Trách nhiệm lớn, ý thức cao
Ông Pramoth Rajendran, Giám đốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam |
Có một cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian gần đây, đó là “biến đổi khí hậu”. Bốn chữ này tượng trưng cho những vấn đề thoạt nghe tưởng chừng như rất lớn lao và xa xôi, nhưng với người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z lại gần gũi hơn bao giờ hết. Họ ngày càng quan tâm hơn đến bền vững, đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Họ sẽ cảm thấy áy náy nếu lỡ đi làm mà quên mang bình cà phê với ống hút dùng nhiều lần của mình. Họ cũng sẽ khó chịu vì đi siêu thị phải đựng đồ bằng túi nylon. Vì sao họ cảm thấy cần gánh vác trách nhiệm này trên vai mình dù không hề nhẹ nhàng? Sự thật là chính họ sẽ là những công dân sống đủ lâu để đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu vốn không phải vấn đề mới mẻ, nhưng gần đây người tiêu dùng nói chung và nhóm người trẻ nói riêng bắt đầu ý thức rõ hơn về tình hình hiện tại. Họ nhìn thấy tác động hiển hiện với lũ lụt, hạn hán xảy ra ở khắp nơi. Việt Nam, quốc gia tôi đang sống và làm việc, cũng nằm trong nhóm 5 nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất. Ngân hàng Thế giới ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% vào năm 2050. Đó là lý do môi trường dần trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.
Cuộc cách mạng “xanh” nổ ra trên toàn cầu
Người tiêu dùng thế hệ mới đã dùng “quyền năng” của họ để tác động lên các doanh nghiệp và thay đổi cục diện trong nhiều ngành nghề. Nếu như giảm phát thải ngành vận tải là một cách quan trọng để ứng phó với vấn đề trái đất nóng lên, thì người tiêu dùng hưởng ứng xu hướng này bằng cách chuyển sang dùng phương tiện chạy điện. Kết quả là doanh thu từ phương tiện chạy điện đã tăng lên nhanh chóng, khiến các hãng lớn phải rục rịch thay đổi chiến lược.
Volvo cam kết xe ô tô điện chiếm 50% tổng doanh thu vào năm 2025. Volkswagen cam kết đầu tư 50 tỷ USD vào mảng phương tiện tự lái và chạy điện tới năm 2023. Ở Việt Nam, Vinfast công bố dừng sản xuất xe xăng, chuyển hẳn sang xe thuần điện từ cuối năm 2022.
Không dừng lại ở đó, giới trẻ ý thức được ô nhiễm rác thải nhựa đã nhanh chóng trở thành một trong những thách thức về môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Lượng nhựa tái chế còn quá ít trong khi chúng ta vẫn thải vào môi trường tự nhiên lượng nhựa khổng lồ. Nhiều người tiêu dùng trẻ đã chủ động giảm sử dụng nhựa và sự thay đổi hành vi này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi theo.
Cụ thể, hãng mỹ phẩm L’Oreal lên kế hoạch đạt mục tiêu toàn bộ bao bì nhựa của họ sẽ chuyển sang nguyên liệu tái chế, tái sử dụng hoặc tự phân hủy vào năm 2025. Hãng nước ngọt Coca Cola cam kết sẽ thực hiện chính sách thu lại vỏ chai/lon sau khi bán ra vào năm 2030. Từ năm 2018, thương hiệu nội thất Thụy Điển Ikea tuyên bố dần loại bỏ nhựa dùng một lần khỏi sản phẩm và chuỗi nhà hàng của họ trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, HSBC đã cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững cho đến năm 2030.
Bên cạnh đó, thời trang nhanh (fast fashion) cũng đang chuyển mình để theo kịp tinh thần của thế hệ Millennials và GenZ. Từng được coi là nhân tố khiến ngành thời trang lột xác trong những thập kỷ vừa qua với xu hướng trang phục, phụ kiện giá rẻ, dễ mặc, dễ thay đổi, song thời trang nhanh cũng để lại những tác động không nhỏ lên môi trường. Vì vậy, các thương hiệu thời trang phải hướng đến sự bền vững để giữ chân người dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.
Theo McKinsey, 66% thế hệ Millennials trên toàn cầu sẵn lòng chi tiền nhiều hơn cho những thương hiệu được coi là bền vững và 90% người tiêu dùng Gen Z tin các công ty thời trang có trách nhiệm với những vấn đề môi trường và xã hội. Trước tình hình đó, hãng thời trang Zara cam kết tất cả các bộ sưu tập mới sẽ được làm từ vải bền vững trước năm 2025, còn Adidas bắt tay hợp tác với tổ chức môi trường Parley for the Oceans từ năm 2015 để sản xuất hàng triệu đôi giày chứa nguyên liệu tái chế từ nhựa thải ra biển mỗi năm.
Ngành tài chính - ngân hàng cần làm gì?
Có thể thấy, các doanh nghiệp khắp mọi nơi đều ý thức được họ cần thay đổi để bắt kịp nhu cầu của nhóm khách hàng trẻ. Vậy các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành tài chính - ngân hàng thì sao khi sản phẩm của họ không hẳn là hữu hình để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện là bền vững?
Trước hết, bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào cũng cần thực sự hướng tới sự bền vững thực sự, thay vì gắn mác bền vững cho thương hiệu của mình. Tôi từng đọc đâu đó một câu nói truyền cảm hứng khuyến khích chúng ta làm việc tốt ngay cả khi không có ai nhìn thấy. Cũng tương tự như vậy, ngay cả khi người tiêu dùng không nhìn thấy, doanh nghiệp cũng cần thực sự bền vững trong chính hoạt động vận hành của mình.
Ví dụ, một trong những mục tiêu Tập đoàn HSBC cam kết giảm lượng phát thải, rác thải, tiêu thụ điện nước… trong vận hành của chính ngân hàng cùng chuỗi cung ứng để đạt mức “net zero” vào năm 2030 hoặc sớm hơn. Năm 2021, chúng tôi đã giảm 50,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính tuyệt đối so với năm 2019, duy trì tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo ở mức 37,5% so với mức 37,4% của năm 2020, giảm tiêu thụ nhiên liệu 20,6% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, ngân hàng có thể đồng hành cùng khách hàng hướng tới mục tiêu bền vững thông qua các giải pháp tài chính xanh. Hội nghị COP26 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (IPCC) nhận định thế giới cần một khoản đầu tư tương đương khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm để giữ mức độ nóng lên của trái đất ở con số 2 độ C. Chính các ngân hàng sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc huy động và điều hướng các nguồn vốn xanh cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu.
Tập đoàn HSBC tiên phong trong các hoạt động bền vững toàn cầu nhiều năm qua. Chúng tôi đã cam kết các giải pháp tài chính từ 750 - 1.000 tỷ USD để hỗ trợ khách hàng trên toàn thế giới chuyển dịch sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và cân bằng phát thải carbon vào năm 2050. Riêng tại Việt Nam, HSBC đã cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030.
Không chỉ đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng cũng có thể mang đến nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân trên hành trình hướng đến “net zero”, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Đó có thể là gói tín dụng xanh giúp họ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc vay mua nhà của những dự án/tòa nhà được chứng nhận là tòa nhà xanh với lãi suất ưu đãi. Bằng cách giảm lợi nhuận, ngân hàng có thể góp phần gia tăng tỷ lệ người tiêu dùng chọn lối sống xanh để chung tay hướng đến mục tiêu bền vững chung.
Nếu người tiêu dùng vẫn muốn nhìn thấy sự bền vững hữu hình hơn, ngân hàng có thể cân nhắc dùng nguyên liệu tái chế để sản xuất thẻ thanh toán. Đầu năm 2022, HSBC đã khởi xướng phong trào này tại Việt Nam, chính thức chuyển sang phát hành thẻ nhựa PVC tái chế. Mỗi tấm thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp, giúp giảm phát thải 7 g carbon và tiết kiệm 3,18 g nhựa. Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có khoảng 121 triệu thẻ đang lưu hành (tính đến hết quý III/2021). Thử hình dung nếu tất cả số thẻ này được làm bằng nhựa tái chế, chúng ta có thể giảm khoảng 834 tấn carbon và tiết kiệm gần 380 tấn nhựa.
Có lẽ không cần nói nhiều về lý do các ngân hàng nói riêng và các tổ chức, doanh nghiệp nói chung cần suy nghĩ nhiều hơn về ESG và bền vững. Suy cho cùng, đó là điều nên làm vì môi trường sống nói chung và vì chính sự tồn tại của doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt khi đó là mối quan tâm lớn của thế hệ người tiêu dùng mới, Millennials và Gen Z. Nếu không thích nghi, doanh nghiệp sẽ không theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng và bị loại khỏi cuộc chơi.