Trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng và doanh nghiệp lần 1 diễn ra cuối tháng 4 năm ngoái, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú không giấu được bức xúc khi điện thoại và gửi cho chúng tôi bài báo của một tạp chí thủy sản danh tiếng trên thế giới mô tả về nạn bơm chích tạp chất và sử dụng kháng sinh bừa bãi trong ngành tôm Việt Nam.
Ông nói rằng: “những mũi tiêm này đang giết chết ngành tôm Việt”, những doanh nghiệp như Minh Phú dù rất nỗ lực, cố gắng, đầu tư hợp tác với nông dân những vùng nuôi thả riêng để có thể truy xuất nguồn gốc vẫn bị mang tiếng “tôm bẩn”.
Ngày hôm sau, tại diễn đàn đối thoại với Thủ tướng, ông Quang đã có bài phát biểu khẩn thiết: “Hãy cứu lấy ngành tôm”. Ông chỉ ra hàng loạt tồn tại khiến ngành này không thể cất cánh, thậm chí còn có nguy cơ đi lùi. Trong đó, nhức nhối nhất là vấn nạn lạm dụng kháng sinh và bơm chích tạp chất. Đến nay, sau 1 năm, trò chuyện với chúng tôi, ông rất kỳ vọng vào một “cuộc chiến” với nạn bơm chích tạp chất, mà ở đó có sự vào cuộc quyết liệt của các nhà lãnh đạo cấp cao.
Là doanh nghiệp đầu ngành, kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đặt mục tiêu 700 triệu USD, song cả hai lãnh đạo cao nhất của Minh Phú là ông Lê Văn Quang, Chủ tịch và ông Lê Văn Điệp, Tổng giám đốc Nhà máy Minh Phú - Cà Mau đều chia sẻ rằng, riêng Minh Phú, để nâng kim ngạch xuất khẩu lên 2 tỷ USD vào năm 2020 như yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra hôm đến thăm nhà máy Minh Phú Cà Mau đầu năm nay là một áp lực. Xa hơn, mục tiêu kim ngạch cả ngành 10 tỷ USD thực sự là thách thức lớn, nhưng nếu quyết tâm sẽ thực hiện được.
Đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ tôm của cả nước đang bị biến đổi khí hậu và nạn xâm nhập mặn ảnh hưởng. Trong rủi có may, sự biến đổi của thiên nhiên buộc Chính phủ phải nhìn nhận lại về từng ngành hàng, đặt lên bàn cân hạt gạo và con tôm. Con tôm đã được lựa chọn và quyết tâm của các lãnh đạo từ cấp cao nhất là sẽ biến Việt Nam trở thành công xưởng tôm của thế giới.
Muốn vậy, sẽ phải quy hoạch, tổ chức lại sản xuất và chế biến, thay đổi chuỗi giá trị tôm, đòi hỏi nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học... Một số công ty cổ phần nuôi tôm mà ở đó người dân góp vốn bằng đất, còn những doanh nghiệp như Minh Phú góp vốn bằng tiền để đầu tư thành các vùng nuôi tôm lớn có kênh cấp, thoát nước riêng, có đường giao thông để xe 10 - 20 tấn vào được, đang được triển khai.
“Nếu các vùng nuôi đều nhỏ lẻ, manh mún (quy mô một vài ha) như hiện nay, sẽ khó có thể đưa vào áp dụng các công nghệ hiện đại, khó có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc, để hạ chi phí đầu vào và đạt giá bán ra cao hơn”, ông Lê Văn Điệp nói.
Để tích tụ ruộng đất, hình thành vùng nuôi lớn, doanh nghiệp phải thuyết phục được người nông dân, chỉ cho họ các ích lợi, nhưng chính sách và nhà nước phải có cơ chế để giúp những phương án này thành hiện thực.
“Về khâu này, Minh Phú đang được hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ chính quyền địa phương rất nhiều để trong năm 2017 có thể thành lập được các doanh nghiệp”.
Đổi mới công nghệ nuôi tôm cũng là việc cần sớm triển khai. Việt Nam đang tiếp cận theo hướng sạch bệnh và nuôi tôm ở mật độ cao từ 80 - 120 con/m2, từ 90 - 100 ngày, năng suất đạt 5 - 10 tấn/ha, tỷ lệ thành công dưới 30%. Với cách nuôi này, giá thành tôm của Việt Nam trên 100 nghìn đồng/kg, 50 - 60 con/kg và nuôi được 1 vụ/năm, rất ít được 2 vụ/năm. Chưa kể, mỗi ao thường có diện tích 0,3 - 0,5 ha nên chi phí đầu tư cao và hệ số sử dụng đất thấp.
Ông Quang nêu ra một mô hình tham khảo ở Ecuado, họ tiếp cận theo hướng tôm kháng bệnh và nuôi tôm ở mật độ thấp 10 - 30 con/m2, nên không cần phải sử dụng bất cứ hóa chất và kháng sinh nào. Họ chỉ lọc nước bằng túi lọc để loại cá tạp vào ăn tôm. Sau 90 - 100 ngày, thu hoạch đạt 50 - 60 con/kg, năng suất đạt 1 - 2,5 tấn/ha, tỷ lệ thành công trên 90%. Mỗi năm, họ nuôi 3 vụ, năng suất đạt 3 - 7,5 tấn/ha, mỗi ao nuôi rộng 7 - 10 ha nên chi phí đầu tư thấp và hệ số sử dụng đất cao.
Tại Việt Nam, một số hộ mạnh dạn thay đổi công nghệ nuôi tôm đã cho kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm 2016, hạn hán xâm nhập mặn, sản lượng tôm giảm sút nghiêm trọng, chỉ bằng 30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2015.
6 tháng cuối năm 2016, thay vì nuôi tôm ở mật độ cao 80 - 120 con/m2, các hồ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang cách tiếp cận nuôi tôm mật độ thấp 10 - 50 con/m2, không những bù được sản lượng đã mất của 6 tháng đầu năm, mà còn tạo ra được tăng trưởng 1,7% so với năm 2015.
Trước kia, nuôi tôm ở mật độ 80 - 120 con/m2 thì người nuôi tôm thu được tôm ở cỡ 60 - 80 con/kg với giá thành trên 90.000 đồng/kg tôm thương phẩm. Còn nay, nuôi tôm ở mật độ thấp 10 - 50 con/m2, người nuôi tôm thu được tôm ở kích cỡ 40 - 50 con/kg với giá thành dưới 60.000 đồng/kg tôm thương phẩm. Như vậy, người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đã thắng lớn.
Đổi mới công nghệ nuôi tôm có thể sẽ là giải pháp cứu cánh cho những doanh nghiệp “nặng lòng” với con tôm trên đất Bắc. Khí hậu miền Bắc vốn khắc nghiệt với con tôm, lúc nóng quá, lúc lạnh quá, gió bão liên miên… nên những doanh nghiệp đã đầu tư quỹ đất gần biển hàng trăm ha như Tập đoàn Geleximco, Công ty cổ phần Intimex hay Bim Group, cho đến nay vẫn chưa tìm ra hướng đi hiệu quả với con tôm.
Bản thân ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco và em trai Vũ Văn Hải hàng chục năm nay đã dành không ít công sức cho con tôm trên đất Thái Bình.
Được giao phụ trách mảng thủy sản của Tập đoàn, thất bại, hàng triệu USD đổ xuống sông, xuống biển, tốn hàng trăm triệu đồng cho những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm trong, ngoài nước, ông Vũ Văn Hải không nản chí. Giờ có thể ông đã lành nghề như một chuyên gia tôm chính hiệu và lần này, Geleximco được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ phải nuôi được con tôm trên đất Bắc.
Sau rất nhiều lần học hỏi và tham khảo mô hình nuôi tôm đã thành công hơn 2 năm của một doanh nghiệp tại Thái Thụy, từ cuối tháng 2, Geleximco bắt tay làm lại.
Ở cách nuôi trước đây, mỗi lần gió mùa, đáy ao sẽ sinh khí H2S, tạo ra ni-tơ, diệt tôm chết hàng loạt, nay theo công nghệ mới, doanh nghiệp sẽ đổ bê tông đáy ao, thành ao, sử dụng ao dự trữ để xử lý nước trước và bơm liên tục vào ao nuôi, công nghệ nhà bạt cũng được áp dụng để duy trì nhiệt độ ổn định, tránh gió, bão cho con tôm…
Trước mắt, Geleximco sẽ thử nghiệm với quy mô 5 - 7 ha, nếu thành công với công nghệ này, quỹ đất của Tập đoàn vào khoảng 100 ha ở Thái Bình và 100 ha ở Quảng Ninh đủ sức để triển khai nuôi tôm với quy mô lớn.
Ở Nghệ An và Thanh Hóa, Công ty cổ phần Intimex cũng đang rốt ráo tìm kiếm và học hỏi công nghệ nuôi tôm phù hợp để có thể thay đổi cách làm truyền thống. Sự cố Formosa vào năm ngoái đã khiến kế hoạch gia tăng diện tích nuôi tôm của doanh nghiệp đổ bể. Nước biển bị ảnh hưởng, tôm chết la liệt khiến doanh nghiệp phải giảm diện tích nuôi từ 25 ha xuống dưới 20 ha (trong khi kế hoạch đầu năm là tăng lên 35 ha).
Vốn đã vất vả với con tôm khi khí hậu trên đất Bắc khắc nghiệt, thêm thất vọng, lãnh đạo Công ty thậm chí tính đến việc chuyển bớt sang nuôi cá. Nhưng nay, với chủ trương của Chính phủ, giấc mơ làm chủ con tôm đã mạnh mẽ trở lại.
Ông Đinh Tiến Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Intimex cho biết, ông đang liên hệ để đến học hỏi và tìm hiểu các mô hình nuôi tôm thành công trên đất Bắc.
Nếu có công nghệ phù hợp, tài chính không phải là bài toán hóc búa với doanh nghiệp này. Ngoài 100 ha đất tại Thanh Hóa, Nghệ An, Intimex còn có 100 ha đất tại Quảng Ninh được quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Để hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD, các tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam phải vào cuộc.
“Khí hậu miền Bắc dù khắc nghiệt đến mấy cũng không thể bằng sự khô cằn, phức tạp ở Israel, vậy mà áp dụng công nghệ cao, người ta vẫn có thể bắt đất đẻ ra vàng. Tôi tin, lần khởi nghiệp với con tôm này sẽ khác”, ông Vũ Văn Hải nói.