Ngành thép: Tiềm năng và nỗi lo bão hòa

Ngành thép: Tiềm năng và nỗi lo bão hòa

(ĐTCK-online) Ngành thép là ngành được hưởng lợi nhiều từ gói kích cầu và thu hút sự chú ý của NĐT gần đây. Các yếu tố chính khiến ngành này trở nên hấp dẫn, theo chúng tôi là: (1) nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh; (2) giá tăng khiến tỷ suất lợi nhuận cải thiện. Tuy nhiên, khi đầu tư vào cổ phiếu thép cũng cần chú ý đến một số yếu tố đặc trưng: (1) cân bằng cung - cầu và (2) vai trò của chính sách đối với ngành thép.

Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh

Tháng 8/2009, tiêu thụ thép tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, mảng thép xây dựng có mức tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái (3,6 lần). Trung bình một tháng trong điều kiện bình thường, thép xây dựng có thể tiêu thụ khoảng 350.000 tấn, tuy nhiên trong tháng 8, dù mùa mưa chuẩn bị bắt đầu cũng như vào tháng 7 âm lịch, mức tiêu thụ đã bất ngờ tăng lên 401.000 tấn. Đối với sản phẩm ống thép và tôn mạ, mức tiêu thụ của tháng 8 cũng cao hơn mức tiêu thụ trung bình tháng từ đầu năm tới nay. (Xem bảng 1)

 Ngành thép: Tiềm năng và nỗi lo bão hòa ảnh 1

Hết tháng 8/2009, tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng, các tháng cuối năm giải ngân xây dựng tốt hơn, nên tiêu thụ thép, đặc biệt là thép xây dựng có cơ hội tăng trưởng tốt. Sang năm 2010, Hiệp hội Thép dự đoán mức tăng trưởng của toàn ngành sẽ ở mức 10 - 12%. 

 

Giá tăng khiến tỷ suất lợi nhuận cải thiện

Giá thép trong nước luôn song hành cùng giá thép thế giới, mặc dù có điều chỉnh thêm các yếu tố như thuế nhập khẩu, vận tải, giá điện…, nhưng các yếu tố này chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu giá.

Trong cấu trúc giá thành của thép thì nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất. Thép xây dựng (thép thanh) ở Việt Nam hiện được cán từ phôi nhập khẩu (40% lượng phôi) hoặc phôi tự sản xuất từ thép phế và quặng (khoảng 60%). Cũng giống như giá thép, giá phôi và thép phế đã chấm dứt đợt điều chỉnh giảm kể từ tháng 1/2009 và bắt đầu hồi phục. Nhìn chung, kể từ quý II tới nay, các công ty cán thép đã nhập phôi vào giai đoạn giá thấp đã bắt đầu được hưởng lợi từ giá vốn thấp nhập về trước đó. 

Trên thực tế, các DN đã có tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện rất mạnh trong nửa đầu năm 2009 so với năm 2008. Giả sử nếu như giá bán tăng 1% trong khi DN vẫn duy trì được lượng hàng tồn kho đầu vào lớn với giá vốn hầu như không đổi thì tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng ở mức 9,9%* (giá vốn hàng bán/doanh thu - Xem bảng 2)

  Giá thép ở Việt Nam giảm khoảng 58% từ mức đỉnh giữa năm 2008 cho tới đầu năm 2009 và tới nay mới chỉ tăng 25% từ mức đáy cuối năm 2008. Giá thép thế giới trong giai đoạn tới được đánh giá sẽ tăng song hành với tốc độ hồi phục kinh tế và còn tăng ở tốc độ cao hơn. Lý do là ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng được trông đợi sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng GDP, do yếu tố kích cầu và ý nghĩa cải thiện môi trường đầu tư. Khi sức tiêu thụ tăng mạnh và giá có khả năng tăng nhẹ, sự hấp dẫn của ngành thép trở nên rõ ràng. Sẽ có một số rủi ro được phân tích dưới đây về lượng tiêu thụ do mức độ cạnh tranh lớn trong ngành. Tuy nhiên, có thể khẳng định, giá tăng là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong ngành thép và ngược lại.

 

Rủi ro lớn: Cân bằng cung - cầu

Hiện nay, một số phân khúc của ngành thép đang thừa công suất. Đối với sản phẩm thép xây dựng, riêng năm 2009 tổng công suất phôi của cả nước sẽ tăng thêm 1,49 triệu tấn và tổng công suất cán thép tăng 823.000 tấn từ các nhà máy mới. Đối với sản phẩm thép dẹt, từ cuối tháng 9/2009, riêng thép cán nguội sẽ có thêm 1,2 triệu tấn xuất xưởng từ Nhà máy Sản xuất thép cán nguội Posco với mức giá cạnh tranh. 

Các nhà máy thép hiện có mặt ở hầu hết địa phương, vì vậy tổng công suất cán thép của cả nước rất lớn và vượt xa cầu. Chúng tôi cho rằng, có thể đã có sự phân hóa mạnh giữa các công ty đầu ngành công suất lớn, năng động, thương hiệu tốt, hệ thống phân phối mạnh và vốn lớn, có lợi thế hơn hẳn các công ty địa phương. (Xem bảng 3)

 

Để kiểm soát tình trạng cung vượt cầu và đầu tư thép tràn lan, dự kiến trong quý IV/2009, Chính phủ sẽ tổ chức kiểm tra việc triển khai các dự án thép, đồng thời, khuyến nghị các địa phương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư những dự án không đủ điều kiện... Cạnh tranh trong ngành còn đến từ thép nhập khẩu giá rẻ hơn giá thành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, có những yếu tố làm giảm áp lực này như (1) thép trong nước có thương hiệu và uy tín về chất lượng; (2) ngành thép Việt Nam đang được hưởng sự bảo hộ tương đối của Chính phủ, do vậy giá thép trong nước có thể hơi cao hơn giá thép thế giới.