Thương hiệu thịt mát MEATDeli của MML ra mắt vào tháng 12/2018. Hiện hệ thống phân phối của MML đã nâng từ 50 lên 500 điểm bán chỉ sau 7 tháng (từ tháng 5-11/2019) và đạt tối thiểu 550 điểm bán vào cuối năm 2019, 5.000 điểm bán trước năm 2022.
Các điểm bán của MML đều phủ trên cả 3 kênh bao gồm, cửa hàng do chính MML đầu tư, siêu thị và đại lý, trong đó kênh đại lý đóng góp doanh thu nhiều nhất 65-70%, siêu thị 20%. Mục tiêu gần của MML trong năm 2020 sẽ có 3.000 điểm bán là cửa hàng tiện lợi/đại lý; 300 điểm bán trong siêu thị và 200 điểm bán tại các cửa hàng do MML tự đầu tư. Đến giữa năm 2020, mảng thịt mát của công ty sẽ đạt điểm hoà vốn ở mức EBIT.
Với tốc độ mở cửa hàng và độ phủ theo kế hoạch của MML, Công ty hi vọng 5-7 năm tới có thể chiếm 50% thị trường thịt mát tại các thành phố lớn.
Đại diện MML cho biết, hiện giá thịt mát cao hơn thịt nóng bán tại các chợ 15-20%. Nhưng theo nghiên cứu của công ty trước khi đưa ra thị trường, với chất lượng của thịt mát MEATDeli thì người tiêu dùng thậm chí còn chấp nhận mức giá cao hơn mức định giá của công ty từ 25-30%. Thách thức không nằm ở giá mà là cần sự kiên trì, tuyên truyền để thay đổi thói quen lâu đời của người tiêu dùng là thịt nóng để chuyển sang thịt mát.
Điểm tích cực là hiện tỷ lệ huỷ hàng quá hạn thịt mát MEATDeli được công ty khống chế ở mức 2%, và thực tế cũng chỉ đạt gần tỷ lệ này.
MML đang sở hữu trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao ở Nghệ An, tổng diện tích 200 ha, có khả năng cung cấp 280.000-300.000 con heo/năm, và tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam, công suất 1,4 triệu con heo/năm, tương đương với 140.000 tấn thịt mỗi năm.
Ngoài ra, dự kiến năm 2020, MML sẽ đưa tổ hợp chế biến thịt mát thứ 2 đi vào hoạt động tại Long An. Khi nhà máy đi vào hoạt động, Công ty sẽ giảm thiểu được chi phí vận chuyển và gia tăng khả năng cung ứng ra thị trường miền Nam. Theo ước tính của Công ty, chi phí logistic chiếm khoảng 4-5%/tổng doanh thu.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, rào cản lớn nhất có lẽ là sự phát triển của Công ty không đáp ứng kịp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng thay đổi quá nhanh, đây có thể là rủi ro lớn nhất của MEATLife.
Là nhân sự đã làm việc trong Masan 15 năm, từ năm 2005, ông Lâm cho biết, cũng có một cơ hội giống như ngày hôm nay, đó là thị trường nước mắm và nước tương thời còn rất sơ khai, “tôi tham gia vào công ty ở thời điểm đó là con số 0 và tôi cũng nhìn thị trường bát ngát, bao la như thế này. Lúc đó chúng tôi có sứ mệnh, có mục tiêu sao cho các sản phẩm gia vị có nhãn hiệu, có chất lượng đáp ứng ứng nhu cầu tiêu dùng. Thực tế có những giai đoạn Công ty bị hụt hơi và không cách nào đủ cung ứng sản lượng cho thị trường”, ông Lâm chia sẻ.
“Đối với tôi, ngành hàng mới nếu thực sự ngon, có câu chuyện, có tâm huyết, đầu tư tới nơi tới chốn, tôi ngại rằng sẽ có ngày không đủ cung cấp ra thị trường”, ông Lâm tin tưởng.