Như bao lĩnh vực khác, bất động sản cũng chịu tác động nhiều tác động của báo chí, với vai trò thông tin, định hướng dư luận. Việc thông tin báo chí phản ánh đúng diễn biến, thực trạng dự án vì thế sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, minh bạch hơn. Điều đó không chỉ cần sự nỗ lực, công tâm của những người cầm bút, mà cần sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp địa ốc trong cán cân thông tin.
Giai đoạn năm 2008 – 2010, khi thị trường bất động sản Hà Nội đang sốt sình sịch, việc doanh nghiệp mới chỉ xin cấp phép dự án, có bản thiết kế, chưa triển khai thi công đã huy động vốn, bán hàng trở thành câu chuyện phổ biến. Vì thế, doanh nghiệp thường có xu hướng bưng bít thông tin về thực trạng dự án. Nếu có tờ báo nào phản ánh về thực trạng dự án hay năng lực chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp thường phản ứng gay gắt, thậm chí tiêu cực.
Còn nhớ, vào năm 2010, khi “bong bóng” thị trường bất động sản Hà Nội chưa vỡ, phóng viên một tờ báo điện tử có trụ sở tại Hà Nội có bài viết về doanh nghiệp và thực trạng một dự án của doanh nghiệp tại khu vực Kim Chung – Di Trạch (huyện Hòa Đức) đã bị doanh nghiệp này đã cho người đến tận tòa soạn... hỏi thăm.
Cũng trong năm 2010, khi tìm hiểu thông tin vụ tranh chấp tại Dự án Vân Canh của khách hàng và chủ đầu tư là CTCP Bất động sản AZ, phóng viên một báo khác cũng có trụ sở tại Hà Nội đã bị nhân viên bảo vệ của dự án “kỷ niệm” cho mấy cái bạt tai.
Trong khi đó, tại vụ tranh chấp hợp đồng và tiến độ Dự án Viglacera Xuân Phương của Viglacera và khách hàng diễn ra vào đầu năm 2012, nhiều phóng viên cũng bị một số “đối tượng lạ” đeo kính đen, mặt đằng đằng sát khí ngăn cản hoạt động tác nghiệp…
Việc doanh nghiệp bất động sản “khép cửa” với báo chí khiến dư luận không được tiếp cận với những thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường bất động sản. Điều này góp phần khiến thị trường bất động sản phát triển một cách lệch lạc, méo mó.
Nếu như trước kia, doanh nghiệp hoạt động thiếu chuyên nghiệp, khép cửa với báo chí bao nhiêu, thì khi thị trường gặp khó, các doanh nghiệp địa ốc càng kín tiếng bấy nhiêu. Thế nhưng, chính việc đóng cửa thông tin với báo chí khiến việc phản ánh về thị trường thiên về những thông tin tiêu cực.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản kêu trời, bởi trong khi thực tế, vẫn có không ít nhân tố tích cực, là các doanh nghiệp có thực lực, làm ăn đàng hoàng, thực hiện dự án chỉn chu lại không được nhắc đến. Những thông tin màu xám dày đặc khiến thị trường lao dốc trong thời gian dài hơn và giao dịch thì gần như tê liệt.
Trải qua sóng gió của thị trường, người mua nhà đã tỉnh táo hơn, biết “chọn mặt gửi tiền” vào những dự án có pháp lý đàng hoàng, tiến độ thi công tốt, nên việc truyền thông dự án bắt đầu được các chủ đầu tư quan tâm. Nhiều doanh nghiệp không ngại cởi mở với báo chí khi có thông tin tốt, cũng như không ngại phản hồi với báo chí khi có thông tin tiêu cực về doanh nghiệp, dự án, để thị trường có cái nhìn đa chiều hơn.
Mới đây, CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc đã làm rõ thông tin khi có phóng viên một tờ báo viết bài phản ánh dự án mà công ty này đang phân phối khi chưa xây xong móng.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc, chủ đầu tư chỉ mở bán căn hộ tại các tòa nhà đã đủ điều kiện bán hàng, trong khi tòa bên cạnh, cùng nằm trong tổ hợp vẫn chưa xong móng nên thông tin công bố mở bán dự án gây sự hiểu lầm.
Hoặc mới đây, trước khi mở bán căn hộ Tràng An Complex, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest đã gặp gỡ báo chí để phản ánh tình trạng căn hộ của doanh nghiệp này bị “bán khống” đầy rẫy trên mạng, khi dự án còn chưa đủ điều kiện bán hàng…
Dường như các doanh nghiệp bất động sản ngày nay đều ý thức được thông tin báo chí có tác động thế nào đến uy tín, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nên đã rất cởi mở với báo chí.
Nhận thức được sức mạnh thông tin báo chí, nên có không ít doanh nghiệp bất động sản lợi dụng báo chí để tô hồng dự án, làm nhiễu thị trường. Không ít dự án không hề khan hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn cứ đưa ra các thông cáo dự án bán được tỷ lệ lớn, hoặc lượng khách đặt cọc vượt xa số lượng sản phẩm mở bán và liên tục điều chỉnh giá bán tạo hiệu ứng khan hiếm giả.
Khách hàng ngày nay đã thông thái hơn xưa. Nhà báo cũng có nhiều nguồn thông tin hơn, ngoài những thông tin từ phía doanh nghiệp. Vì thế, chuyện bưng bít thông tin, hay PR quá đà có thể là con dao hai lưỡi.