Hoạt động sản xuất khu vực Đông Nam Á có dấu hiệu tích cực hơn mặt bằng chung châu Á

Hoạt động sản xuất khu vực Đông Nam Á có dấu hiệu tích cực hơn mặt bằng chung châu Á

Ngành sản xuất châu Á không ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nền kinh tế sản xuất lớn của châu Á rơi vào tình trạng suy giảm trong tháng 2/2024, đặc biệt là Nhật Bản.

Một loạt cuộc khảo sát kinh doanh mới nhất cho thấy kết quả hoạt động không ổn định trên khắp châu Á. Trong đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản thể hiện hoạt động của nhà máy suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm qua, chủ yếu do ảnh hưởng của sự sụt giảm trong sản xuất xe cơ giới.

Ông Usamah Bhatti, nhà kinh tế học tại S&P Global Market Intelligence nhận xét, dữ liệu PMI tháng 2 cho thấy các điều kiện hoạt động đang xấu đi trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản. Nhu cầu suy giảm ở thị trường trong nước và quốc tế tiếp tục đè nặng lên hoạt động của ngành, vì cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm ở mức mạnh nhất trong 1 năm.

Điều đáng lo ngại là sự suy yếu trong nửa cuối năm ngoái đã kéo dài sang những tháng đầu năm 2024, làm phức tạp thêm nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khi muốn thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Quý IV năm ngoái, Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái và đánh mất danh hiệu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức, khi chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh suy yếu.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tạm thời tìm lại chỗ đứng khi chỉ số PMI khu vực tư nhân tăng nhẹ, sau đợt suy thoái nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản gây ra, nhưng PMI chính thức (kết quả khảo sát ở doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước) lại giảm. Hiện các nhà đầu tư hướng tới cuộc họp Quốc hội thường niên của nước này, nơi các nhà hoạch định chính sách sẽ đề ra các chính sách để đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Ở Đài Loan (Trung Quốc), hoạt động sản xuất của các nhà máy gần đây suy giảm với tốc độ nhanh hơn trước.

Tuy nhiên, ở một số khu vực khác của châu Á, có một số dấu hiệu cho thấy điều kiện tốt hơn đang được cải thiện.

Chẳng hạn, tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc đã vượt dự báo của thị trường trong tháng 2/2024, do nhu cầu bán dẫn tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán xe.

PMI của Ấn Độ thể hiện hoạt động sản xuất tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng, nhờ nhu cầu toàn cầu tăng nhanh và áp lực lạm phát thấp hơn.

Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số PMI của Malaysia và Thái Lan thể hiện hoạt động sản xuất tiếp tục giảm, nhưng ở Việt Nam, Indonesia và Philippines đang dần mở rộng.

Quay trở lại với Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng yếu và giá cả chậm lại buộc ngân hàng trung ương (PBoC) phải tính tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ, mặc dù có thể đối mặt với nguy cơ vốn ngoại chảy ra và đồng nhân dân tệ thiếu ổn định.

PBoC cho hay, họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy nhu cầu trong nước, đồng thời duy trì sự ổn định về giá, trong bối cảnh có dấu hiệu phục hồi kinh tế không đồng đều và rủi ro giảm phát gia tăng.

Trong báo cáo thực thi chính sách hàng quý, PBoC nhìn nhận, chính quyền phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Ngân hàng trung ương sẽ tăng cường phối hợp và hợp tác chính sách, hỗ trợ hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng, ổn định đầu tư, mở rộng nhu cầu trong nước và duy trì giá cả ở mức hợp lý.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn 14 năm trong tháng đầu năm 2024, trong khi giá sản xuất cũng giảm, làm tăng áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải làm nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế đang thiếu niềm tin và đối mặt với rủi ro giảm phát.

PBoC chia sẻ, cơ quan này sẽ thúc đẩy thị trường hóa lãi suất tiền gửi để đẩy mức lãi suất chung xuống, đồng thời hỗ trợ thị trường bất động sản, ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Tin bài liên quan