Cùng với sự phát triển 15 năm của TTCK Việt Nam, “vốn liếng” của toàn bộ ngành QLQ Việt Nam đã có những gì, thưa ông?
Ngành QLQ Việt Nam bắt đầu hình thành từ tháng 7/2003, với sự ra đời của Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (giữa Dragon Capital và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín). Tại thời điểm ban đầu, công ty QLQ được thực hiện các nghiệp vụ: quản lý danh mục đầu tư, QLQ đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Những nghiệp vụ này không được ghi trong giấy phép hoạt động như hiện nay. Mức vốn pháp định của công ty QLQ tại thời điểm đó là 5 tỷ đồng, từ năm 2007 tăng lên 25 tỷ đồng.
Đến năm 2013, TTCK đã có khung pháp lý cho các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán hiện đại, rất mới ở Việt Nam như: quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), quỹ bất động sản (REITS)...
Đặc biệt, nếu như trước năm 2012, thị trường chỉ có các quỹ đóng, quỹ thành viên hoạt động kém linh hoạt, thì nay đã được thay thế bằng các sản phẩm quỹ đầu tư mới, hiện đại, theo thông lệ quốc tế như: quỹ mở, quỹ ETF. Hiện thị trường đã có 26 quỹ đầu tư, gồm 15 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 8 quỹ thành viên, 1 quỹ đóng. Đến tháng 12/2014, thị trường có 43 công ty QLQ, với tổng số vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng và đang quản lý khối tài sản ủy thác khoảng 107.000 tỷ đồng (giá trị quản lý quỹ khoảng 7.000 tỷ đồng, giá trị quản lý danh mục đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng), tăng 13,9% so với cuối năm 2013.
Quỹ mở là sản phẩm nền tảng, được thiết kế nhằm kết nối TTCK với các thị trường khác.
Trong ảnh: đại diện SSIAM giới thiệu
về quỹ ETF
Nằm trong định hướng tái cấu trúc TTCK, đến nay, ngành QLQ đã đạt những kết quả tái cấu trúc ra sao, thưa ông?
Để triển khai Đề án “Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định 1826/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 212/2012 và Thông tư 165/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư 226/2010 nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc các công ty QLQ, đồng thời minh bạch hóa và nâng cao tiêu chí hoạt động của các tổ chức này. Hệ thống văn bản này còn góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm quản lý tốt hơn dòng tiền tại các khu vực này và từng bước giúp các cơ quan này kiểm soát tốt hơn, có cơ chế giám sát, giải pháp ứng xử đối với các dòng tiền từ khu vực ngân hàng. UBCK cũng ban hành 2 quy chế về hoạt động quản trị rủi ro tại các công ty QLQ và quy chế đánh giá chất lượng hoạt động theo tiêu chí CAMEL, hình thành bộ 3 văn bản cần thiết phục vụ cho công tác quản lý, giám sát dựa trên rủi ro (risk based) - một hướng tiếp cận hiện đại theo thông lệ quốc tế.
Đến nay, tái cấu trúc ngành QLQ đã đạt được những thành tựu bước đầu, góp phần tái cấu trúc hiệu quả TTCK. Cụ thể, công tác tái cấu trúc đã thu hẹp số lượng hoạt động của các công ty QLQ yếu kém, không đáp ứng điều kiện kinh doanh, đồng thời khuyến khích thu hút NĐT nước ngoài, các định chế tài chính có uy tín tham gia vào lĩnh vực QLQ tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2014, có 6 công ty QLQ được tái cấu trúc dưới các hình thức giải thể, chấm dứt hoạt động, tạm dừng hoạt động. Công tác tái cấu trúc đã thu hẹp gần 10% số lượng công ty QLQ so với năm 2013.
Đối với hệ thống các quỹ đầu tư chứng khoán, công tác tái cấu trúc đã thực hiện có kết quả rõ rệt. Cụ thể, đã thực hiện theo đúng định hướng đề ra là thay thế dần thế hệ các quỹ đóng, quỹ thành viên bằng hệ thống quỹ mở hoạt động linh hoạt và minh bạch hơn, có cơ chế bảo vệ NĐT tốt hơn. Đến tháng 10/2014, TTCK đã có 15 quỹ mở, 2 quỹ ETF được đăng ký thành lập, chào bán, với tổng vốn huy động được hơn 3.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, chính sách về các sản phẩm quỹ đầu tư mới bước đầu đã được thị trường đón nhận, tạo tiền đề cho các sản phẩm quỹ mới (quỹ đầu tư bất động sản…) hình thành và phát triển trong thời gian tới.
Quỹ mở sau một thời gian hoạt động cho thấy kết quả chưa mấy ấn tượng. Theo ông, vì sao lại như vậy và cần thời gian bao lâu để quỹ mở chứng tỏ được ưu thế của mình trong thu hút NĐT quan tâm, bỏ tiền đầu tư vào quỹ?
Quỹ mở là sản phẩm nền tảng, được thiết kế nhằm kết nối TTCK với các thị trường khác như: bảo hiểm (sản phẩm liên kết), tiền tệ (quỹ thị trường tiền tệ), hệ thống an sinh xã hội (quỹ hưu trí), hay kết nối với các khu vực sản phẩm khác của TTCK như chỉ số, chứng khoán phái sinh, trái phiếu (như quỹ chỉ số, quỹ ETF, quỹ phái sinh, quỹ trái phiếu)... Quỹ mở với tính thanh khoản cao, chi phí thấp, sẽ hấp dẫn NĐT hơn so với loại hình quỹ đóng, quỹ thành viên. Quỹ mở là xu hướng tất yếu trên thế giới. Cụ thể như tỷ lệ của số quỹ mở trên tổng các loại hình quỹ của Indonesia là 99%, Malaysia: 97,96%, Nhật Bản: 96,14%... TTCK chuyên nghiệp cần phải được xây dựng dựa trên hệ thống NĐT tổ chức, đặc biệt là các quỹ mở.
UBCK đã cấp phép hoạt động cho 15 quỹ mở trong năm 2013 - 2014. Qua đó, đang từng bước hình thành hệ thống NĐT tổ chức chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, góp phần phát triển bền vững TTCK.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quỹ ETF trong thời gian tới?
Hiện thị trường đã có 2 quỹ ETF nội địa được cấp phép thành lập, chào bán. Trên thế giới, mô hình quỹ ETF đang rất phát triển trong những năm gần đây. Mỹ là quốc gia phát triển quỹ ETF nhanh nhất thế giới. Chỉ trong 10 năm gần đây (2003 - 2013), số lượng quỹ ETF của Mỹ tăng nhanh từ 119 quỹ (năm 2003) lên 1.294 quỹ vào năm 2013. Tại Hàn Quốc, năm 2004 chỉ có 4 quỹ ETF, thì đến năm 2009 đã có 50 quỹ ETF.
Là một loại hình quỹ mở, tuy nhiên, quỹ ETF thừa hưởng những đặc tính của cả quỹ mở và quỹ đóng. Với nhiều ưu điểm như có tính minh bạch cao; thanh khoản tốt; cơ chế giao dịch linh hoạt, tiện ích; chi phí quản lý thấp; danh mục đầu tư của quỹ được đa dạng hóa, nên giảm thiểu rủi ro cho NĐT..., quỹ ETF có triển vọng phát triển trong thời gian tới.
Theo ông, ngành QLQ đang có những khó khăn gì?
Khung pháp lý cho hoạt động của ngành QLQ ở Việt Nam về cơ bản đã được hoàn thiện và chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách thuế để hỗ trợ cho ngành quỹ phát triển vẫn chưa theo kịp thị trường. Đây là khó khăn mà ngành quỹ đang gặp phải. Một khó khăn khác là QLQ hay quản lý tài sản là một lĩnh vực khá phổ biến trong ngành tài chính ở các nước phát triển trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, khái niệm QLQ còn tương đối mới với NĐT. Để họ nhận thức, hiểu đúng về các sản phẩm quỹ mở, quỹ ETF, thì cần có các chương trình đào tạo, tập huấn, tuyên truyền để phổ cập các sản phẩm quỹ đến thị trường.
Vậy đâu là giải pháp để khuyến khích ngành QLQ phát triển trong giai đoạn tới?
Thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCK sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Tái cấu trúc TTCK và Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, riêng với ngành QLQ sẽ thực hiện tập trung phát triển theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích việc tái cấu trúc hệ thống công ty QLQ theo hướng chuyên nghiệp hơn: tập trung khuyến khích các DN bảo hiểm, tổ chức tín dụng thành lập, tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các công ty QLQ; tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế lớn, có uy tín, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn trong lĩnh vực quản lý tài sản tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp tại các công ty QLQ trong nước.
Khuyến khích các công ty QLQ huy động và quản lý các loại hình quỹ đầu tư trong và ngoài nước, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; khuyến khích các công ty QLQ đẩy mạnh việc huy động các quỹ nước ngoài để đầu tư vào các DN Việt Nam. Khuyến khích các công ty QLQ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính theo các nguyên tắc và chuẩn mực về quản trị rủi ro tốt nhất theo thông lệ quốc tế.
Tập trung nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các công ty QLQ. Tạo điều kiện để các công ty QLQ củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động: đầu tư phát triển hệ thống phần mềm hiện đại; nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ người hành nghề; khuyến khích các công ty QLQ phối hợp với các ngân hàng thương mại, các DN bảo hiểm phát triển các sản phẩm quỹ đa dạng, nhất là các sản phẩm đầu tư tập thể có liên kết với các hình thức bảo hiểm, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu của NĐT.