Các doanh nghiệp đầu ngành thép có những chuyển động tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh

Các doanh nghiệp đầu ngành thép có những chuyển động tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh

Ngành thép đang trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với triển vọng giá thép tăng, thị trường bất động sản phục hồi và lực đẩy từ đầu tư công, ngành thép có khả năng hồi phục mạnh.

Dự báo giá và nhu cầu thép sẽ tăng

Là ngành mang tính chất chu kỳ, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước năm 2023 suy giảm do ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của nền kinh tế nói chung, sự trầm lắng của thị trường bất động sản nói riêng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, năm 2024, nhiều yếu tố đang cho thấy ngành thép có triển vọng sáng.

Nguồn cung thép tại Trung Quốc có khả năng sẽ giảm bởi việc cấm xây dựng thêm các nhà máy thép mới, đồng thời một số địa phương có nhiều nhà máy thép yêu cầu giảm sản lượng nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, thực hiện kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon và cải thiện chất lượng không khí.

Về phía cầu, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở tăng lên khi nước này nới lỏng một số quy định về sở hữu nhà ở của người dân, kéo theo nhu cầu về thép, tạo lực đẩy cho giá thép tăng.

Nguồn cung hạn chế và giá thép tăng tại Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến thị trường thép Việt Nam.

Tại thị trường thép trong nước, điểm tích cực đến từ kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ hồi phục, nhờ kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, cũng như các giải pháp khơi thông pháp lý dự án. Nguồn cung và nhu cầu về nhà ở gia tăng sẽ kéo theo nhu cầu về thép và giá thép gia tăng. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ở mức thấp giúp các doanh nghiệp ngành thép vốn có tỷ lệ đòn bẩy cao giảm áp lực chi phí lãi vay, cải thiện biên lợi nhuận.

Kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng cao

Thị trường thép trong nước bao gồm cả khu vực dân dụng và đầu tư công đang có tín hiệu khả quan sau thời gian dài trầm lắng.

Trong các doanh nghiệp thép niêm yết, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) và Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) được kỳ vọng sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm 2024. Thực tế, các doanh nghiệp này đang có những chuyển động tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hòa Phát cho biết, thị trường thép trong nước bao gồm cả khu vực dân dụng và đầu tư công đang có tín hiệu khả quan sau thời gian dài trầm lắng. Đặc biệt, đầu tư công được thúc đẩy đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp ngành thép. Sản phẩm thép xây dựng Hòa Phát đã được sử dụng trong dự án Sân bay quốc tế Long Thành, dự án Sân bay Điện Biên mở rộng, dự án Cải tạo, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất, dự án Cao tốc Bắc - Nam…

Trong tháng 12/2023, Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 648.000 tấn, tăng 4% so với tháng 11. Về bán hàng, sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng và phôi thép đạt 760.000 tấn, tăng 7%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 462.000 tấn, tăng 13% và ghi nhận mức tiêu thụ cao nhất trong 20 tháng qua.

Đối với thị trường xuất khẩu, trong tháng cuối năm 2023, Hòa Phát đã xuất khẩu 113.000 tấn thép xây dựng, thép chất lượng cao để làm thép rút dây, lõi que hàn. Thị trường xuất khẩu thép gồm 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Srilanka. Ngoài thép cuộn chất lượng cao, Tập đoàn còn xuất khẩu 103.000 tấn HRC, đóng góp gần 40% tổng sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng. Sản phẩm hạ nguồn HRC là ống thép, tôn mạ đạt sản lượng xuất khẩu lần lượt 68.000 tấn và 24.000 tấn.

Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép trong năm 2023 đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2022. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 3,78 triệu tấn, giảm 11%; thép cuộn cán nóng HRC gần 2,8 triệu tấn, tăng 6%. Sản lượng bán sản phẩm ống thép là 685.000 tấn, giảm 9%; tôn mạ các loại là 329.000 tấn, tương đương năm 2022.

Đối với Thép Nam Kim, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho Công ty, khi nhu cầu tôn mạ thể hiện sự ổn định trong năm 2023 và có thể quay trở lại xu hướng tăng trong năm 2024. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ khu vực EU nhiều khả năng sẽ được duy trì nhờ mức giá cạnh tranh. Cùng với giá thép, giá tôn mạ cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng khi Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch kích thích kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ của ngành thép được điều hướng sang lĩnh vực ô tô mà nguyên liệu thép đầu vào chính là tôn mạ. Sự chuyển dịch này sẽ tác động tích cực lên giá thép và kênh xuất khẩu của Thép Nam Kim.

Thép Nam Kim dự kiến sẽ khởi động lại Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ trong năm 2024. Nhà máy có công suất 1,2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, khi đi vào vận hành có thể góp phần giúp Công ty tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 15 - 16% trong giai đoạn 2026 - 2028.

Tại Hoa Sen, doanh nghiệp này có nhiều sản phẩm gồm thép, tôn mạ, nhựa…, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá, khi thị trường bất động sản hồi phục, mảng vật liệu xây dựng của Hoa Sen sẽ được hưởng lợi. Riêng mảng tôn mạ, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, Hoa Sen sẽ là doanh nghiệp tôn mạ phục hồi đầu tiên nhờ sở hữu hệ thống đại lý lớn, có thị phần đứng đầu cả nước.

Bộ phận Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lợi nhuận các doanh nghiệp thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024, nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là Hòa Phát và Hoa Sen. Với Hòa Phát, sản lượng tiêu thụ của Công ty dự kiến sẽ tăng 11% trong năm 2024. Tỷ trọng kênh xuất khẩu trong doanh thu tăng lên sẽ giúp Hòa Phát chuyển mức tăng giá nguyên liệu sang giá bán thép dễ dàng hơn. Tại Hoa Sen, thị trường nội địa sẽ tốt hơn thị trường xuất khẩu và lợi nhuận có thể tăng hơn 20 lần so với mức thấp của năm 2023.

Tin bài liên quan