Ngày 26/12 tới, ông Trịnh Văn Quyết hầu tòa phúc thẩm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 24 bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC kháng cáo, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hà Nội triệu tập phiên tòa phúc thẩm vào ngày 26/12 tới.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 7/2024.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 7/2024.

25 bị cáo và người liên quan kháng cáo

Ngày 26/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hà Nội dự kiến mở phiên tòa phúc thẩm, xét kháng cáo của 25 bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan giai đoạn năm 2014 - 2022.

Trước đó, từ 22 đến 29/7, TAND cấp cao TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án trên và tuyên án vào chiều ngày 5/8/2024.

Theo đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị kết án 21 năm tù giam cho cả hai tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài ra, Tòa buộc ông Quyết phải bồi thường, khắc phục hậu quả hơn 1.864 tỷ đồng. Thời gian bắt đầu thi hành tính từ 29/3/2022.

Cùng chịu trách nhiệm với hai tội danh nói trên, bà Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, em gái ông Quyết) 14 năm tù; bà Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, em gái ông Quyết) 8 năm tù; bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) 8 năm 6 tháng tù...

Ở tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", ông Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE, 5 năm 6 tháng tù.

Ở tội "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", ông Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận 36 tháng tù...

Sau khi Tòa tuyên án, có 25 bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; đồng thời đề nghị được xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự; cựu Phó chủ tịch Hương Trần Kiều Dung xin giảm nhẹ hình phạt.

Hai em gái của ông Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế và bà Trịnh Thị Thúy Nga cũng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời đề nghị tòa án cấp phúc thẩm không buộc bị cáo phải bồi thường, khắc phục hậu quả.

Ông Trầm Tuấn Vũ cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ông Lê Công Điền xin được hưởng án treo.

Bên cạnh đó, có 134 bị hại và 384 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo, đề nghị phía Tòa án xem xét lại phần trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo Quyết và những người liên quan.

Gia đình ông Quyết nộp thêm 353 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Liên quan đến vụ án này, sau phiên tòa sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết đã tác động gia đình để nộp thêm 353 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nâng tổng số tiền đã nộp khắc phục hậu quả lên 590 tỷ đồng.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử ghi nhận bị cáo Quyết và gia đình đã nộp khắc phục được 237 tỷ đồng. Tại Tòa, bị cáo Quyết cũng cam kết sử dụng toàn bộ tài sản còn nắm giữ tại Tập đoàn FLC và các tài sản cá nhân để khắc phục toàn bộ hậu quả đã gây ra.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bản án xác định, bị cáo Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng Faros, lập khống hồ sơ để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, rồi chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Theo thống kê, có hơn 25.800 nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra để mua cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros bán ra đợt đầu, Tòa án sơ thẩm tuyên được bồi thường 7.215 đồng/cổ phiếu ROS.

Còn đối với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, Hội đồng xét xử xác định, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ của nhiều nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Các bị cáo này đã sử dụng thủ đoạn tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lợi bất chính của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán số tiền hơn 700 tỷ đồng.

Tin bài liên quan