Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp động cơ tại một nhà máy sản xuất động cơ ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Theo kết quả khảo sát chính thức cho thấy được Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/6, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đứng ở mức 49,5 điểm, không thay đổi so với tháng 5. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy ngành/lĩnh vực bị thu hẹp trong kỳ khảo sát.
Ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho biết: "Sản xuất công nghiệp thực tế sẽ mạnh hơn dữ liệu vì quan sát của chúng tôi cho thấy chỉ số PMI chính thức không nắm bắt được đầy đủ động lực xuất khẩu hiện tại, vốn là động lực kinh tế chính trong năm nay".
Tuy nhiên, ông Xu nói thêm rằng nhu cầu bên ngoài và nội địa Trung Quốc vẫn tương đối thấp hơn năng lực sản xuất của Trung Quốc và điều này sẽ ngăn cản sự phục hồi của giá sản xuất.
Khảo sát của Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho thấy, trong khi chỉ số phụ về sản xuất trong tháng 6 đạt trên 50 điểm, thì các chỉ số khác về đơn đặt hàng mới, tồn kho nguyên liệu thô, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều nằm trong vùng giảm.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 đã vượt dự báo, nhưng các nhà phân tích vẫn lo ngại không rõ liệu doanh số xuất khẩu có bền vững hay không trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và các nền kinh tế phương Tây. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở thị trường tỷ dân tiếp tục cản trở nhu cầu trong nước.
Với sự thận trọng của người tiêu dùng và kỳ nghỉ Lễ Lao động ở Trung Quốc không kéo dài, chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất chế tạo (bao gồm dịch vụ và xây dựng) trong tháng 6 đã giảm còn 50,5, từ mức 51,1 trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ giảm xuống 50,2, mức thấp nhất trong 5 tháng qua trong khi PMI lĩnh vực xây dựng giảm về 52,3 điểm, mức yếu nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ chính sách hơn nữa, trong bối cảnh cam kết của chính phủ về tăng cường kích thích tài khóa được cho là sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước lên mức cao hơn.
Ông Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Guotai Junan International, cho biết: "Số liệu PMI suy yếu đương nhiên đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải có nhiều chính sách hỗ trợ hơn. Tuy nhiên, khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hiện tại bị hạn chế do đồng tiền Trung Quốc đang chịu áp lực".
"Điều đó nói lên rằng, chính sách tài khóa có thể sẽ chiếm vai trò chủ đạo, cho thấy chính quyền trung ương (Trung Quốc) sẽ cần phát hành thêm nợ trong tương lai gần để thúc đẩy tổng cầu trong nước", ông Hao dự đoán.
Nợ chính quyền địa phương Trung Quốc đang ở mức cao và áp lực giảm phát đã phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi, bất chấp hàng loạt biện pháp mà giới chức nước này đã triển khai kể từ tháng 10 năm ngoái, làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư và các chủ nhà máy.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố một chương trình cho thuê lại nhà ở giá rẻ nhằm thúc đẩy doanh số nhà ở đang tồn kho.
Theo Reuters, các quan chức Trung Quốc đang chịu áp lực phải kích hoạt các động lực tăng trưởng mới nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào bất động sản.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Trung Quốc vào tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp mới đang hỗ trợ sự phát triển kinh tế lành mạnh.
Thủ tướng Trung Quốc nói: "Kể từ đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì xu hướng đi lên... và dự kiến tiếp tục cải thiện ổn định trong quý II".