chúng ta cần phải thực hiện cuộc cách mạng kinh tế, cuộc cách mạng về thể chế như một mệnh lệnh sống còn. Đây là cuộc cách mạng đặc biệt quan trọng với chủ thể chính là doanh nghiệp, doanh nhân.

Sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 nước kém phát triển nhất và cách nhóm ASEAN 6 một khoảng cách không nhỏ. Có nhiều lợi thế lớn như lực lượng lao động trẻ, dồi dào, tài nguyên phong phú…, vậy tại sao chúng ta vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines? Câu trả lời chính là sự hạn chế của thể chế kinh tế.

Nhận thức sâu sắc việc cải cách thể chế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 12/3/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, với quyết tâm đưa năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vươn lên ngang bằng với các nước ASEAN 4, sau 3 năm.

Ngày Quốc khánh, ngẫm về cuộc cách mạng kinh tế  ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
 

Tự đặt mình trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt để nhận ra các điểm yếu, Nghị quyết 19/NQ-CP ra đời với cách tiếp cận mới về thể chế, lấy xếp hạng của Word Bank làm thước đo xem Việt Nam đang nằm ở đâu, quốc tế đánh giá thế nào về chúng ta và đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, như giảm số giờ nộp thuế từ 872 giờ/năm xuống còn 171/năm; giảm thời gian đăng ký kinh doanh từ 14 ngày xuống còn tối đa là 6 ngày, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng từ 115 ngày xuống còn tối đa 70 ngày; giảm thời gian xuất khẩu/nhập khẩu từ 21 ngày xuống 14 ngày...

Có thể nói, Nghị quyết 19/NQ-CP là bước đột phá, là cuộc cách mạng về cải cách môi trường kinh doanh, với các chỉ tiêu và mốc phấn đấu cụ thể, có so sánh, đánh giá rõ ràng, lấy chỉ tiêu tương tự của các nước trong khu vực làm mốc phấn đấu, đồng thời lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xuống nhiều bộ, ngành, trong đó có Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chỉ đạo thực hiện với tinh thần vào cuộc quyết liệt và nghiêm túc nhất. Với tinh thần đó, các bộ, ngành đã tập trung rà soát hệ thống văn bản pháp luật, loại bỏ những thủ tục không cần thiết trong thẩm quyền cho phép, đồng thời kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội kịp thời sửa đổi luật, ban hành nghị định với tinh thần duy nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển. Sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều bộ, ngành đã triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 19/NQ - CP, đặc biệt là Bộ Tài chính đã sửa đổi các thông tư về thủ tục nộp thuế, giúp doanh nghiệp cắt giảm được 420 giờ làm thủ tục thuế/năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thuế, nộp thuế qua mạng để hạn chế những kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực. Đến nay, 97% doanh nghiệp đã kê khai, 70% doanh nghiệp đã nộp thuế qua mạng và chúng ta đang đặt mục tiêu phấn đấu 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế qua mạng… Những thay đổi này đang phát huy tác dụng tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.

70 năm trước, khi trở về Hà Nội, Bác đã sống, làm việc và viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong gia đình của một doanh nhân. Ngày 18/9/1945, Bác tiếp giới doanh nhân tại Phủ Chủ tịch với tư cách giới chức đầu tiên sau Cách mạng. Bác đã kêu gọi giới doanh nhân đóng góp tiền của ủng hộ ngân sách Chính phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, các nhà tư sản dân tộc đã đóng tích cực ủng hộ Chính phủ Cách mạng…

Trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945, Bác Hồ đã gọi doanh nhân là “các ngài”: “Gửi các ngài trong giới công - thương”. Trong thư, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người cũng thể hiện sự ủng hộ đối với giới công thương: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân đã khác. Ở nhiều địa phương, chính quyền đã dùng từ phục vụ doanh nghiệp và từ phía doanh nghiệp đã không còn dùng từ “xin - cho”, thay vào đó là yêu cầu, kiến nghị khi làm việc với chính quyền. Tại các cuộc giao ban của nhiều tỉnh, thành phố, nội dung hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nên là vấn đề quan tâm giải quyết đầu tiên. Điều đó cho thấy chính quyền địa phương đã coi vấn đề của doanh nghiệp rất quan trọng.

Khi Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt  Nam, tôi và các doanh nhân xin gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin Đại tướng gọi các doanh nhân là người lính, Đại tướng rất hài lòng. Bức thư cuối cùng Đại tướng để lại cho đời là gửi giới doanh nhân. Ông viết: “Đội ngũ doanh nhân đã khẳng định vai trò nhạc trưởng, dẫn dắt nền kinh tế”…

Cùng với Nghị quyết 19/NQ - CP, những năm qua, sự hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển từ phía Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là rất cụ thể, rõ ràng, thông qua nhiều chính sách gỡ khó, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Về phần mình, các doanh nghiệp, doanh nhân cần phải có tinh thần cách mạng, không ngừng tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn mình ra thế giới.

Doanh nghiệp, doanh nhân cần tham gia tích cực vào việc đóng góp xây dựng chính sách, không coi đó là nhiệm vụ của chính quyền. Thứ hai, cần chuẩn bị tâm thế trong cuộc chơi sòng phẳng, nắm thông tin hội nhập, phân tích được tác động của các cam kết quốc tế đến từng ngành hàng, xây dựng được kế hoạch kinh doanh gắn với chuỗi giá trị… Doanh nghiệp phải kinh doanh bài bản, thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc làm ra sản phẩm. Thế giới ngày nay coi trọng các sản phẩm có đạo đức, không gây tổn hại đến môi trường, người lao động. Bởi vậy, khi hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, đối tác nước ngoài thường xem quy trình làm ra sản phẩm có đàng hoàng, có văn hóa hay không, chứ không phải các doanh nghiệp cứ mải mê tập trung kiếm nhiều tiền, sau đó lại làm từ thiện. Thứ ba, doanh nghiệp đừng quên thị trường nội địa và nên chú ý tập trung vào các sản phẩm thiết yếu cho người dân...

Xin kết lại bài viết bằng câu nhắn nhủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mong rằng các doanh nghiệp sẽ giữ vững ý chí, nghĩ những việc chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ…, xứng danh với lịch sử vẻ vang của dân tộc”.

Tin bài liên quan