Phát triển văn hóa địa phương
Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai lồng ghép với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chất lượng xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được các cấp, các ngành và nhân dân hưởng ứng và có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Tính đến nay toàn tỉnh có 91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa.
Đến nay, 7/9 huyện, thành, phố có Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, 02 huyện (Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên) đang triển khai xây dựng; 100% xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa, trong đó có 112 xã nông thôn mới có Trung tâm Văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.
Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được quan tâm. Đã có 509 di tích được lập hồ sơ và đề nghị xếp hạng, trong đó có 03 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 441di tích cấp tỉnh và 01 bảo vật quốc gia.
Nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể được triển khai hiệu quả, tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với 571 di sản thuộc 07 loại hình, tồn tại ở 135 xã, phường, thị trấn.
Đẩy mạnh xã hội hóa thể dục thể thao
Phong trào thể dục thể thao quần chúng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đầu tư về mọi mặt, đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào thể dục thể thao quần chúng; Số người tham gia tập thể dục thể thường xuyên được tăng lên hàng năm với tỷ lệ khá cao. Năm 1997 với số người tập luyện TDTT thường xuyên chiếm tỉ lệ 11%, năm 2007 tăng lên chiếm tỉ lệ 21%. Đến thời điểm hiện tại có 50% số người tập luyện thể thao thường xuyên, 42% gia đình thể thao, 90% trường phổ thông có hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa đạt chất lượng.
Công tác xã hội hóa thể dục thể thao được sự quan tâm. Các công trình, sân bãi tập luyện, thi đấu thể dục thể thao, trang thiết bị dụng cụ thể dục thể thao... được đầu tư xây dựng, mua sắm, có 8/9 huyện, thành phố có sân vận động và nhà tập luyện thi đấu thể dục thể thao (đạt 89%) (Thành phố Vĩnh Yên chưa có sân vận động).
Phát triển đa dạng loại hình du lịch
Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (Golf tour), du lịch maile. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được quan tâm. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn toàn tỉnh được đầu tư, năm 1997 có 17 cơ sở với 300 buồng, đến nay toàn tỉnh có 475 cơ sở lưu trú du lịch với 8.500 buồng. Sau 25 năm tái lập tỉnh, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã tăng 27 lần về số cơ sở và tăng 28 lần về số buồng.
Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ngày càng phát triển, hiện có 14 doanh nghiệp, so với năm 1997 chỉ có 1 doanh nghiệp; có 128 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có 85 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, còn lại là hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Về khách du lịch quốc tế, năm 1997 đạt 2,5 nghìn lượt khách quốc tế đến Vĩnh Phúc, năm 2019 đạt hơn 35 nghìn lượt, tăng 14 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm. Khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 25 nghìn lượt vào năm 1997 lên 6.1 triệu lượt vào năm 2019. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc đạt: 2.035.300 lượt.
Về tổng thu từ khách du lịch, năm 2019 du lịch Vĩnh Phúc đạt 1.900 tỷ đồng, trong khi năm 1997 đạt 50 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015, đạt 3,3% và năm 2019: 4,2%. Năm 2021 đạt 1.573 tỷ đồng, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh các năm qua.