Tại buổi họp báo ngày 7/9 vừa qua, ông Nguyễn Trung Thành, Tổng giám đốc CTCP Truyền thông ASEAN C&C, đơn vị tổ chức truyền thông và điều phối sự kiện cho biết, Ban tổ chức đã tiến hành cho thuê gian hàng với nhiều đơn vị, đã có 50 chủ đầu tư đăng ký tham gia chương trình. Dự kiến, chương trình sẽ có quy mô 500 vị trí tư vấn bán hàng trực tiếp, thu hút sự tham gia trên 10.000 lượt người có nhu cầu mua nhà, đạt 1.000 giao dịch.
Tuy nhiên, theo xác nhận của Sở Công thương Hà Nội, đến ngày 9/9, đơn vị này vẫn chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép tổ chức Ngày hội mua nhà giá gốc. Ông Nguyễn Văn Đồng, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, theo quy định, thương nhân phải đăng ký trước 30 ngày tổ chức sự kiện. Đại diện Sở Công thương Hà Nội khẳng định, Sở không thể xét tổ chức sự kiện vào ngày 24 - 25/9/2011.
Trong khi đó, trao đổi với ĐTCK chiều 8/9, ông Nguyễn Huy Du, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Truyền thông ASEAN C&C cho rằng, trước ngày 24/9, Ban tổ chức có giấy phép là được!
"Cũng như giấy phép tổ chức họp báo, trước lúc họp thì mình chìa giấy phép ra là đủ. Khi diễn ra, đơn vị nào cần thì chúng tôi chuyển. Chúng tôi làm từng bước một”, ông Du nói.
Hàng ế đem bán?
Không ít ý kiến cho rằng, do thị trường bất động sản ế ẩm nên Ngày hội mua nhà giá gốc được tổ chức để thu hút nhà đầu tư, nhằm tiêu thụ hàng ế, đánh vào tâm lý được mua với giá gốc.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện tại, nhu cầu tìm mua nhà tại Hà Nội phổ biến ở diện tích 60 - 80 m2, căn hộ 2 phòng ngủ, giá tiền 20 - 22 triệu đồng/m2 trở xuống. Những dự án đáp ứng tiêu chí này và có vị trí ở các quận ven đô hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay như Tân Tây Đô (còn 1 tòa nhà khoảng hơn 200 căn hộ), Tân Việt… Nếu hiểu giá gốc là giá do chủ đầu tư chào bán, khách hàng mua không phải trả tiền chênh, thì hiện có nhiều dự án khách hàng có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đó chủ yếu là những dự án căn hộ cao cấp, có giá ít nhất cũng trên 30 triệu đồng/m2, dưới mức giá đó thì dự án ở vị trí không thuận tiện.
Tại Hà Nội, phần lớn dự án mà khách hàng có nhu cầu mua được giá gốc là do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Chỉ khi thị trường ế ẩm, những dự án này mới được chào bán rộng rãi ra thị trường, chẳng hạn như Dự án Khu đô thị Việt Hưng, Khu đô thị Văn Quán của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) trước đây. Hiện tại, số dự án do các doanh nghiệp nhà nước triển khai bán hàng không nhiều. Với những dự án giá cao, khó bán được hàng, khách hàng có thể đến trực tiếp sàn giao dịch của chủ đầu tư mua với giá gốc, đơn cử như Dự án Spendora (liên doanh Vinaconex - Posco). Đại diện Vinaconex cho hay, họ không có ý định mang sản phẩm Spendora đến Ngày hội mua nhà giá gốc.
Theo một số môi giới cũng như nhà đầu tư bất động sản, với những dự án đang được chào mua trên thị trường, phần lớn đã được doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán với khách hàng, thực hiện qua các sàn giao dịch bất động sản. Do đó, sản phẩm mang đến Ngày hội mua nhà giá gốc sẽ chủ yếu là hàng ế, khó bán trên thị trường.
Băn khoăn giao dịch
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đặt câu hỏi, ai sẽ là người thẩm định sản phẩm đưa ra tại sự kiện đó như giá gốc, tính pháp lý, chất lượng? Đơn vị nào sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi những thông tin quảng cáo, tiếp thị trước và trong khi diễn ra sự kiện là không chính xác?
Ông Cường còn quan ngại, việc tổ chức các hoạt động bán hàng như vậy không có sự tham gia thẩm định, quản lý giám sát của các cơ quan chức năng, trong khi đây lại là ngành kinh doanh có điều kiện, có thể gây ra những hệ luỵ khó lường.
Trao đổi với ĐTCK, một chuyên viên Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, thông tin Bộ Xây dựng đứng ra bảo trợ cho sự kiện Ngày hội mua nhà giá gốc là không chính xác, dễ gây hiểu nhầm cho người dân là tính pháp lý của các sản phẩm tại sự kiện này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Đây hoàn toàn là một hoạt động do các doanh nghiệp đứng ra tổ chức.
Theo thông báo của Ban tổ chức, đến ngày hội, khách hàng có thể mặc cả hoặc chủ đầu tư khuyến mại thì khách hàng có thể mua được hàng dưới giá gốc. Vậy đâu sẽ là giá chuẩn, có hay không tình trạng chủ đầu tư tăng giá bán thêm vài phần trăm, sau đó lại tung chiêu hỗ trợ, chiết khấu cho khách hàng?
Về vấn đề giá gốc, theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, giá do chủ đầu tư dự định từ trong dự án đầu tư của họ cộng thêm tỷ suất lợi nhuận ra một cái giá dự định bán và gọi đó là giá gốc. Chữ "gốc" dễ làm cho người ta ngộ nhận đó là giá thành (giá vốn). Giá gốc có thể được hiểu là giá không qua trung gian. Thời điểm này, phải là bán hạ giá, chứ không phải là bán giá gốc.
Ông Liêm cho biết: "Theo tính toán của tôi về giá thành nhà hiện nay, chi phí xây dựng đầu tư hạ tầng và chi phí quản lý bình thường của một chung cư, giá vốn nhiều lắm cũng chỉ 15 - 20 triệu đồng/m2".
Theo ông Liêm, định giá và thẩm định chất lượng phải là người được Bộ Xây dựng hay Bộ Tài chính cấp giấy phép hành nghề thì mới đủ độ tin cậy.
Ông Liêm khuyến nghị, với bất động sản, người mua ít thông tin hơn người bán, cho nên người mua cần có tư vấn cho mình. Không nên đặt niềm tin vào người bán, vì có thể họ nói bán lỗ, bán giá gốc, nhưng khó có thể kiểm chứng thực hư.
Các ý kiến đều cho rằng, tạo cầu nối để chủ đầu tư và khách hàng gặp nhau trong thời điểm thị trường bất động sản ảm đạm là điều cần được khuyến khích. Nhưng tạo cầu nối với nhiều điểm còn băn khoăn nêu trên thì không khéo "lợi bất cập hại".