Ngành thủy sản lo tắc nghẽn nguồn nguyên liệu

Ngành thủy sản lo tắc nghẽn nguồn nguyên liệu

0:00 / 0:00
0:00
Ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Trong khi đó, các quy định mới liên quan đến khai thác đang khiến nút thắt này thêm tắc nghẽn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành chế biến xuất khẩu thủy sản hiện có nút thắt là thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) đang khiến nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.

Ông Nguyễn Nam Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Huy Nam (tỉnh Kiên Giang) cho rằng, trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP và quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU” có một số nội dung gây vướng mắc cho doanh nghiệp như: trước 48 giờ, doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ xác nhận nguyên liệu của những lô hàng nhập khẩu nằm trong diện phải xác nhận. Đây là thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

“Công ty Huy Nam đang nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia… thời gian tàu vận chuyển hàng đến cảng Việt Nam chỉ chưa đầy 2 ngày (48 giờ). Với hàng hóa nhập khẩu bằng container, khi hàng lên tàu ở cảng xuất, thì doanh nghiệp mới có thông tin để làm hồ sơ, chứng từ, vậy thì doanh nghiệp nhập khẩu không có cách nào để khai báo trước 48 giờ hay 72 giờ như quy định. Như vậy, chúng tôi buộc phải vi phạm quy định, nếu không sẽ không có nguyên liệu sản xuất”, ông Vinh bức xúc.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Lĩnh, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Hải Vương phân tích, tàu hàng cập cảng Việt Nam không đồng nghĩa hàng hóa đã được nhập khẩu. Hàng hóa chỉ được xem là nhập khẩu vào Việt Nam khi các doanh nghiệp nhập khẩu làm xong thủ tục thông quan.

Không chỉ siết chặt về IUU, hiện nay, nhiều thị trường gia tăng kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như cấm chiếu xạ, cấm sử dụng các hóa chất khử trùng gốc Clorat…

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, tại Bidifisco nói riêng, cũng như các doanh nghiệp trong ngành cá ngừ nói chung đều khó làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C). “Có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp S/C do một số vấn đề mà chúng tôi rất khó biết rõ như xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá, hay tàu cá khai thác ở vùng biển không đúng quy định… Dù những tàu cá này vẫn được phép ra khơi khai thác bình thường, được kiểm tra và cho phép cập cảng. Vì vậy, nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất tại nhà máy của doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hoặc chỉ vừa đủ sử dụng”, bà Lan nêu thực tế.

VASEP thông tin, hiện nhiều quy định mới gây khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành. Với khai thác IUU, đợt thanh tra lần thứ 5 của Cộng đồng châu Âu (EC) dự kiến vào tháng 10/2024, là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024. Do đó, các ngành, doanh nghiệp, địa phương cần thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo thẻ vàng.

Cũng theo VASEP, liên quan đến nguyên liệu hải sản khai thác, nhập khẩu, quy định tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP mới ban hành yêu cầu thông báo, khai báo hồ sơ trước khi cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu container là không khả thi.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP nêu, Nghị định 37 có quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu”. Quy định mới với khái niệm không rõ ràng về “trộn lẫn nguyên liệu”, gây hoang mang cho nhiều doanh nghiệp và không hợp lý với thực tế sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hải sản.

Đó cũng là lý do mới đây, VASEP gửi Công văn số 54/CV-VASEP tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản, Cục Kiểm Ngư, Cục Chất lượng… kiến nghị một số bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP, Nghị định 38/2024/NĐ-CP và một số quy định hiện hành liên quan, đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ bất cập, nhằm duy trì sản xuất, khai thác hợp pháp của ngư dân và năng lực cạnh tranh, xuất khẩu của doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng.

“Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cam kết luôn đồng hành với Chính phủ trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành quy định cần xác định rõ mục tiêu là giải quyết vấn đề kiểm soát từ gốc của chuỗi khai thác - chế biến - xuất khẩu” chính là quản lý hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, chứ không chỉ giải quyết phần ngọn là hoạt động thu mua, chế biến của doanh nghiệp”, bà Thu Sắc chia sẻ.

Tin bài liên quan