
Ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính nói về hành động của ngành thuế trước tác động của thuế quan Mỹ.
Chia sẻ về "hành động" của ngành thuế trước động thái thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam, tại Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ”, sáng 8/4, Phó cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính, ông Mai Sơn chia sẻ: "Ngay khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, cơ quan thuế và ngành tài chính đã có sự chủ động từ đầu năm. Theo đó, ngành thuế đã lường trước được sự tác động của Mỹ có thể tác động đến thị trường xuất khẩu nên có sự ứng phó nhanh chóng".
Về tác động trực tiếp khi Mỹ thông bố áp thuế 46%, theo Cục Thuế, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt hơn 119 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm trị giá tổng trị giá là hơn 98 tỷ USD, chiếm hơn 82%.
Các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ trong 10 nhóm hàng, các nhóm hàng chủ lực thu về khoảng 77.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,8% tổng thu ngân sách.
"Khi có thông tin công bố áp thuế, ngành thuế có đánh giá tác động từ các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu và nhiều bên liên quan", ông Mai Sơn nói.
Ngành thuế nhận định, thuế đối ứng của Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương, cụ thể với kinh doanh thủy hải sản là ảnh hưởng lớn đến khu vực Tây Nam Bộ.
Sản xuất điện tử thì ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Sản xuất máy móc, thiết bị ảnh hưởng đến các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Đối với nhóm nông sản bị ảnh hưởng đến các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc. Dệt may bị ảnh hưởng các địa phương như Nam Định, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai....
Bên cạnh tác động đến các địa phương, Cục Thuế cũng đánh giá doanh nghiệp FDI chịu tác động lớn hơn doanh nghiệp trong nước. Có doanh nghiệp đã đưa ra cảng để xuất khẩu mà phải hủy vì chính sách mới.
Cũng theo đánh giá của cơ quan thuế, bên cạnh những tác động kể trên với các lĩnh vực xuất khẩu, có 3 tác động khác nữa là người lao động, ngân sách Nhà nước, nhập khẩu nguyên vật liệu.
Ông Mai Sơn cho hay: "Chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khiến tỷ giá VND, USD chịu áp lực cao, có khả năng mất giá. Điều này làm gia tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khiến các sản phẩm khó cạnh tranh hơn, làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước".
Đánh giá sự ảnh hưởng gián tiếp, ngành thuế cho rằng căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến thu ngân sách.
Nói thêm về các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, ông Mai Sơn cho biết, ở góc độ cơ quan thuế, Bộ Tài chính chủ động từ lúc chính quyền Mỹ thay đổi nhiệm kỳ. Trên cơ sở điều hành vĩ mô của Chính phủ, thời gian vừa qua ngành thuế đã chủ động đề xuất chính sách, tạo ra sức bật cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp trong nước.
Chính sách hiện nay, chúng tôi đang triển khai áp dụng đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.
Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP đã giảm thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng của đối tác thương mại lớn, trong đó có Mỹ, trong đó có nhiều dòng thuế về 0%.
Theo đó, có 16 nhóm mặt hàng nhập về Việt Nam được giảm thuế như ô tô, sản phẩm nông nghiệp, than, gỗ…
Theo ông Mai Sơn, đây là bước thiện chí lớn ngay từ đầu của chính phủ Việt Nam nỗ lực cân bằng cán cân thương mại 2 nước, giúp người tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ.
Ngoài ra, còn có nhiều chính sách giúp các doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị định 81/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành mới đây, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay. Doanh nghiệp phải nộp số thuế này chậm nhất ngày 20/11. Tiền thuế này được gia hạn năm nay ước tính khoảng 14.100 tỷ đồng.
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 82/2025/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025.
Đối tượng được gia hạn thuế gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic. Tổng số thuế gia hạn 102.000 tỷ đồng.
Để ứng phó với quyết định từ phía Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP 2 con số như mục tiêu đề ra trong năm nay, ngành thuế có giải pháp cụ thể hơn.
Cụ thể, với quản lý thuế, với doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với dấu hiệu chuyển giá, quan hệ công ty quốc gia trung chuyển, việc này lợi dụng chính sách của Việc Nam là điểm trung chuyển để lách thuế, hoàn thuế cho doanh nghiệp gia công, lắp ráp để xuất khẩu…
Cùng đó, xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ với cơ quan thuế Mỹ, tạo cơ sở cho 2 bên phối hợp hiệu quả ngăn chặn hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia. Các chính sách thuế khác như thuế thu nhập doanh nhiệp có nhiều giải pháp có thể chia sẻ trong thời gian tới…