Giá urê giảm 30 - 40% so với cùng kỳ
Thời hoàng kim của doanh nghiệp phân bón đã qua khi giá các loại phân bón giảm mạnh kể từ quý IV/2022 đến nay.
Trước đó, năm 2020, không ít doanh nghiệp ngành phân bón có doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận lại tăng nhờ giá bán tốt. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp ngành này lãi lớn do giá phân bón tăng cao, nhờ nhu cầu cầu tăng đột biến, trong khi nguồn cung sụt giảm. Giá phân bón lập đỉnh vào quý II/2022, sau đó hạ nhiệt rồi giảm sâu, chấm dứt đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng nửa thế kỷ và đặt dấu chấm cho một thời kỳ đỉnh cao về lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Thực tế, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phân bón cho thấy, lợi nhuận quý IV/2022 giảm sâu, thậm chí có công ty ghi nhận lỗ, dù lợi nhuận cả năm 2022 vẫn tăng trưởng cao. Tình trạng lợi nhuận lao dốc tiếp diễn trong quý I/2023.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) ghi nhận doanh thu giảm 33% và lợi nhuận sau thuế giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 2.734 tỷ đồng và 229 tỷ đồng - mức lãi thấp nhất trong 7 quý gần đây.
Diễn biến giá urê giai đoạn 2021 - 2022 và dự báo 2023. Nguồn: S&P Global. |
Theo PVCFC, giá bán urê bình quân trong quý đầu năm 2023 giảm hơn 32% so với cùng kỳ, đồng thời chi phí bán hàng tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm.
Tương tự, kết thúc quý I/2023, Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) ghi nhận doanh thu 3.289 tỷ đồng, giảm 44%; lợi nhuận sau thuế 262 tỷ đồng, giảm 87,6% so với cùng kỳ.
PVFCCo cho biết, trong quý I/2023, sản lượng mặt hàng kinh doanh phân bón giảm, đặc biệt giá bán urê giảm 44% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá khí cao hơn cùng kỳ dẫn đến doanh thu các mặt hàng giảm, làm lợi nhuận giảm tương ứng (khí đốt chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất amoniac, một nguyên liệu chính để sản xuất phân bón).
Diễn biến giá urê nội địa. Nguồn: Agromonitor. |
Tại Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán BFC), doanh nghiệp này lỗ hơn 39 tỷ đồng trong quý I/2023, còn doanh thu giảm 48% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.363 tỷ đồng.
Phân bón Bình Điền cho hay, trong quý đầu năm 2023, Công ty chủ động giảm giá bán làm cho lợi nhuận gộp giảm hơn 73%; sản lượng bán ra giảm hơn 85.000 tấn, tương đương mức giảm 52% so với cùng kỳ. Việc này khiến lợi nhuận giảm sâu, mặc dù Công ty tích cực giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng lần lượt là 51% và 44% so với cùng kỳ.
Tổng giám đốc Phân bón Bình Điền, ông Ngô Văn Đồng chia sẻ, trong quý I/2023, giá phân bón giảm mạnh và nhanh nên các đại lý chỉ nhận hàng theo nhu cầu tiêu thụ thực tế, không lưu kho như trước. Vì vậy, sản lượng và giá bán của Công ty không đạt như kỳ vọng, nên phát sinh lỗ.
Hoạt động xuất khẩu phân bón của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi nguồn cung từ Nga và Trung Quốc gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 537.269 tấn phân bón, mang về 232,16 triệu USD, giảm 17% về lượng và 43,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu giảm cùng lượng hàng tồn kho tăng khiến giá urê trong nước cũng giảm mạnh. Giá urê trong tháng 4 và 5/2023 giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thận trọng với kế hoạch 2023
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, chính sách hạn chế xuất khẩu phân phân bón của Nga và Trung Quốc đã được nới hoặc sắp hết hạn khiến nguồn cung phân bón tăng và làm giá phân bón giảm. Giá phân bón có thể giảm nhiều hơn mức giảm của giá khí nguyên liệu đầu vào và giá dầu thế giới cũng có xu hướng điều chỉnh nhưng không đồng pha với mức giảm của giá phân urê.
Trong bối cảnh đó, các công ty sản xuất - kinh doanh phân bón lên kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2023.
Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) dự kiến năm 2023 đạt doanh thu 4.615 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 931 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 47,6% so với mức thực hiện năm 2022.
PVFCCo dự kiến năm 2023 đạt doanh thu 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,6% và gần 60% so với mức thực hiện năm 2022. Đánh giá nhu cầu thị trường có xu hướng giảm, nhà máy Đạm Phú Mỹ có kế hoạch điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất để cân đối với khả năng tiêu thụ.
MBS dự phóng, kết quả kinh doanh năm 2023 của PVFCCo có thể không đạt kế hoạch, nhiều khả năng đạt doanh thu 15.122 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.188 tỷ đồng.
Trong khi các doanh nghiệp phân bón dự kiến lợi nhuận năm nay giảm mạnh thì Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch đạt doanh thu 7.476 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, giảm 12% về doanh thu nhưng tăng 18,5% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm ngoái.
Kỳ vọng mùa mưa tới
Ông Ngô Văn Đồng cho biết, hiện tại, thời tiết đang giao mùa, mùa mưa sắp đến. Trong canh tác, mùa mưa là mùa phân bón. Trong khi đó, giá nông sản hiện nay đang rất tốt, nhất là lúa và cà phê, nên Công ty có triển vọng hoạt động khả quan.
Nhu cầu phân bón NPK cơ bản được phân ra theo các nhóm cây trồng như cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, trong đó nhu cầu phân bón NPK tập trung cao cho cây lúa và cây cà phê.
Giới phân tích nhận định, giá phân bón tiếp tục giảm trong các tháng đầu năm 2023, nhưng sẽ sớm ổn định trở lại do lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu dưỡng đất tăng. Khi giá phân bón giảm, nhà nông sẽ tăng mua phân bón để bổ sung dinh dưỡng cho đất sau thời gian phải hạn chế vì giá cao trong 2 năm trước đó.
Vào mùa mưa, mùa phân bón, doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến ở mức thấp, do giá nguyên liệu đầu vào cao.