Một ngày sau khi tiểu thuyết kinh điển “Biểu tượng thất truyền” của Dan Brown ra mắt bạn đọc, hứa hẹn mang lại doanh thu bùng nổ thì phiên bản điện tử của cuốn tiểu thuyết này xuất hiện tràn lan trên mạng, cho phép người dùng tải miễn phí. Chỉ trong vài ngày, lượt tải của cuốn sách lên tới hơn 100.000. Cũng chỉ trong thời gian ngắn, nội dung của cuốn sách best-seller “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” do Nhã Nam phát hành bị phát tán trên mạng và nhanh chóng nhận về hơn 400.000 lượt xem… Đó chỉ là 2 trong vô số trường hợp ebook lậu gây thiệt hại lớn cho nhà xuất bản.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu con số, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành xuất bản đạt doanh thu 1.610 tỷ đồng, chỉ bằng 91,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Tọa đàm Mười năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012, các nhà xuất bản cho rằng, tình trạng vi phạm bản quyền, bán sách lậu, ebook lậu là thủ phạm khiến ngành xuất bản tuột dốc.
Theo bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, nạn vi phạm bản quyền, ebook lậu lan tràn trên không gian mạng khiến các đơn vị xuất bản chính thống, hợp pháp bị lao đao, mất nguồn thu. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn lỏng lẻo.
“Ebook lậu ảnh hưởng tới cách tiếp cận nguồn sách chính thống, gây tổn hại tới việc bảo vệ bản quyền, tác quyền của tác giả, dịch giả, từ đó làm tổn thất tới doanh thu của các nhà xuất bản đã đầu tư lớn cho lĩnh vực này”, đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM chia sẻ.
Ở một góc độ khác, ý thức bản quyền của chính tác giả đang tiếp tay cho vấn nạn này. Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM bức xúc, ý thức bản quyền tác phẩm ở Việt Nam còn rất thấp. Thậm chí nhiều tác giả còn chưa phân định được đúng, sai về vấn nạn bản quyền. Khi thấy sách của mình trôi nổi trên mạng dưới dạng ebook, audio book lậu thì thay vì bức xúc, một số tác giả lại vui mừng cho rằng, nhờ thế tác phẩm được nhiều người biết đến.
Nhận định về thiệt hại của các nhà xuất bản, ông Lê Lân, Giám đốc Nhà xuất bản Nông nghiệp cho rằng, đến nay không có con số cụ thể nào được đưa ra về thiệt hại mà vấn nạn ebook lậu gây ra cho tác giả, dịch giả và đơn vị xuất bản. Nhưng chắc chắn đó là một con số rất lớn.
“Sách lậu dù ở phiên bản nào cũng đã trở thành vấn đề nhức nhối của giới làm sách. Hôm nay, khi phát hiện và xử phạt một trang sách lậu, ngay ngày mai, một trang khác lại mọc lên. Nếu không được xử lý dứt điểm, ebook lậu có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới xuất bản điện tử”, ông Lân bình luận.
Đại diện một nhà xuất bản chính thống từng chia sẻ, do bị sao chép, làm giả nhiều ebook, nên nhà xuất bản này có thời điểm phải “đại hạ giá” ebook còn 5.000-10.000 đồng/bản, thậm chí 1.000 đồng/bản và chấp nhận bù lỗ.
Liên quan đến giải pháp hạn chế, đấu tranh với vấn nạn ebook lậu, TS. Đặng Thành Lê, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia) đề xuất, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tích cực nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nói chung và ebook nói riêng để tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra phòng, chống in lậu và xuất bản lậu sách ebook.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử kịp thời tội phạm trong lĩnh vực xuất bản và vi phạm bản quyền với các khung hình phạt thỏa đáng để đủ sức răn đe. Sử dụng triệt để các biện pháp hành chính, kinh tế, hình sự để xử lý sai phạm.
Ở góc độ công nghệ, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ đô thông tin, hiện đã có giải pháp giúp các nhà xuất bản chủ động bảo vệ trước vấn nạn vi phạm bản quyền ebook. Đó là giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số Sigma Multi-DRM. Sigma Multi-DRM thay thế khả năng kiểm soát bản quyền vốn đã rất thụ động và kém hiệu quả từ chính người chủ sở hữu nội dung kỹ thuật số và đặt nội dung kỹ thuật số đó dưới sự kiểm soát của một chương trình máy tính. Với giải pháp Sigma Multi-DRM, máy chủ thư viện sách điện tử sẽ mã hóa nội dung, hạn chế quyền truy cập, sao chép và in tài liệu của người dùng dựa trên các ràng buộc do người giữ bản quyền của nội dung đặt ra.
“Các nhà xuất bản có thể yên tâm những sản phẩm trí tuệ của cả một tập thể được an toàn dưới sự dòm ngó của đơn vị phân phối sách lậu”, ông Hân chia sẻ.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho hay, để có biện pháp bảo vệ bản quyền tốt hơn, dự kiến Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền sách. Trung tâm này có chức năng kết nối với các trung tâm bản quyền khác và hỗ trợ các đơn vị làm sách mua bản quyền nước ngoài.