Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Đó là thực tế được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, chiều 24/3.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả bước đầu giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, được tổ chức vào chiều 24/3.
Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022.
Báo cáo vừa chậm vừa sơ sài
Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trong danh sách này có Bộ Công thương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...
Cũng cần phải nói thêm rằng, không phải chỉ báo cáo phục vụ giám sát chuyên đề, mà báo cáo Quốc hội định kỳ hàng năm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng luôn luôn điểm danh nhiều bộ, ngành, địa phương chậm hoặc không gửi báo cáo. Vì thế, bức tranh tổng thể về lĩnh vực này chưa bao giờ thực sự đầy đủ.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh, hàng năm, Chính phủ đều có báo cáo gửi Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, và rất nhiều các bộ ngành địa phương gửi chậm hoặc không gửi báo cáo đúng hạn, số gửi đúng hạn rất ít.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, phải làm rõ lý do các nơi chưa gửi báo cáo và có chế tài xử lý để lập lại kỷ cương.
Bên cạnh thời gian, chất lượng báo cáo, theo đánh giá của Đoàn giám sát cũng không đảm bảo yêu cầu của Đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài.
Cụ thể, nội dung báo cáo của các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được (cơ bản thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí). Phần tồn tại, hạn chế hầu hết các bộ, ngành, địa phương chỉ nêu nhận định chung chung, không báo cáo cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát, không định lượng cụ thể số liệu thất thoát, lãng phí trong khi Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn báo chí nêu rất nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm trong lĩnh vực này.
Cho rằng, nếu chỉ giám sát qua báo cáo thì các nơi phải báo cáo rất hiếm khi nêu hạn chế của chính mình, bà Nga đề nghị có thể mở rộng giám sát thực tế, nhiều hơn 6 tỉnh, thành mà Đoàn giám sát dự kiến.
Giám sát phải có diện, có điểm
Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Đoàn giám sát đánh giá còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Tài chính tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2021, vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được phát hiện và xử lý là 12.640 vụ; tổng giá trị các vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, hạn chế còn ở khâu lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng; số tiền vi phạm đã xử lý, cắt giảm dự toán hơn 8.574 tỷ đồng.
Tổng 6 năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện; số tiền vi phạm đã phát hiện là 883,2 tỷ đồng. Số vốn chậm giải ngân so với kế hoạch là 25.185,4 tỷ đồng.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, cần tập trung giám sát trong lĩnh vực đất đai và những dự án dang dở nằm phơi mưa phơi nắng, gây ra lãng phí rất lớn.
"Ngay tại Hà Nội cũng có những khu đô thị cỏ mọc lút đầu, 10 năm chỉ có 1 nhà ở, còn đâu bỏ hoang", bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, chỉ khi nêu rõ địa chỉ trách nhiệm mới tạo chuyển biến sau giám sát, còn nếu vẫn chung chung như có nơi, có lúc... thì sau giám sát cũng sẽ không có chuyển biến.
Đồng ý với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giám sát vừa phải toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, càng dàn trải càng khôg có hiệu quả. Hậu quả lãng phí rất lớn, nên giám sát phải tập trung vào hành vi lãng phí, đôi khi lãng phí còn lớn hơn cả các vụ tham nhũng lớn. Lần này, từng tỉnh phải báo cáo đất nông nghiệp để hoang hoá là bao nhiêu, bao nhiêu dự án treo, sau này nếu báo cáo cáo sai phải chịu trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Vẫn theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, cứ theo các loại việc cụ thể mà quy trách nhiệm. Chẳng hạn ở Gia Lai - Đắk Lắk "có những công trình thuỷ lợi hơn 3.000 tỷ bạc làm xong 7 đời vẫn không tưới được thì trách nhiệm của ai, lãng phí nhiều hay ít".
Cần làm rõ một số vụ việc điển hình có số liệu cụ thể, có diện, có điểm thì mới có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, từ đó tạo hiệu ứng xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.