Tiêu thụ chậm lại, tồn kho tăng
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) - đơn vị sản xuất thép xây dựng, ống thép, tôn lạnh cho biết, hàng tồn kho của Công ty trong năm nay rất lớn.
“Thị trường bất động sản chững lại, ít dự án được triển khai mới, nên nhu cầu tiêu thụ thép chậm lại”, ông Nghĩa lý giải nguyên nhân.
Tập đoàn Hòa Phát đã công bố kết quả sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm với sản lượng sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC của Tập đoàn đạt gần 4 triệu tấn, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ. Tiêu thụ HRC tăng nhẹ 7%, nhưng tiêu thụ ống thép, tôn mạ thì tương đương cùng kỳ.
Đà tăng trưởng về sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Hòa Phát đã chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (với mức tăng trưởng 55% về sản lượng sản xuất và 60% về sản lượng tiêu thụ).
Nhìn vào số liệu kinh doanh theo tháng, có thể thấy sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp đầu ngành thép có sự sụt giảm mạnh trong tháng 6. Cụ thể, tháng 6, Hòa Phát bán được 560.000 tấn phôi thép, thép xây dựng và HRC, giảm 100.000 tấn so với tháng 5 và 40.000 tấn so với tháng 4. Xét riêng sản phẩm thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ trong tháng 6 đạt 384.000 tấn, giảm 2,3% so với tháng 5.
Theo ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, “doanh nghiệp ngành thép mới chạm dần khó khăn và khó đoán định được những diễn biến sắp tới do thị trường còn nhiều yếu tố biến động”.
Sau hai năm hưởng lợi nhờ giá bán và nhu cầu tiêu thụ được kích hoạt bởi các gói kích thích kinh tế, trong khi chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gẫy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp ngành thép chịu nhiều khó khăn. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu mỏ, than đá và nhiều hàng hóa cơ bản tăng vọt, trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của ngành thép.
Trong khi ở đầu ra, nguy cơ lạm phát, lãi suất tăng, siết tín dụng vào thị trường bất động sản khiến thị trường này trở nên trầm lắng, nhu cầu xây dựng yếu đi, kéo theo sự chậm lại của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như thép.
Dự báo lợi nhuận đi lùi
Giới chuyên gia đánh giá, trong nửa cuối năm 2022, có nhiều lực cản đối với ngành thép. Lạm phát đang là tâm điểm của kinh tế toàn cầu và trong bối cảnh đó, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chi tiêu cho xây dựng là một trong những hoạt động đầu tiên bị cắt giảm để ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu khác. Xuất khẩu thép, động lực quan trọng cho tăng trưởng của ngành trong giai đoạn vừa qua, sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế này đã được các doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận rõ, một số doanh nghiệp có khả năng điều chỉnh giảm công suất sản xuất.
Giá cổ phiếu thép đã đạt đỉnh và có sự điều chỉnh. Khi cổ phiếu đã đạt đỉnh và trên đà đi xuống, có nghĩa trong 2-3 năm tới, cơ hội của nhóm này sẽ hạn chế hơn.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thép sẽ đối mặt với rủi ro khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới. Nhưng trong dài hạn, đây vẫn là ngành có dư địa tốt.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI
Tại Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG), chi phí đầu vào của Công ty tăng nhưng giá bán HRC không tăng. Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thị trường HRC trong 6 tháng đầu năm chứng kiến sự trái ngược khi chi phí đầu vào như than, nhiên liệu đốt đã tăng hơn 50%, nhưng giá HRC toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, giá HRC Trung Quốc và Mỹ đã giảm về mức 694 USD/tấn và 1.200 USD/tấn, lần lượt giảm 10% và 25% so với hồi đầu năm.
Mirae Asset Việt Nam dự phóng doanh thu của Thép Nam Kim năm 2022 ước đạt 26.568 tỷ đồng, giảm 5,7% so với năm ngoái; lợi nhuận ròng ước đạt 1.111 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
Thị trường nội địa của Thép Nam Kim đang chịu nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát và giá thép sụt giảm. Số liệu kinh doanh cập nhật nhất của Thép Nam Kim cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Công ty đạt hơn 409.000 tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm hơn 66% tổng sản lượng. Mảng tôn mạ trong nước hiện đang dư thừa công suất.
Đối với Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế năm nay đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân cao hơn. Dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 12,7% trong năm nay, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh năm 2021.
SSI Research cũng điều chỉnh giảm dự báo chỉ tiêu doanh thu năm 2022 của Tập đoàn Hoà Phát từ 176.000 tỷ đồng xuống 160.000 tỷ đồng; lợi nhuận ròng giảm từ 31.100 tỷ đồng xuống 26.500 tỷ đồng. Với dự báo này, doanh thu của Hoà Phát tăng 6,9% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận ròng lại đi lùi 23,1%. Lý do điều chỉnh chủ yếu do giả định giá thép giảm.
Giá thép liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây trước những ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 11/7/2022, giá quặng sắt tại châu Á giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại về sự suy yếu trong nhu cầu nguyên liệu thô của nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc. Hợp đồng quặng sắt giao trong tháng 8 giảm 4,8% và giao trong tháng 9 giảm 3,3%.
Các thông tin tiêu cực về đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc được nhìn nhận như “dội gáo nước lạnh” lên tâm lý thị trường. Nhiều địa phương tại Trung Quốc đang áp dụng biện pháp kiểm soát chặt hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh. Sự hồi phục của giá thép hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Việc Trung Quốc đang dư cung cũng như nhu cầu thép thế giới giảm khiến các nhà sản xuất HRC chủ động giảm biên lợi nhuận nhằm duy trì công suất.
Đối với Thép Nam Kim, Mirae Asset Việt Nam nhận định, trong năm nay, Công ty sẽ mất 3 - 4% biên lợi nhuận gộp do không còn yếu tố đầu cơ về giá HRC hoặc bù lỗ hàng tồn kho, trong khi giá HRC giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm nay.
Có chung nhận định về biên lợi nhuận của nhóm ngành thép có thể thu hẹp, Fiin Group cho rằng, lợi nhuận lõi của ngành thép tăng nhưng tốc độ chậm lại. Lợi nhuận lõi là lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT), không bao gồm lợi nhuận khác và từ hoạt động đầu tư tài chính. Áp lực chi phí đầu vào khiến biên lợi nhuận thu hẹp lại, chủ yếu do giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá bán ra không tăng tương ứng.
Phân tích về triển vọng nhóm ngành thép, SSI Research cho rằng, sau khi tăng 15% trong quý I nhờ nhu cầu dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khả năng trong hai quý cuối năm, sản lượng tiêu thụ thép sẽ chậm lại trước sức ép cạnh tranh từ một số nước xuất khẩu thép và các biện pháp phòng hộ từ các thị trường xuất khẩu. Giá thép xây dựng trong nước đã giảm 11% so với mức đỉnh xác lập trong tháng 3, HRC giảm 25% so với mức đỉnh hồi tháng 4.
Tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép được dự báo sẽ giảm trong quý II và quý III năm nay nhưng vẫn cao hơn so với mức đáy của giai đoạn 2018 - 2019 do ít áp lực từ tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ an toàn.
Theo nhận định của Fiin Group, hiện chưa có yếu tố nào đủ mạnh để có thể hỗ trợ lợi nhuận ngành này bứt tốc trong một, hai quý tới.